Phình mạch máu não: Có thể chữa khỏi bằng can thiệp nội mạch

Nếu trước kia để điều trị phình mạch máu não, bệnh nhân phải trải qua cuộc phẫu thuật mở hộp sọ nặng nề, thì nay với phương pháp can thiệp nội mạch, bác sĩ có thể xử lý túi phình với một đường rạch nhỏ 1cm ở đùi. 

Đặt stent chuyển dòng điều trị phình mạch máu não cho bệnh nhân 46 tuổi

Chị N.T.P (46 tuổi, quê ở Cần Thơ) bị đau nửa đầu phải kéo dài nửa năm, đi khám và dùng thuốc nhưng không bớt. Chị tới bệnh viện FV để khám vào đầu năm 2023.

Qua kết quả chụp MRI sọ não cho chị, bác sĩ CKI Nguyễn Minh Đức – khoa Ngoại Thần kinh và Can thiệp nội mạch thần kinh phát hiện có một túi phình mạch máu não ở động mạch cảnh trong bên phải và lớn dần qua các lần theo dõi. Đây là nguyên nhân gây ra những cơn đau đầu dai dẳng mà chị T.P phải chịu đựng nhiều năm qua.

Kết quả chụp phim DSA cho thấy động mạch cảnh của bệnh nhân có một túi phình lớn

Bệnh nhân được chụp mạch số hóa xóa nền (DSA). Phim chụp cho thấy túi phình trong não bệnh nhân lồi hẳn lên thành mạch.

“Phình mạch máu não rất nguy hiểm, nếu không điều trị thì 30% số trường hợp vỡ túi phình vỡ dẫn đến tử vong. 30% bệnh nhân vỡ túi phình được cứu sống nhưng bị di chứng như yếu liệt, rối loạn ngôn ngữ…”, bác sĩ Đức phân tích. Trước tình hình trên, bệnh nhân N.T.P được chỉ định can thiệp nội mạch điều trị túi phình mạch máu não.

Mũi tên đỏ chỉ dấu vị trí đặt stent trong não bệnh nhân

Với phương pháp can thiệp nội mạch, theo bác sĩ Đức, tùy theo hình dạng túi phình sẽ có phương án điều trị khác nhau. Nếu túi phình cổ hẹp thì bác sĩ sẽ thả vào đó một vòng xoắn kim loại (coil). Trường hợp bệnh nhân T.P là túi phình cổ rộng, đặt coil sẽ bị trôi ra ngoài nên bác sĩ chọn hình thức đặt stent chuyển dòng (giá đỡ thành mạch).

Ca điều trị cho chị T.P kéo dài 2 tiếng đồng hồ. Bệnh nhân được gây mê hoàn toàn. Bác sĩ Đức rạch một đường nhỏ chừng 1cm ở đùi bệnh nhân, luồn ống thông có gắn stent từ động mạch đùi dẫn lên não, đến đúng vị trí túi phình. Stent được đặt phủ ngang mạch máu, nhờ vậy máu không đi vào túi phình nữa.

“Khi máu không đi vào túi phình nữa thì dần dần túi phình này sẽ hình thành huyết khối bên trong, sau một thời gian túi phình sẽ mất hoàn toàn. Về lâu dài, tế bào nội mô bò lên trên stent, hình thành một lớp mạch máu mới”, bác sĩ Đức giải thích.

6 tháng sau khi đặt stent, túi phình trong động mạch cảnh của bệnh nhận đã tiêu biến

Ca can thiệp nội mạch cho bệnh nhân N.T.P thành công, một ngày sau chị xuất viện. Chị được kê đơn thuốc chống kết tập tiểu cầu, nhằm làm cho làm máu loãng, stent không bị tắc, dần dần sẽ thích ứng với cơ thể. Trở lại Bệnh viện FV tái khám vào cuối tháng 6/2023, chị T.P vui mừng cho biết tình trạng đau đầu đã hết hẳn. Kết quả chụp MRI cho thấy động mạch cảnh trong não chị đã hết hoàn toàn túi phình.

