Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, bệnh nhân mất khả năng nghe (tức là người bị điếc nặng hoặc sâu) vẫn có thể tìm lại âm thanh nếu được phẫu thuật cấy ghép ốc tai điện tử.
Cấy ghép ốc tai điện tử khác với sử dụng máy trợ thính. Thường thì máy trợ thính dùng để khuếch đại âm thanh giúp người nghe kém có thể nghe rõ hơn. Trong khi đó, ốc tai điện tử không kích thích cấu trúc bị hỏng của tai mà trực tiếp kích thích dây thần kinh thính giác.
Âm thanh từ môi trường bên ngoài được truyền theo dạng sóng tới tai ngoài, rồi tới màng nhĩ làm màng nhĩ rung động. Các sóng âm dao động này được truyền vào chuỗi xương con ở tai giữa vào tai trong qua chuyển động lớp nội dịch tại ốc tai, rung động các tế bào lông, tạo nên các điện thế khác nhau kích thích dây thần kinh thính giác chuyển tới vùng nghe ở não bộ để phân tích và hồi lại. Người bị điếc nặng hoặc điếc sâu thường do tổn thương các tế bào lông. Ốc tai điện tử có tác dụng nhận âm thanh từ bên ngoài rồi kích thích trực tiếp các đầu tận dây thần kinh thính giác bỏ qua các “tế bào nghe” này.
Ốc tai điện tử gồm một bộ phận được cấy vào tai trong và một bộ phận bên ngoài được gắn vào vùng xương thái dương ngay dưới da.
Theo Cơ quan quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ thì tính đến tháng 12-2012, đã có khoảng 324.200 người trên thế giới, trong đó tại Mỹ có khoảng 58.000 người lớn và 38.000 trẻ em được cấy ghép ốc tai. Việt Nam mới chỉ có khoảng 500 trường hợp tiếp cận được với phương pháp cấy ghép ốc tai, trong khi tỉ lệ trẻ bị điếc bẩm sinh của Việt Nam khá cao: cứ 1000 trẻ được sinh ra thì có từ 2 đến 4 trẻ bị điếc.
Theo bác sĩ Nguyễn Quảng Đại, trưởng khoa Tai Mũi Họng – Bệnh viện FV, thì phương pháp phẫu thuật cấy ghép ốc tai rất hiệu quả trong điều trị cho người điếc, đặc biệt là trẻ em, giúp trẻ phát triển lời nói, ngôn ngữ và kỹ năng xã hội. Hiện nay, độ tuổi đủ điều kiện để cấy ốc tai điện tử là từ 12 tháng.
Bệnh nhân được phẫu thuật cấy ốc tai điện tử khi nghe không giống như nghe qua thính giác bình thường và cần có thời gian để làm quen. Qua quá trình tập luyện, người được cấy ghép ốc tai điện tử có thể nghe được gần như trọn vẹn âm thanh ở môi trường xung quanh và trò chuyện trực tiếp hoặc qua điện thoại.