Bác sĩ Basma M’Barek: Người gieo hy vọng sống cho bệnh nhân ung thư

Có những lúc chúng ta ngỡ rằng với các bệnh nhân mắc bệnh ung thư, những hy vọng về cuộc sống đối với họ trở nên mong manh hơn, thì có một nữ bác sĩ với những bước chân kiên trì và vững chắc đến từ nước Pháp đã góp phần thắp thêm những hy vọng cho họ. Sau bao năm tháng không ngừng học hỏi và tìm kiếm những cách thức chữa trị mới và hiệu quả nhất, nữ bác sĩ đó đã đặt chân đến Việt Nam. Cô là Basma M’Barek, Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện FV.

FV, nơi bác sĩ Basma M’Barek đến, bao năm qua cũng đi tìm kiếm những lời giải hay nhất cho những bệnh nhân gặp căn bệnh quái ác này. Ngẫu nhiên mà cũng là tất nhiên, tất nhiên bởi những thiện tâm dành cho bệnh nhân, tất nhiên bởi sự chinh phục những thử thách chữa trị căn bệnh quái ác, cô và FV đã gặp nhau như thế.

Khoa Ung bướu của FV giờ là một trung tâm độc lập, được đặt tên là Hy vọng với mức đầu tư hàng triệu USD để nâng cấp trong năm 2018. Nếu bạn hình dung bước chân của một cô gái trẻ đến từ nước Pháp, tốt nghiệp ngành y đại cương lúc 21 tuổi, trở thành bác sĩ Ung bướu năm 26 tuổi, lại chọn một lối đi rất mới mẻ khi ấy – lĩnh vực điều trị ung thư, thì bạn sẽ hiểu, đó cũng là một cô gái dám sống cho những hy vọng như thế nào. Cô đã tham gia nhiều khóa học đào tạo chuyên sâu về ung thư, ung bướu hay công nghệ xạ trị song song với quá trình làm việc tại các bệnh viện lớn ở Pháp lẫn châu Âu. Để rồi sau ngần ấy thời gian chứng tỏ năng lực bản thân và thăng hoa trong sự nghiệp, cô đã đến Việt Nam, nơi có một trung tâm điều trị ung thư mang tên Hy vọng như vậy…

Tôi có mặt ở đây là làm cho bệnh nhân tin tưởng vào hy vọng của họ!

Làm nghề cứu người, thì bất cứ nơi đâu cũng là điểm đến, bất cứ lựa chọn nào cũng là lựa chọn đúng. Nhưng tôi vẫn muốn quan tâm một chút về lý do, tại sao cô lại đến Việt Nam, thưa cô?

Sau 18 năm gắn bó với công việc tại Pháp, tôi đã được trải nghiệm rất nhiều điều trong việc khám chữa bệnh, tôi luôn mong có một cơ hội nào đó để thách thức chính mình và tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa của những vùng đất chưa từng đặt chân tới, trong đó đặc biệt có châu Á đầy bản sắc. Và chỉ trong vòng vài tháng sau khi có ý định, tôi đã có cơ duyên biết đến FV khi bệnh viện đang tìm kiếm bác sĩ quản lý cho trung tâm ung bướu mới.

Khi tìm hiểu môi trường làm việc tại đây, tôi tin rằng FV là nơi có thể giúp tôi phát triển và cống hiến nhiều hơn. Đồng hành cùng đội ngũ cộng sự tại FV trong những tháng ngày qua đã chứng thực cho tôi điều này. Tôi tin rằng với những kiến thức khoa học mà mình đã tích luỹ, tôi sẽ có thể truyền đạt kinh nghiệm của bản thân cho những cộng sự cũng như cùng họ phát triển thêm nhiều dịch vụ điều trị tiên tiến cho bệnh viện. Bên cạnh đó, việc quan sát các phản ứng của bệnh nhân tại Việt Nam cũng cho tôi cơ hội tìm hiểu thêm về con người và văn hoá của đất nước phương Đông này, góp phần hoàn thiện những đúc kết của tôi về cách thức ứng xử và chữa trị thích hợp cho người bệnh một cách đa diện nhất.