Phình mạch máu não: biểu hiện mơ hồ, nhưng có thể gây tử vong

Theo bác sĩ Minh Đức, bệnh phình mạch máu não chiếm khoảng 5% dân số. Điều đáng lo ngại là biểu hiện bệnh rất mơ hồ, chỉ đơn thuần là các cơn đau đầu, nên dễ bị nhầm với các nguyên nhân bệnh khác. Tuy vậy, nếu không điều trị, theo thời gian túi phình to dần lên và có thể vỡ ra bất cứ khi nào.

“Trường hợp túi phình bị vỡ, bệnh nhân sẽ bất ngờ bị cơn đau đầu rất đặc thù, cảm giác đau như sét đánh – cơn đau khủng khiếp, nhanh chóng đạt đỉnh mà họ chưa từng gặp trong cuộc đời”, bác sĩ Đức nhấn mạnh.

Bác sĩ Nguyễn Minh Đức khuyên những người có yếu tố nguy cơ nên tầm soát bệnh phình mạch máu não 

Để phát hiện sớm bệnh phình mạch máu não, cách duy nhất là chụp MRI sọ não tầm soát ở những đối tượng nguy cơ: độ tuổi trung niên từ 45 tuổi trở lên, yếu tố gia đình, có bệnh lý ảnh hưởng chất lượng thành mạch máu như: tiểu đường, tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, béo phì, …. Những ai đau đầu mà điều trị không khỏi thì cũng nên tầm soát bằng cách chụp MRI. Những trường hợp chưa rõ ràng cần chụp DSA khảo sát mạch máu.

“Kỹ thuật chụp DSA có thể coi là tiêu chuẩn vàng để phát hiện túi phình, hiện đang được bệnh viện FV áp dụng”, bác sĩ Đức cho biết.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Đức, trước đây với phương pháp cũ để điều trị túi phình mạch máu não, bệnh nhân sẽ được mở sọ, vén não, sau đó bác sĩ sẽ dùng dụng cụ kẹp ngang để bít túi phình lại. Với tiến bộ y khoa hướng tới xâm lấn tối thiểu, điều trị túi phình mạch máu não đã đạt bước tiến mới với phương pháp can thiệp nội mạch, nhiều trường hợp không cần phải thực hiện ca mổ nặng nề như trước nữa.

“Bệnh phình mạch máu não có khả năng điều trị bằng phương pháp can thiệp nội mạch. Điều quan trọng là phát hiện ra bệnh sớm để điều trị kịp thời”, bác sĩ Minh Đức khuyến cáo.

Phòng Cathlab hiện đại của FV là nơi thực hiện các ca điều trị phình mạch máu não bằng can thiệp nội mạch

Điều trị phình mạch máu bằng phương pháp can thiệp nội mạch có ưu điểm là ít xâm lấn, tỷ lệ thành công cao. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi phải được thực hiện trong phòng Catlab có trang thiết bị hiện đại và đồng bộ, do các bác sĩ có chuyên môn về can thiệp thần kinh nhiều kinh nghiệm đảm trách.

Tại Bệnh viện FV, phòng Cathlab được đầu tư bài bản, hiện đại. Nhờ vậy, chất lượng hình ảnh mạch máu rõ nét, liều tia thấp giúp thao tác các bác sĩ thêm chính xác và rút ngắn thời gian can thiệp. Bên cạnh đó, đội ngũ bác sĩ can thiệp nội mạch thần kinh của FV nhiều kinh nghiệm, có thể xử lý những tình huống nguy cấp liên quan đến bệnh phình mạch máu não và các bệnh lý liên quan mạch máu não như: đột quỵ tắc mạch máu, dị dạng mạch máu, dò mạch máu….

Liên hệ Bệnh viện FV khi cần tư vấn về bệnh phình mạch máu não qua số điện thoại: (028) 54 11 33 33.