Tiếp nối tinh thần chung tay vì cộng đồng, ngày 31/3 buổi họp báo về chương trình “Ghép giác mạc từ thiện cho bệnh nhân nghèo với sự hợp tác giữa bệnh viện FV và Trung Tâm Mắt Quốc gia Singapore (SNEC)” đã diễn ra tại phòng hội nghị của bệnh viện với sự tham gia của các cơ quan truyền thông.
Họp báo về chương trình “Ghép giác mạc từ thiện cho bệnh nhân nghèo với sự hợp tác giữa bệnh viện FV và Trung Tâm Mắt Quốc gia Singapore (SNEC)
Chương trình phẫu thuật ghép giác mạc từ thiện được thực hiện bởi Phó Giáo Sư – Bác sĩ Jod Mehta, chuyên gia ghép giác mạc hàng đầu của SNEC. Sau nhiều lần khám và chữa bệnh tại FV, bác sĩ Jod Mehta nhận thấy số ca bệnh nhân bị hỏng giác mạc rất nhiều, tuy nhiên vấn đề điều trị phẫu thuật rất tốn kém do chi phí cao và đặc biệt là nguồn cung cấp giác mạc ở Việt Nam rất khan hiếm. Bác sĩ Jod Mehta cũng cho biết, với kỹ thuật hiện nay ở FV khi phẫu thuật giác mạc thì không cần phải mổ để thay thế hoàn toàn giác mạc như trước, mà thay vào đó chỉ cần thay thế những phần giác mạc bị tổn thương và giữ lại những lớp giác còn khỏe mạnh. Việc này giúp giảm nguy cơ đào thải xuống mức thấp nhất và tuổi thọ của giác mạc kéo dài hơn rất nhiều.
Nói về nguồn cung cấp giác mạc, bà Phạm Thị Thanh Mai, Giám đốc điều hành bệnh viện FV cho biết bệnh viện FV nhập khẩu từ các ngân hàng giác mạc lớn ở Mỹ và Singapore. Được biết trên thế giới chỉ có khoảng 5 trung tâm tiếp nhận và bảo quản giác mạc được hiến tặng tốt nhất. Các tổ chức này chỉ cung cấp giác mạc cho các bệnh viện đạt chuẩn quốc tế, có bác sĩ chuyên khoa mắt đạt chứng nhận để thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc. Riêng ở Việt Nam, bệnh viện FV là bệnh viện tư nhân đầu tiên được phép nhập khẩu giác mạc, đồng thời được Bộ y tế cấp phép thực hiện các ca ghép giác mạc.
Bà Thanh Mai cũng chia sẻ thêm: Trong đợt “Ghép giác mạc từ thiện cho bệnh nhân nghèo” lần này, bệnh viện sẽ ghép cho 3 bệnh nhân với tổng chi phí là 960 triệu đồng. Chương trình phẫu thuật ghép giác mạc từ thiện miễn phí sẽ được chia làm 2 đợt. Đợt 1 tổ chức vào ngày 31/3 dành cho bệnh nhân Phạm Văn Quý, 54 tuổi. Đợt 2 sẽ diễn ra vào tháng 7/2018 tới đây. Hai bệnh nhân Trần Thị Phương Thanh (15 tuổi, quê Bạc Liêu) và Nguyễn Thị Hồng Thắm (24 tuổi, quê Tiền Giang) là người được chọn bởi mức độ phức tạp, dễ xảy ra biến chứng cao đồng thời có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Anh Phạm Văn Quý từng là nhân viên tạp vụ làm việc tại Tp.HCM, tuy nhiên cách đây 2 năm biến chứng cườm nước đã làm hỏng giác khiến anh phải nghỉ việc.Cuộc phẫu thuật cho anh Quý đã được thực hiện thành công ngay sau buổi họp báo. Một ngày sau, anh xuất viện về nhà nghỉ ngơi và đợi đến ngày hẹn tái khám để các bác sĩ kiểm tra hoàn tất.
Trong buổi họp báo, có một chi tiết khá thú vị về sự xuất hiện của một bệnh nhân đã từng được Bác sĩ Jod Mehta phẫu thuật ghép giác mạc trước đây. Đó là trường hợp của bà Nguyễn Thị Ngọc Thọ – Nha Trang. Trong giây phút xúc động được gặp lại người bác sĩ đã từng điều trị cho mình, bà nói “Cảm ơn bác sĩ đã giúp tôi tìm ra ánh sáng”. Cầm trên tay trang báo được xếp lại phẳng phiu, bà nghẹn ngào không nói nên lời. Bởi nhờ có bác sĩ Jod Mehta mà bà mới có lại đôi mắt sáng, được đọc báo và biết tin ông đến Việt Nam để đến dự buổi họp báo ngày 31/3.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thọ – Nha Trang phát biểu tại hội thảo
Sau cùng, Bác sĩ Jod Mehta nói thêm về thực trạng bệnh lý về mắt của người Việt Nam. Người dân mắc bệnh về giác mạc cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực và châu lục khác bởi do viêm nhiễm từ môi trường sống, nguồn nước và khí hậu. Bệnh nhân viêm giác mạc thường được bác sĩ cấp thuốc kháng sinh, điều trị hết bệnh nhưng vẫn để lại sẹo giác mạc. Trong đó có những bệnh nhân bị viêm nhiễm nhưng để lâu không điều trị nên để lại sẹo ở giác mạc. Bác sĩ Jod Mehta nhấn mạnh lợi ích đặc biệt của kỹ thuật ghép giác mạc mới. Ông đưa ra lời khuyên, những bệnh nhân mắc bệnh về giác mạc, hãy cân nhắc và lựa chọn bởi đây là kỹ thuật mới, tỷ lệ thành công rất cao (hơn 95%), khả năng đào thải gần như không có nếu so với phương pháp truyền thống. Bên cạnh đó, thời gian hồi phục cũng rất nhanh, chỉ khoảng 1 đến 3 tháng là bệnh nhân có thể nhìn thấy khá rõ mọi vật, còn với phương pháp truyền thống thì bệnh nhân phải mất đến 2 năm.
Phó Giáo Sư – Bác sĩ Jod Mehta, chuyên gia ghép giác mạc hàng đầu của SNEC (giữa) chụp ảnh cùng Bác sĩ Nguyễn Thị Mai (bên trái ngoài cùng) – khoa Mắt và bà Phạm Thị Thanh Mai – Giám đốc điều hành bệnh viện FV (bên phải ngoài cùng)
Nếu bệnh nhân muốn tìm hiểu thêm về phương pháp mới này, hãy đến bệnh viện FV – Số 6 Nguyễn Lương Bằng, Tân Phú, Quận 7 để được tư vấn và hỗ trợ.