Xạ trị vùng chậu là một phương pháp điều trị các bệnh lý ung thư vùng chậu. Dưới đây là 2 bước quan trọng để chuẩn bị ruột và bàng quang trước khi xạ trị vùng chậu, do bác sĩ khoa ung bướu Bệnh viện FV khuyến nghị.
Các cơ quan bên trong vùng chậu, như cổ tử cung và tử cung (đối với nữ giới) hoặc tuyến tiền liệt (đối với nam giới), sẽ thay đổi vị trí một cách tự nhiên. Điều này tùy thuộc vào độ đầy của trực tràng (ruột) và bàng quang.
Để có thể xạ trị trực tiếp vào vùng đã xác định, điều quan trọng là vùng này phải ở cùng một vị trí, giống như vị trí đã được chụp cắt lớp vi tính để lập kế hoạch xạ trị, trong tất cả các lần xạ trị.
Cách hiệu quả nhất để đảm bảo điều này là bệnh nhân phải làm sạch ruột (trực tràng) và làm đầy bàng quang ở mỗi buổi hẹn.
Khi chứa đầy nước, bàng quang sẽ căng phồng, di chuyển lên trên và ra khỏi vùng xạ trị, điều này giúp giảm kích thước của phần bàng quang nằm trong vùng xạ trị.
Bàng quang đầy còn giúp đẩy ruột non lên phía trên và ra khỏi vùng xạ trị giúp hạn chế các tác dụng phụ có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến ruột non.
5 điều cần lưu ý để chuẩn bị bàng quang trước khi xạ trị vùng chậu
1.Trong một tuần trước lịch hẹn chụp cắt lớp vi tính/cộng hưởng từ để lập kế hoạch xạ trị, bệnh nhân nên bắt đầu uống chất lỏng thường xuyên trong ngày.
2.Uống duy trì ít nhất 1,5 lít mỗi ngày (tốt nhất là nước). Điều này nhằm đảm bảo bệnh nhân vẫn được cung cấp đủ nước trong suốt quá trình xạ trị, để bàng quang luôn đầy trong quá trình chuẩn bị cho mỗi lần xạ trị.
3.Tập giữ nước tiểu trong bàng quang tại nhà trong một khoảng thời gian sẽ giúp bệnh nhân có thể chuẩn bị bàng quang đầy cho các lần xạ trị.
4.Điều quan trọng là giảm uống trà, cà phê và rượu vì chúng có thể làm bệnh nhân đi vệ sinh thường xuyên hơn và có thể mất nước. Thay vào đó, thử uống trà và cà phê đã khử chất caffein (decaf).
5.Nếu cảm thấy khó uống nước lọc, hãy thử thêm các hương liệu (bạc hà, nước chanh…).
Đặc biệt lưu ý:
Vào ngày hẹn chụp cắt lớp vi tính để lập kế hoạch xạ trị vùng chậu, và mỗi ngày trước khi xạ trị, bệnh nhân cần làm rỗng bàng quang.
Sau đó, bệnh nhân sẽ được yêu cầu làm đầy bàng quang trở lại bằng cách uống một lượng nước cụ thể.
Bệnh nhân phải đảm bảo mình được cung cấp đủ nước khi đến chụp để lập kế hoạch điều trị cũng như khi đến xạ trị.
Bệnh nhân sẽ phải đợi cho đến khi đầy bàng quang trước khi tiến hành điều trị.
Lượng nước cần uống và khoảng thời gian cần chờ sẽ được thông báo trong buổi hẹn đầu tiên. Lý do là để chụp cắt lớp vi tính cho việc lập kế hoạch xạ trị vùng chậu.
Lịch hẹn xạ trị cung cấp cho bệnh nhân là thời điểm bệnh nhân đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc xạ trị.
Bệnh nhân cần đến sớm hơn thời gian này 30 – 40 phút để chuẩn bị cho bàng quang như đã mô tả ở trên.
Bệnh nhân cố gắng giữ đầy bàng quang để xạ trị, nhưng khi không giữ được nữa, hãy thông báo cho kỹ thuật viên xạ trị.
Kỹ thuật viên xạ trị sẽ cho bệnh nhân đi tiểu và cho bệnh nhân một khoảng thời gian để bắt đầu làm đầy bàng quang trở lại.
5 lưu ý để chuẩn bị làm sạch trực tràng (sạch ruột) trước khi xạ trị
Nếu có đi tiêu đều đặn (hằng ngày), bệnh nhân không cần làm bất cứ điều gì khác. Vì đường ruột của bệnh nhân sẽ ổn khi chụp cắt lớp vi tính để lập kế hoạch và khi xạ trị.
- Tránh thức ăn hoặc thức uống có thể gây đầy hơi.
- Ăn đủ bữa – việc bỏ bữa và nhịn ăn có thể làm đầy trực tràng và đầy hơi trong đường ruột.
- Tập thể dục thường xuyên – tập nhẹ nhàng như đi bộ và kéo giãn cơ có thể giúp hơi di chuyển và điều hòa nhu động ruột.
- Tránh nuốt khí khi ăn:
- Ăn chậm và nhai kỹ thức ăn
- Ngậm miệng khi nhai
- Tránh nhai kẹo cao su
- Uống từng ngụm thay vì uống ừng ực
5. Tránh hoặc giảm lượng thức ăn có thể gây đầy hơi hoặc chướng bụng như:
- Một số loại rau (bắp cải, rau mầm, bông cải xanh và bông cải trắng)
- Trái cây khô (đặc biệt là ngũ cốc khô hoặc ngũ cốc tương tự)
- Thức ăn nhiều chất béo và nhiều dầu mỡ
- Hành tây, đậu lăng và các loại đậu (kể cả đậu nướng)
- Không ăn quá hai miếng trái cây mỗi ngày
- Thức ăn quá cay
- Thức uống có ga (nước ngọt và rượu bia).
Lưu ý thêm: Nếu bệnh nhân không đi tiêu mỗi ngày, hoặc gặp các vấn đề về đầy hơi đường ruột liên tục, hãy trao đổi với bác sĩ FV. Vì bệnh nhân có thể cần dùng thuốc nhuận tràng hoặc thụt tháo ruột.
3 ĐIỂM LƯU Ý VÀO NGÀY HẸN
- Ăn sáng nhẹ, nhưng không ăn trong vòng hai giờ trước lịch hẹn.
- Nên uống nhiều nước trong.
- Cố gắng đi tiêu nhưng không rặn trước lịch hẹn (chúng tôi sẽ hỏi bệnh nhân về điều này).
Xem thêm: XẠ TRỊ ÁP SÁT: VŨ KHÍ MỚI TRONG ĐIỀU TRỊ UNG THƯ PHỤ KHOA TẠI BỆNH VIỆN FV https://magazine.fvhospital.com/xa-tri-ap-sat-vu-khi-moi-trong-dieu-tri-ung-thu-phu-khoa-tai-benh-vien-fv/