Vâng, FV, nơi dành cho nhiều bác sĩ giỏi người ngoại quốc – tôi không ngạc nhiên về điểm đến này. Nhưng xin hỏi, đến nơi đây, cô muốn mang lại những giá trị gì cho FV nói chung, và Trung tâm Hy vọng mà cô đang đảm trách, nói riêng?

Có ba điều tôi nghĩ mình có thể mang lại cho FV, đầu tiên là truyền đạt cho cộng sự những kiến thức sử dụng các thiết bị hiện đại đời mới vừa được trang bị, cụ thể là máy xạ trị đời mới của FV hiện nay là dòng máy tôi đã có kinh nghiệm làm việc nhiều năm tại châu Âu.

Tiếp theo là truyền đạt nguồn cảm hứng ham học hỏi cho mọi người ở bộ phận tôi làm việc, bởi tư duy đổi mới và tinh thần luôn tìm tòi học hỏi những phương pháp điều trị mới nhất là điều vô cùng quan trọng với một bác sĩ. Nếu bạn chỉ hài lòng với những gì đang có, bạn sẽ trở nên “lỗi thời” sau 3 năm làm việc và mất đi động lực bước tiếp trên con đường này.

Cuối cùng là việc tiếp cận gần hơn về mặt tâm lý khi điều trị cho bệnh nhân. Đối với tôi, điều trị ung thư không chỉ là điều trị căn bệnh ung thư mà chính là điều trị cho người đang bị bệnh ung thư đó. Bản thân người bác sĩ phải xem xét nhiều khía cạnh trong cuộc sống của người bệnh để có thể đồng hành cùng họ trong quãng thời gian điều trị khó khăn, thậm chí là thập tử nhất sinh và giúp họ gặt hái được kết quả điều trị tốt nhất.

Chính thức đảm nhận vị trí Trưởng khoa Ung bướu tại bệnh viện FV từ tháng 8/2018, trải qua gần 8 tháng gắn bó, là một người ham tìm hiểu và học hỏi, hẳn cô đã có nhiều nghiên cứu, tìm hiểu về lĩnh vực mình đang hoạt động ở đây, phải không?

Tôi đi đến các cơ sở khá nhiều và nhận thấy Việt Nam có mạng lưới y tế cơ sở tương đối tốt so với nhiều quốc gia khác, các bệnh viện lớn hoặc quốc tế hầu hết đều áp dụng những phương pháp điều trị và máy móc tiên tiến trên thế giới, chỉ đi sau những nước châu Âu khoảng vài tháng.

Tuy nhiên, một vấn đề nổi cộm trong khám chữa bệnh ở Việt Nam là bệnh nhân không được cập nhật về sự tiến bộ đó dẫn đến thiếu niềm tin vào cơ sở y tế cũng như những bác sĩ trong nước. Khi mắc bệnh, dù có được khám chữa tận tình ở các bệnh viện quốc tế trong nước thì cuối cùng họ vẫn chọn ra nước ngoài điều trị nếu có điều kiện về tài chính. Tôi cho rằng điều quan trọng nhất hiện nay là làm sao để bệnh nhân có thể tín nhiệm bác sĩ tại Việt Nam và tự tin tiếp nhận điều trị.

Đi đâu, đến đâu cũng là lựa chọn của bệnh nhân và người nhà, nhưng điều tôi muốn nói là với trung tâm Hy vọng, việc điều trị đều cập nhật kiến thức và công nghệ mới nhất và tôi khẳng định rằng mình có mặt ở đây với mục đích lớn nhất là phải làm cho bệnh nhân tin tưởng. Khi bệnh nhân thành công trong việc điều trị, điều đó cũng đồng nghĩa với thành công của tôi.

Tôi luôn cùng bệnh nhân chiến đấu đến cùng!

Hy vọng là thứ tích cực nhất chúng ta hay động viên nhau, nhất là khi hàng ngày đối mặt với nhiều điều đau đớn vốn là công việc hàng ngày của bác sĩ điều trị ung thư. Nhưng cô vẫn muốn nói với bệnh nhân rằng, niềm hy vọng đó không chỉ là sự động viên, mà nó có cơ sở…

Hiện nay, Ung bướu là một trong những khoa ưu tiên hàng đầu của FV dựa trên phương châm hoạt động của bệnh viện là luôn đặt sự an toàn của bệnh nhân lên hàng đầu chứ không chỉ tập trung về mặt máy móc, bác sĩ hay quy trình. Một trong những điều đặc biệt ở FV là không chỉ “tốt” ở những khía cạnh đơn lẻ, mà là “tốt” một cách tổng thể. Đây là thời điểm rất phù hợp để tôi giúp sức cho FV phát triển chuyên khoa ung bướu với mục tiêu trở thành trung tâm điều trị ung thư hàng đầu Việt Nam và giúp đỡ nhiều bệnh nhân chẳng may mắc phải căn bệnh này.

