Vừa qua, các bác sĩ của khoa Phẫu thuật Mạch máu – Bệnh viện FV đã tiến hành đặt stent graff động mạch thành công với sự hỗ trợ của công nghệ C-Arm 3D cứu sống bệnh nhân T.H.A, 44 tuổi, bị phình động mạch chủ ngực dạng túi ở đoạn quai.
Anh H.A, 44 tuổi, ngụ tại TP. HCM, gần đây thường cảm thấy khó thở và mệt nhanh khi vận động nhiều, nhất là những lúc chơi thể thao. Anh cảm thấy trong ngực mình như có cái gì đó đang đè lên. Anh đến Bệnh viện FV khám, sau khi siêu âm mạch máu và chụp CT cắt lớp, các bác sĩ phát hiện ra anh bị phình động mạch chủ ngực dạng túi ở đoạn động mạch chủ dạng quai, nơi quan trọng nhất, có các nhánh cung cấp ô xy và chất dinh dưỡng cho não bộ. Đây cũng là đoạn khó khăn nhất trong việc phẫu thuật điều trị bệnh lý này.
Nếu không mổ sớm, bệnh sẽ xảy ra biến chứng, nguy hiểm nhất là vỡ phình dẫn đến mất máu cấp, tỷ lệ tử vong khi đã xảy ra biến chứng này là gần 100%. Tính mạng của anh H.A sẽ gặp nguy hiểm.
Động mạch chủ là động mạch lớn nhất trong cơ thể người, có nhiệm vụ dẫn máu chứa nhiều oxy bơm ra từ tim đi nuôi các cơ quan trong cơ thể. Động mạch chủ ngực cung cấp máu cho nửa phần trên cơ thể còn động mạch chủ bụng cung cấp máu cho phần dưới cơ thể. Động mạch chủ ngực là toàn bộ động mạch chủ phần nằm ở ngực, phía trước cột sống.
Khi một vùng bị yếu của động mạch chủ giãn nở ra hoặc to ra hơn bình thường, nó được gọi là phình động mạch chủ. Áp lực của máu chảy qua động mạch chủ bụng có thể khiến cho phần bị yếu của động mạch chủ phình ra giống như một quả bóng. Động mạch chủ ngực bình thường có đường kính khoảng 2 cm, song nó có thể giãn vượt quá mức an toàn khi phình ra. Túi phình chính là nguy cơ cho sức khỏe vì nó có thể bị vỡ gây chảy máu trong nghiêm trọng, dẫn đến sốc, thậm chí tử vong.
Sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm lâm sàng, các bác sĩ khoa Phẫu thuật Mạch máu – Bệnh viện FV đã hội chẩn với Giáo sư – Bác sĩ Jean-Baptiste Ricco, chủ tịch Hiệp hội Mạch máu châu Âu, đồng thời là bác sĩ cộng tác thường xuyên của Bệnh viện FV, cùng hội đồng chuyên môn của Bệnh viện FV, quyết định sẽ áp dụng phương pháp đặt stent graft để khắc phục đoạn phình với sự hỗ trợ của thiết bị C-Arm 3D hiện đại.
Giáo sư – Bác sĩ Jean-Baptiste Ricco, cho biết: “Trước đây, trong trường hợp can thiệp nội mạch để điều trị phình động mạch chủ ngực đoạn quai, cũng phải mổ mở (hở) ngực giữa xương ức để tái tạo đoạn mạch bị phình bằng một đoạn mạch nhân tạo. Tuy nhiên, các kỹ thuật mổ này rất phức tạp, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của máy tuần hoàn ngoài cơ thể, hạ thân nhiệt sâu và ngưng hoàn toàn tuần hoàn trong cơ thể người bệnh để thực hiện phẫu thuật, thời gian phẫu thuật kéo dài, đường mổ lớn, kỹ thuật mổ phức tạp. Tỷ lệ tử vong khi áp dụng phương pháp này còn khá cao và có thể có khá nhiều biến chứng như chảy máu, nhiễm khuẩn, tổn thương thận và ruột… Những năm gần đây, các trung tâm tim mạch lớn trên thế giới bắt đầu triển khai phương pháp tái tạo các nhánh của động mạch chủ ngực đoạn quai không phải mổ mở ngực. Với kỹ thuật đặt stent graft (một giá đỡ được làm bằng kim loại đặc biệt có phủ màng bọc) vào động mạch chủ, các bệnh nhân sẽ có cơ hội sống cao hơn, giảm đau đớn và nguy hiểm trong quá trình phẫu thuật. Đây là một thủ thuật đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các ê-kíp Ngoại khoa, Nội khoa và Gây mê hồi sức”.
