2 THÁNG GIÀNH GIẬT SỰ SỐNG CHO BỆNH NHÂN BỊ THỦNG DẠ DÀY, BÁC SĨ FV CÒN BAY CÙNG BỆNH NHÂN VỀ PHÁP ĐỂ ĐẢM BẢO AN TOÀN

Cấp cứu trong tình trạng bị nhiễm trùng ổ bụng, suy dinh dưỡng nặng, rò tiêu hóa…, tiên lượng sống chỉ 20%, ông Kong Kham Pravong (quốc tịch Pháp) được các bác sĩ Bệnh viện FV nỗ lực suốt 2 tháng giành lại sự sống. Ông đã trải qua hai cuộc phẫu thuật, trong đó phải cắt dạ dày và được chăm sóc hậu phẫu vô cùng cẩn trọng.

Cứu sống bệnh nhân sau 2 tháng, bác sĩ của FV còn đồng hành cùng bệnh nhân trên chuyến bay về nước Pháp để đảm bảo an toàn
Cứu sống bệnh nhân sau 2 tháng, bác sĩ của FV còn đồng hành cùng bệnh nhân trên chuyến bay về nước Pháp để đảm bảo an toàn

Hai ca mổ đầy cân não để cứu bệnh nhân qua cơn nguy kịch

Tình trạng của ông Kong Kham Pravong khi cấp cứu tại bệnh viện FV ngày 17/6, được bác sĩ Trần Xuân Tiềm – khoa Ngoại tổng quát nhận xét “nặng chưa từng thấy”.

Trước đó, bệnh nhân trải qua 2 ca phẫu thuật vá lỗ thủng dạ dày, cắt lách, đặt hỗng tràng nuôi ăn tại Campuchia, nhưng bị biến chứng. Gia đình quyết định tìm một bệnh viện uy tín để điều trị cho bệnh nhân, và sau nhiều cân nhắc đã chọn FV.

Các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị nhiễm trùng ổ bụng, có một lỗ thủng lớn ở dạ dày tới 7cm kéo dài từ tâm vị, mặt sau phình vị đến thân dạ dày; áp-xe trung thất dưới – cạnh thực quản, áp-xe hố lách; rò tiêu hóa tại vị trí mở hỗng tràng nuôi ăn. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị nhiễm trùng huyết do nấm và suy dinh dưỡng nặng, cơ thể suy kiệt trầm trọng. Các bác sĩ đánh giá cơ hội sống của ông chỉ 20-30%.

Một hội chẩn liên chuyên khoa được tổ chức, với sự tham gia của Giám đốc y khoa, bác sĩ khoa Ngoại tổng quát, Khoa Gây mê hồi sức, Khoa Dinh dưỡng, khoa Truyền nhiễm. Dựa trên kết quả cận lâm sàng, ê-kíp nhất trí phẫu thuật nhanh mới có cơ hội giữ mạng sống cho người đàn ông 66 tuổi này.

Ca mổ kéo dài 6 tiếng để súc rửa ổ bụng, cắt bỏ dạ dày cho bệnh nhân
Ca mổ kéo dài 6 tiếng để súc rửa ổ bụng, cắt bỏ dạ dày cho bệnh nhân

Ca phẫu thuật kéo dài 6 tiếng được thực hiện bởi bác sĩ Lê Đức Tuấn và bác sĩ Trần Xuân Tiềm, Khoa Ngoại tổng quát. Khi mở ổ bụng bệnh nhân, các bác sĩ phát hiện lỗ thủng lớn dạ dày từ tâm vị, mặt sau phình vị đến thân dạ dày. Ê-kíp mổ nghi ngờ có thể do ung thư, trong trường hợp đó thì cơ hội sống của bệnh nhân hầu như không còn. Rất may, kết quả giải phẫu bệnh cho thấy tổn thương lành tính, do vậy các bác sĩ đã quyết tâm bằng mọi cách nỗ lực cứu sống ông.

“Ổ bụng bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng, dịch tiêu hóa lan khắp tầng trên ổ bụng. Do dạ dày biến dạng, co rúm, hoại tử xung quanh lỗ thủng, chúng tôi quyết định cắt toàn bộ dạ dày, khâu lại mỏm thực quản đoạn xa, dẫn lưu mỏm tá tràng, dẫn lưu áp-xe trung thất dưới cạnh mỏm thực quản, dẫn lưu hố lách, dẫn lưu ổ bụng, đặt lại ống nuôi ăn hỗng tràng cho bệnh nhân”, bác sĩ Tiềm thuật lại.

