Vào chiều Thứ Hai, ngày 07/07/2025, Bệnh viện FV đã tổ chức thành công buổi Medtalks – Trò chuyện cùng Bác sĩ chuyên đề: “Điều trị tụ máu dưới màng cứng mạn tính bằng Can thiệp Nội mạch”. Chương trình đã mang đến những kiến thức y khoa cập nhật hữu ích để bệnh nhân cùng thân nhân tìm hiểu về phương pháp điều trị tiên tiến này.
Buổi trò chuyện được trình bày bởi BS.CKI. Huỳnh Hữu Danh – Chuyên khoa Chẩn đoán Hình ảnh & Điện quang can thiệp FV, người đã điều trị thành công cho rất nhiều trường hợp tụ máu dưới màng cứng mạn tính bằng phương pháp can thiệp nội mạch. Với kinh nghiệm nhiều năm trong kỹ thuật nút mạch điều trị các bệnh lý phức tạp, Bác sĩ Danh đã mang đến chương trình những thông tin thiết thực, dễ tiếp cận cho bệnh nhân.
Hiểu về Tụ máu dưới màng cứng mạn tính (CSDH)
Tụ máu dưới màng cứng mạn tính (CSDH) là tình trạng tích tụ dịch, máu bất thường giữa màng nhện và màng cứng bao phủ não. Đây là bệnh lý phổ biến, đặc biệt ở người lớn tuổi, với tỷ lệ mắc dao động từ 1.7 đến 20.6/100.000 người mỗi năm và dự kiến sẽ gia tăng trong tương lai. CSDH thường liên quan đến tỷ lệ tử vong và tàn tật đáng kể, đồng thời có tỷ lệ tái phát cao sau phẫu thuật. Các yếu tố nguy cơ chính bao gồm tuổi cao, giới tính nam và việc sử dụng thuốc chống đông hoặc chống kết tập tiểu cầu.
BS.CKI. Huỳnh Hữu Danh với nhiều năm kinh nghiệm điều trị đã mang đến những kiến thức hữu ích về tình trạng Tụ máu dưới màng cứng mạn tính
Theo thuyết mới, CSDH được đặc trưng bởi vi chảy máu lặp lại và sự thoát dịch từ các màng tân mạch viêm. Động mạch màng não giữa (MMA) đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp máu cho các màng tân mạch này.
Phương pháp điều trị đột phá: Nút động mạch màng não giữa (MMA Embolization)
Nút động mạch màng não giữa là một thủ thuật mới, ngày càng được ứng dụng để điều trị tụ máu dưới màng cứng mạn tính, có thể thực hiện độc lập hoặc phối hợp với phẫu thuật dẫn lưu. Phương pháp này hoạt động bằng cách thuyên tắc MMA, từ đó phá vỡ chu kỳ vi chảy máu và viêm bằng cách nhắm mục tiêu vào nguồn cung cấp mạch máu của các màng tân mạch trong CSDH.
Ưu điểm vượt trội:
- MMA embolization tác động trực tiếp vào nguồn cung cấp máu cho các màng tân mạch là nguyên nhân chính gây ra CSDH.
- Thủ thuật này được chứng minh là an toàn, có tỷ lệ biến chứng thấp, và hiệu quả trong việc giảm đáng kể tỷ lệ tái phát so với phẫu thuật đơn thuần.
- Giải quyết tình trạng tụ máu chậm hơn nhưng mang lại kết quả bền vững về lâu dài.
- Bệnh nhân không cần ngừng thuốc chống đông hoặc kháng tiểu cầu, một lợi thế quan trọng đối với nhiều trường hợp.
Quy trình Can thiệp Nội mạch cơ bản:
MMA Embolization là một kỹ thuật can thiệp mạch máu, thực hiện thông qua đường mạch máu và được tiến hành trong phòng Cath-lab dưới công nghệ DSA. Các bác sĩ chuyên khoa sâu về can thiệp mạch máu sẽ sử dụng các dụng cụ vi ống thông và vi dây dẫn, cùng với sự hỗ trợ của máy DSA để di chuyển chính xác trong lòng mạch.
Sau thủ thuật, bệnh nhân sẽ được theo dõi bằng CT scan định kỳ (1, 3 và 6 tháng) để đánh giá độ dày, tình trạng tái phát và lệch đường giữa. Kết quả cho thấy khoảng 92% CSDH được giải quyết hoàn toàn sau 6 tháng.
Tỷ lệ biến chứng nghiêm trọng của MMA Embolization cực kỳ thấp. Các biến chứng nhẹ có thể bao gồm sưng, viêm hoặc đau tại vị trí chọc kim. Biến chứng nặng như đột quỵ hoặc giảm thị lực rất hiếm gặp, chỉ được báo cáo trong các ca đơn lẻ.
Buổi trò chuyện diễn ra gần gũi, đã thu hút được đông đảo bệnh nhân và nhân viên FV cùng tham gia và trao đổi
Bệnh viện FV chân thành cảm ơn quý vị đã dành thời gian đến tham dự và cùng chúng tôi cập nhật những thông tin chăm sóc sức khỏe. Mong rằng sẽ có thêm nhiều cơ hội để chia sẻ kiến thức sức khỏe chuyên sâu đến cộng đồng thông qua những buổi trò chuyện cùng bác sĩ với nội dung gần gũi, dễ tiếp cận và dễ hiểu.
Để tư vấn thêm về các phương pháp điều trị bệnh bằng Can thiệp nội mạch và đặt hẹn thăm khám cùng Bác sĩ CKI Huỳnh Hữu Danh, vui lòng liên hệ Khoa Chẩn đoán Hình ảnh và Điện quang Can thiệp Bệnh viện FV qua số: 028 3511 3333, máy nhánh: 1642
Thông tin về các buổi trò chuyện cùng bác sĩ tiếp theo sẽ được cập nhật trên trang Facebook của Bệnh viện FV, nhấn vào đây: để theo dõi và đăng ký nhé!