Sau khi chụp động mạch chủ ngực của bệnh nhân H.A, các bác sĩ của Bệnh viện FV đã tiến hành bộc lộ động mạch đùi trái sau đó đưa stent graft qua vết rạch động mạch đùi trái lên động mạch chủ ngực, đặt ở vị trí trên động mạch thân tạng. Vói sự hỗ trợ của máy C-Arm, bác sĩ xác định chính xác vị trí của túi phình để đặt stent graft đúng chỗ. Khi stent được đặt đúng vị trí, stent graft được mở theo đúng kích thước thực của nó. Tuỳ thuộc vào hình thái và kích thước tổn thương có thể đặt một, hai hoặc ba stent graft. Thả stent graft, chụp kiểm tra lại, động mạch thân tạng không bị chèn ép, rút toàn bộ hệ thống, hoàn tất quá trình đặt stent graft. Lúc này, dụng cụ sẽ có tác dụng như một hàng rào vững chắc bảo vệ thành động mạch chủ, giảm nguy cơ bị vỡ động mạch chủ.
Công nghệ C-Arm 3D cho phép các phẫu thuật viên quan sát từ nhiều góc độ bằng thao tác đơn giản trên máy nhờ hình ảnh các mốc giải phẫu và thiết bị cấy ghép được chụp và xây dựng thành hình ảnh 3D. Qua đó, bác sĩ phẫu thuật có thể xác định tình trạng bệnh nhân và đưa ra được chính xác phương án phẫu thuật, bảo đảm hiệu quả cao cho ca phẫu thuật và an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân. Ngoài ra, khi C-Arm 3D kết hợp với hệ thống định vị Navigation cho phép hiển thị hình ảnh 3D kích thước thực của thiết bị cấy ghép, lên phương án phẫu thuật và tiếp cận phẫu trường, giám sát quá trình đặt thiết bị cấy ghép. Nó giống như con mắt thứ ba của bác sĩ, giúp bác sĩ xác định vị trí chính xác trong phẫu thuật đặt stent graft, điều mà đòi hỏi một bác sĩ phải có nhiều năm kinh nghiệm mới làm tốt được.
Ca mổ kéo dài ba tiếng đồng hồ, bệnh nhân H.A lưu lại bệnh viện một tuần để ổn định và chăm sóc vết thương nhỏ ở đùi. Anh cho biết: “Tôi không còn thấy mệt, buồn ói, khó thở, choáng váng khi vận động nữa. Tôi đang tập thể dục nhẹ để hồi phục sức khỏe”.
BẢO VỆ SỨC KHỎE TRƯỚC KHI BIẾN CHỨNG XẢY RA
Ngày nay, khi tuổi thọ trung bình của dân số tăng cao, kết hợp với số người mắc các bệnh mạn tính có biến chứng mạch máu như tăng huyết áp và tiểu đường ngày một nhiều, nên bệnh phình động mạch chủ ngực – trong đó nặng nề nhất là phình động mạch chủ ngực đoạn quai – đang trở thành một vấn đề sức khỏe lớn mà giới y học và người bệnh quan tâm. Để bảo vệ sức khỏe, chúng ta, đặc biệt là những người lớn tuổi, nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe, siêu âm Doppler động mạch chủ bụng, siêu âm tim…
Hiện nay, tại Bệnh viện FV đang thực hiện chương trình Tầm soát các bệnh lý mạch máu dành cho các bệnh nhân trung niên (từ 50 tuổi trở lên) có tiền sử bệnh lý mạch máu như mỡ máu, tiểu đường, cao huyết áp, hút thuốc lá nhiều và tiền sử gia đình có người bị bệnh mạch máu.
Với gói tầm soát của Bệnh viện FV, bệnh nhân sẽ được siêu âm Doppler động mạch cảnh, siêu âm Doppler động mạch chủ bụng, siêu âm Doppler động mạch chậu. Với chương trình tầm soát gần như toàn diện này, các bác sĩ sẽ phát hiện hiệu quả kích thước, vị trí các mảng xơ vữa và đánh giá mức độ hẹp động mạch, độ tắc nghẽn mạch máu ở bụng, cánh tay, chân, cổ… một cách chuẩn xác nhất. Từ đó, các bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị chính xác, kịp thời, tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân. Siêu âm Doppler cũng là phương pháp thăm dò an toàn, không gây đau, không cần tiêm thuốc cho bệnh nhân và có khả năng phát hiện các dấu hiệu tắc nghẽn mạch máu nhỏ nhất.