Sau phẫu thuật, việc chăm sóc hậu phẫu kết hợp đa chuyên khoa với dinh dưỡng tích cực, chăm sóc hệ thống dẫn lưu, kiểm soát nhiễm khuẩn… cho bệnh nhân được tiến hành chặt chẽ, với sự thực hiện của điều dưỡng lẫn bác sĩ.

Tuy nhiên 1 tháng sau, các bác sĩ phát hiện ra đại tràng góc lách của bệnh nhân bị rò. Lỗ thủng ở đại tràng rỉ chất bẩn (phân) ra tầng trên ổ bụng, đồng thời mỏm thực quản và mỏm tá tràng cũng rò dịch ra vị trí này . “Điều này nguy hiểm vì chất bẩn tràn ngay khu vực mình đang ra sức bảo vệ để không còn nhiễm khuẩn. Do đó, chúng tôi bắt buộc phải phẫu thuật lần 2”, bác sĩ Phan Văn Thái, trưởng khoa Ngoại tổng quát nhận định.

Bác sĩ Phan Văn Thái cùng ekíp trong một ca phẫu thuật
Bác sĩ Phan Văn Thái cùng ekíp trong một ca phẫu thuật

Thông thường với tình trạng rò đại tràng vào ổ bụng, cần phải phẫu thuật mở rộng vết mổ, giải phóng đưa đoạn đại tràng chứa lỗ thủng ra ngoài. Tuy nhiên, do thể trạng suy kiệt sau khi phải trải qua nhiều ca mổ của bệnh nhân này, việc mở rộng vết mổ để tiếp cận như cách thông thường sẽ phá vỡ vách bảo vệ trong ổ bụng mà ê-kíp nỗ lực gìn giữ cả tháng này, dễ dẫn đến tử vong do nguy cơ nhiễm trùng lan tỏa ổ bụng.

Do đó, các bác sĩ quyết định chọn phương pháp can thiệp ít xâm lấn, an toàn hơn đó là đưa hồi tràng ra da (hậu môn nhân tạo đoạn cuối ruột non) bằng một vết thương nhỏ; đồng thời tiến hành phẫu thuật nội soi khu trú vào vùng đại tràng xì rò nhiễm trùng ở tầng trên ổ bụng, súc rửa sạch , thiết lập các hệ thống dẫn lưu để cô lập và giải thoát vùng nhiễm trùng ra ngoài, tránh rò rỉ vào ổ bụng gây nhiễm trùng lan tỏa nguy hiểm. Ca mổ lần 2 kéo dài 4 tiếng, trong mổ bệnh nhân ổn định, sau mổ bệnh phục hồi tốt dần lên mỗi ngày. “Cách làm này dựa trên kiến thức và kinh nghiệm tổng hợp sao cho phù hợp nhất cho trường hợp bệnh đặc biệt này, chứ không có sẵn hướng dẫn trong y văn”, bác sĩ Thái nhớ lại.

Phẫu thuật đã khó, chăm sóc hậu phẫu càng phức tạp cẩn trọng từng chi tiết  để cứu sống bệnh nhân

Hai ca mổ được xem là đã cứu sống bệnh nhân ngoạn mục, song theo bác sĩ Tiềm đánh giá, để ông phục hồi tốt sau mổ phụ thuộc rất lớn vào chăm sóc hậu phẫu. Công tác hậu phẫu vì thế được tiến hành vô cùng chu đáo và cẩn trọng. Mỗi ngày có 2 điều dưỡng và 1 hộ lý thay băng 3 lần; súc rửa, hút dịch qua ống dẫn lưu; xoay trở người để tránh loét; cho bệnh nhân dùng đúng liều kháng sinh, kháng nấm.

Bác sĩ Tiềm thăm khám cho bệnh nhân trước khi xuất viện
Bác sĩ Tiềm thăm khám cho bệnh nhân trước khi xuất viện

Bên cạnh đó, dinh dưỡng phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân cũng rất quan trọng. Bệnh nhân được nuôi ăn bằng đường tĩnh mạch và qua ống nuôi ăn, với liều lượng được tính toán kỹ bởi bác sĩ Khoa Dinh dưỡng.

Trực tiếp chăm sóc ông Kong 2 tháng qua, điều dưỡng Phạm Thị Thanh cho biết: “Trong 20 năm làm nghề, chưa khi nào tôi nhìn thấy bệnh nhân đặt nhiều ống dẫn lưu như vậy”. Nhiệm vụ của ê-kíp là phải đảm bảo súc rửa ống dẫn lưu đều đặn, tránh nhiễm khuẩn, dinh dưỡng, thuốc men đầy đủ, đúng giờ, không có bất kỳ sai sót nhỏ nào.

