Những tưởng cơn khó thở và đau ngực sẽ thuyên giảm nhờ thuốc, nhưng ông Mai Bửu Ngọc (Quận 7, TP. HCM) lại không ngờ những nhánh mạch quan trọng của mình đang bắt đầu tắc nặng…
Bệnh nhân Mai Bửu Ngọc cùng các các bác sĩ FV ngay sau ca mổ.
Những cơn đau ngực ẩn chứa nguy cơ nhồi máu cơ tim
Mới bước qua tuổi 53, ông Mai Bửu Ngọc lại thường bị những cơn khó thở, đau ngực trái hành hạ vào mỗi buổi sáng. Lo lắng và bất an, ông đến bệnh viện FV để kiểm tra sức khỏe tổng quát.
Kết quả chẩn đoán khiến ông giật mình, bác sĩ phát hiện động mạch vành tim của ông bị hẹp đến 80% ở nhánh liên thất trước, đồng thời nhánh động mạch mũ cũng hẹp tới 70%. Nếu để tình trạng này kéo dài thì nguy cơ tắc mạch hoàn toàn và một cơn nhồi máu cơ tim có thể “ghé thăm” bất ngờ.
Bác sĩ Huỳnh Ngọc Long – Trưởng khoa Tim mạch bệnh viện FV đã giải thích cặn kẽ phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho ông Ngọc lúc này là nong mạch vành. Đồng thời kiên nhẫn giải thích với ông Ngọc từng chi tiết, thao tác sẽ thực hiện kèm theo những ưu điểm, kết quả đạt được sau phẫu thuật, những tình huống có thể xảy ra kèm theo cách xử lý…
Ông bối rối và căng thẳng, nhưng sau cùng ông đồng ý phẫu thuật và đặt trọn niềm tin ở bác sĩ FV. “Mình lo cũng không bằng bác sĩ lo, thôi thì để bác sĩ lo sẽ chắc ăn hơn” – ông Ngọc nói.
Cơ hội điều trị mới cho bệnh nhân tim mạch
Các bác sĩ của bệnh viện FV đã lựa chọn loại stent tự tiêu Magmaris – Biotronik do Thụy Sĩ sản xuất. Ưu điểm của loại stent này là được làm từ hợp kim của Magiê với liều lượng cực nhỏ, có thể tự tiêu trong vòng 12 tháng. “Lợi ích của stent tự tiêu là giúp thành mạch vẫn giữ được độ đàn hồi như ban đầu, có thể thực hiện mổ bắc cầu sau này và đặc biệt giảm được tình trạng đau ngực sau khi nong“- Bác sĩ tim mạch Huỳnh Ngọc Long cho biết thêm.
Ekip phẫu thuật tại phòng Cathlab – Bệnh viện FV.
Đặc biệt, ca bệnh của ông Ngọc được thực hiện với sự hỗ trợ của phương pháp siêu âm lòng mạch (IVUS) hiện đại, lần đầu tiên được áp dụng ở Bệnh viện FV. Phương pháp này giúp các bác sĩ có thể đánh giá trực tiếp mức độ tổn thương trong lòng mạch. Từ đó giúp các bác sĩ chọn lựa kích thước stent và bóng cứng phù hợp, can thiệp mạch chính xác, hiệu quả và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Nhờ sự hỗ trợ của trang thiết bị, bên cạnh kinh nghiệm từng can thiệp 10.000 ca thành công của bác sĩ Long mà suốt 2 giờ phẫu thuật, ông Ngọc luôn trong tình trạng tỉnh táo, thoải mái. Ông chia sẻ:
Lúc đầu, tâm lý tôi rất lo sợ vì phẫu thuật này liên quan đến tim. Nhưng bác sĩ Long làm rất nhẹ, đặt đến 2 stent mà tôi không có cảm giác đau đớn gì cả. Thậm chí, tôi vẫn tỉnh táo để nhìn mọi thứ xung quanh và quan sát các bác sĩ phối hợp nhịp nhàng với nhau.
Hôm sau, ông Ngọc xuất viện với tâm trạng thoải mái vì trút bỏ được nỗi lo đè nặng bấy lâu nay.
“Phương pháp điều trị kết hợp siêu âm lòng mạch (IVUS) và đặt stent tự tiêu mở ra triển vọng mới trong điều trị các bệnh lý tim mạch cho bệnh nhân Việt Nam. Dù phương pháp này phụ thuộc vào độ tuổi người bệnh, kích thước stent, thời gian sử dụng thuốc kháng đông ít nhất 6 tháng… nhưng đổi lại sẽ tăng được chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân như khắc phục mạch hẹp, phục hồi độ đàn hồi cho mạch, giảm rủi ro huyết khối, giảm các biến chứng nguy hiểm và nhất là giảm được thời gian cũng như chi phí điều trị. Bác sĩ Huỳnh Ngọc Long – Trưởng khoa Tim mạch bệnh viện FV”
Từ tháng 5-2018, Bệnh viện FV đưa vào hoạt động Trung tâm Can thiệp Tim mạch (Cathlab) với tổng số vốn đầu tư trên 1,6 triệu USD. Phòng Cathlab sở hữu hệ thống máy móc, công cụ hiện đại là “cánh tay đắc lực” giúp các bác sĩ chẩn đoán và cứu chữa kịp thời những ca bệnh lý nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, tắc nghẽn mạch máu, phình động mạch, nhồi máu cơ tim, hở van tim…Đặc biệt, đội ngũ bác sĩ Tim mạch của FV có nhiều năm kinh nghiệm với sự dẫn dắt của bác sĩ Trưởng khoa – Huỳnh Ngọc Long với hơn 10.000 ca can thiệp thành công giúp bệnh nhân có thêm lựa chọn đáng tin cậy để điều trị bệnh lý tim mạch tại bệnh viện đạt chuẩn quốc tế.
Số điện thoại cấp cứu tại bệnh viện FV: (028) 5411 3500.
Trích từ nguồn:
https://tuoitre.vn/sat-thu-nap-sau-nhung-con-dau-nguc-20181022090538188.htm