Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) là gì?
Máu có thành phần chính là chất lỏng (huyết tương) nhưng cũng chứa các tế bào nhỏ (như hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu). Tiểu cầu là thành phần quan trọng giúp đông máu. Tuy nhiên, tiểu cầu còn chứa hàng trăm protein (yếu tố tăng trưởng) rất quan trọng trong việc chữa lành tổn thương và tái tạo mô.
PRP là huyết tương giàu tiểu cầu hơn lượng thường thấy trong máu. Vì vậy, nồng độ tiểu cầu (hay nồng độ yếu tố tăng trưởng) có thể cao hơn (hoặc nhiều hơn) gấp 5 đến 10 lần so với bình thường.
Để tạo ra chế phẩm PRP, trước tiên phải lấy máu của bệnh nhân. Tiếp theo, tách tiểu cầu ra khỏi các tế bào máu khác và làm tăng nồng độ tiểu cầu bằng quá trình quay ly tâm. Sau đó, tiêm tiểu cầu thu được vào vị trí tổn thương.
PRP hoạt động như thế nào?
Tiểu cầu cô đặc trong PRP tiết ra hơn 30 loại protein có hoạt tính sinh học và yếu tố tăng trưởng giúp tăng cường tái tạo và chữa lành mô. Các yếu tố tăng trưởng kích hoạt nhiều loại tế bào cần thiết cho việc chữa lành mô. Chúng còn kích thích tạo ra protein cần thiết cho quá trình tái tạo, bao gồm hình thành các mạch máu mới. Các protein được tiết ra sẽ truyền tín hiệu cho các tế bào chữa lành di trú vào vùng tổn thương và kích thích lành thương bằng cách tạo mô mới. Điều này giúp đẩy nhanh quá trình chữa lành tự nhiên của cơ thể.
Các chỉ định tiêm PRP?
Tiêm PRP được dùng để điều trị rách gân, viêm gân, tổn thương cơ, đau do viêm khớp và tổn thương khớp. Phương pháp này cũng đang trở nên phổ biến trong điều trị thẩm mỹ như tiêm PRP để điều trị một dạng rụng tóc gọi là rụng tóc do nội tiết tố androgen (hay chứng hói đầu) xảy ra ở cả nam và nữ. Ngoài ra, một số bác sĩ da liễu còn điều trị PRP cho vùng mặt.
Các tình trạng thường gặp trong chấn thương chỉnh hình có thể điều trị bằng tiêm PRP:
- Hội chứng khuỷu tay quần vợt (hay viêm mỏm lồi cầu ngoài) là tình trạng đau mặt ngoài khuỷu tay do viêm gân cơ cẳng tay. Tình trạng này là do lặp đi lặp lại các động tác gập và xoay cẳng tay, như chơi quần vợt, dùng tua-vít, vắt quần áo ướt hoặc xách xô chậu;
- Hội chứng khuỷu tay người chơi gôn (hay viêm mỏm lồi cầu trong) là tình trạng đau mặt trong khuỷu tay do viêm gân cơ cẳng tay;
- Viêm gân gót chân mãn tính;
- Hội chứng chèn ép do viêm gân chóp xoay vai;
- Viêm bao hoạt dịch (tình trạng gây đau và ảnh hưởng đến bao hoạt dịch, nơi giữ chức năng như lớp đệm xương, gân và cơ quanh khớp), và viêm bao hoạt dịch mấu chuyển lớn (tình trạng viêm bao hoạt dịch ở mặt ngoài khớp háng);
- Viêm cân gan chân – đau bàn chân mãn tính;
- Thoái hóa gân bánh chè – viêm gân bánh chè ở đầu gối (hội chứng đầu gối người nhảy xa);
- PRP được dùng để điều trị các chấn thương thể thao thường gặp như giãn cơ gân chân ngỗng ở đùi và bong gân đầu gối;
- PRP còn được dùng để điều trị thoái hóa khớp gối mức độ nhẹ đến vừa. Một số nghiên cứu cho thấy kết quả điều trị bằng phương pháp này có thể kéo dài tác dụng đến 2 năm.
Tiêm PRP được thực hiện như thế nào?
PRP được thực hiện ngoại trú.
Bạn sẽ được yêu cầu không dùng các loại thuốc kháng viêm hoặc steroid trong ít nhất một tuần trước khi điều trị PRP vì các loại thuốc này có thể ảnh hưởng xấu đến tiểu cầu.
Điều trị PRP được chia thành 2 bước: điều chế PRP, sau đó tiêm PRP vào vùng tổn thương. Đầu tiên, điều dưỡng lấy máu từ cánh tay của bệnh nhân. Máu được cho vào máy ly tâm có tốc độ quay nhanh để tách máu thành các lớp dựa vào tỷ trọng. Các thành phần nặng hơn (như hồng cầu) nằm bên dưới. Tiểu cầu và bạch cầu được tách nằm ngay trên lớp hồng cầu. Dung dịch huyết tương tạo thành lớp trên cùng. Điều dưỡng sẽ thu thập lớp giữa chứa tiểu cầu cô đặc để bác sĩ tiêm cho bệnh nhân. Sau khi lấy máu, PRP được điều chế ngay để tiêm trong ngày. Bạn sẽ không cảm thấy buồn ngủ trong quá trình thực hiện. Thuốc tê (như lidocain) có thể được dùng để giảm đau ở vị trí tiêm.
Toàn bộ quy trình thường chưa đến một giờ.
Điều gì xảy ra sau thủ thuật?
Tiêm PRP vào khớp thường ít gây đau. Tuy nhiên, nếu tiêm PRP vào gân, bạn sẽ thấy đau vừa phải trong vài ngày đầu và có thể cần dùng thuốc giảm đau theo toa. Ngoài ra, bạn cần ở yên trong vài ngày sau thủ thuật. Sau khi về nhà, bạn có thể chườm đá lên vị trí tiêm, nâng cao tay hoặc chân và hạn chế các hoạt động ở mức cần thiết để giữ cơ thể được thoải mái. Bạn nên tránh dùng tất cả các loại thuốc kháng viêm không steroid vì chúng có thể làm mất tác dụng của tiểu cầu.
Tiêm PRP không giúp cải thiện tình trạng sau một đêm. Việc hình thành gân mới và mô lành cần có thời gian. Hầu hết bệnh nhân đều thấy một vài cải thiện sau một tháng. Tuy nhiên, bạn có thể mất 10-12 tuần hoặc lâu hơn để cải thiện hoàn toàn.
Tiêm PRP có tác dụng phụ hoặc nguy cơ không?
Tiêm PRP cực kỳ an toàn và ít nguy cơ gây phản ứng bất lợi hoặc biến chứng. Vì tiểu cầu dùng để tiêm được lấy từ chính cơ thể của bạn nên cơ thể sẽ không đào thải hoặc có phản ứng bất lợi. Thủ thuật tiêm có nguy cơ nhiễm trùng thấp, nhưng rất hiếm gặp.