“Bệnh nhân rất dễ bị nhiễm trùng, nên ê-kíp lưu tâm, cẩn trọng quan sát từng chi tiết nhỏ nhất: từ màu phân, nước tiểu, màu da, vị trí ở những chỗ đặt ống dẫn lưu, truyền dịch…”, chị Thanh chia sẻ.

Đôi khi chỗ ống dẫn lưu, cọng chỉ bị xoắn cũng khiến bệnh nhân đau, ai không có kinh nghiệm sẽ cho thuốc giảm đau, nhưng thực chất chỉ cần điều chỉnh hướng cọng dây, xoay trở tư thế ống dẫn lưu là bệnh nhân hết đau.

“Việc chăm sóc cực kỳ phức tạp, phải có sức khỏe, bởi mỗi lần bơm rửa cần 1.000-3.000 ml nước, mất 1,5-2 tiếng mới hoàn thành và tiến hành 2-3 lần/ngày”, chị Thanh cho hay.

Dần dà, bệnh nhân tự ngồi được và đi lại trong khoảng cách nhỏ, tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng. Quan sát bệnh nhân từ cơn thập tử nhất sinh, sức tàn lực kiệt, phụ thuộc hoàn toàn vào bác sĩ và điều dưỡng, cho tới khi ông có thể đi lại, với chị Thanh, đó là một niềm vui khó diễn tả hết bằng lời. Chị tự hào khi được làm việc cùng ê-kíp giỏi chuyên môn, tận tâm vì người bệnh, hạnh phúc khi chứng kiến sự hồi phục ngoạn mục ngoài sức tưởng tượng của những bệnh nhân trước đó từng được tiên liệu “chắc chỉ sống vài ngày”.

Bác sĩ FV cùng bệnh nhân bay về Pháp để đảm bảo an toàn

Việc điều trị của ông Kong Kham Pravong chưa kết thúc, các bác sĩ cho hiết, khoảng 1 năm nữa khi thể lực phục hồi tốt, ông cần thực hiện ca phẫu thuật tái lưu thông đường tiêu hóa, nối lại thực quản với ruột non. Khi đó, ông sẽ ăn bằng đường miệng, đi ngoài bằng đường hậu môn như bình thường.

Do các khó khăn về tài chính, bệnh nhân mới chỉ đóng 20% viện phí. Gia đình có nguyện vọng đưa ông về Pháp để theo dõi và phẫu thuật tái lưu thông đường tiêu hóa đồng thời làm các thủ tục với bảo hiểm xã hội Pháp để hoàn trả 80% viện phí còn lại cho FV.

Bác sĩ Tiềm đồng hành cùng bệnh nhân về Pháp trong chuyến bay ngày 23/8/2023
Bác sĩ Tiềm đồng hành cùng bệnh nhân về Pháp trong chuyến bay ngày 23/8/2023

“Tuy bệnh nhân khó khăn tài chính, nhưng với tôn chỉ luôn đặt y đức, tính mạng bệnh nhân lên hàng đầu, nên bệnh viện tập trung cứu chữa người bệnh trước, viện phí sẽ tính sau”, bác sĩ Phan Văn Thái, Trưởng khoa Ngoại tổng quát FV khẳng định.

“Tôi khỏe hơn rất nhiều so với 2 tháng trước, hiện không còn đau… Tôi biết bệnh rất nặng. Thấy các bác sĩ nỗ lực, càng tiếp thêm nghị lực để tôi cố gắng phối hợp. Các điều dưỡng chăm sóc tận tâm, bất kể ngày đêm, lúc nào cần đều có mặt. Chất lượng dịch vụ FV không thua kém bệnh viện ở Pháp, thậm chí khâu chăm sóc bệnh nhân rất tốt. Tôi rất cảm kích và muốn gửi lời cảm ơn tới các bác sĩ, y tá, hộ lý của bệnh viện FV”, ông Kong Kham Pravong xúc động cho biết trước khi xuất viện.

Trên chuyến bay về Pháp chiều 23/8, có bác sĩ Trần Xuân Tiềm đồng hành, đảm bảo sức khỏe cho ông đến được sân bay Pháp an toàn. Sau đó, ông Kong Kham Pravong đã được một bệnh viện lớn tại Paris tiếp nhận. FV cũng đã phối hợp chuyển bệnh án cho bác sĩ ở Pháp để thuận tiện lên phác đồ điều trị tiếp theo cho bệnh nhân.