Nhưng nói gì thì nói, phép màu vẫn chưa đến với đa số những bệnh nhân ung thư, và niềm hy vọng đó có đồng nghĩa với lạc quan quá mức không, thưa cô?

Hãy xác định rằng, một khi bạn đồng ý chữa bệnh cho ai đó, bạn đang cùng họ bước vào một cuộc chiến mà mục đích chung là để chiến thắng căn bệnh quái ác đeo bám. Tôi đã chọn, đã đi và rồi đến đây, tất cả vì cuộc chiến đã diễn ra suốt 18 năm ấy cùng các bệnh nhân và sẽ còn một chặng đường rất dài để chiến đấu ở những năm tháng tiếp theo.

Tất nhiên khi có thể điều trị thành công cho họ thì thật sự quá hạnh phúc, nhưng ngược lại lúc thất bại thì cảm giác thất vọng buồn bã là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, một khi đã trở thành bác sĩ, bạn phải hiểu rằng những cảm xúc tiêu cực đó là một phần của cuộc sống và bạn buộc phải đối diện với nó trong suốt con đường sự nghiệp. Tôi đã từng buồn, từng khóc vì không thể giúp cho bệnh nhân của mình, thế nhưng chính gia đình bệnh nhân lại là những người động viên ngược lại cho tôi thay vì trách móc, giúp tôi được an ủi phần nào vì những gì đã cố gắng hết sức. Là một bác sĩ, bạn có thể vui khi điều trị thành công, có thể buồn khi thất bại nhưng bạn không được để mình rơi vào cảm giác tội lỗi khi phải đối diện với bệnh nhân và chính bản thân mình, đó là lý do tôi luôn cố gắng làm tốt nhất có thể để điều trị cho bệnh nhân.

Và trong cuộc chiến mà cô đã, đang và tiếp tục ấy, điều trở ngại lớn mà cô thường gặp phải, là gì?

Điều trở ngại lớn nhất chính là việc bệnh nhân từ chối tiếp nhận chữa trị trong khi cơ hội điều trị thành công rất lớn. Ngoại trừ trường hợp bệnh nhân lớn tuổi thường có ý nghĩ đã “gần đất xa trời” nên để dành tiền bạc cho con cái là có thể hiểu và thông cảm, nhưng một số trường hợp bệnh nhân còn rất trẻ lại nhanh chóng nản chí và từ chối điều trị hoặc tìm đến sử dụng các phương pháp được truyền miệng và thiếu cơ sở khoa học khiến tôi cảm thấy rất thất vọng và nuối tiếc.

Tuy nhiên, tôi cũng không cảm thấy tức giận hay trách cứ vì họ đang là những bệnh nhân, cần được cảm thông chia sẻ nhiều hơn. Với những bệnh nhân ấy, tôi luôn để mở cánh cửa và chào đón họ quay lại điều trị với tôi bất cứ lúc nào, tôi luôn sẵn sàng ở đây để giúp họ và thực tế đã có nhiều trường hợp thành công khiến tôi rất hạnh phúc.

Công việc không phải lúc nào cũng suôn sẻ như mình muốn, việc đưa ra phương hướng và cách điều trị cho bệnh nhân nhưng vẫn không thể chữa được là việc đôi khi tôi vẫn gặp phải. Thật sự trong tình huống đó rất khó mở lời với bệnh nhân, tuy nhiên là bác sĩ trách nhiệm của tôi là thẳng thắn thông báo rằng chúng tôi đã cố gắng hết sức, và quan trọng nhất là giúp bệnh nhân giảm nhẹ sự đau đớn về mặt thể xác. Tất nhiên để làm dịu về mặt tinh thần là rất khó, nhưng hãy cố gắng giúp họ giảm đi nỗi đau đồng thời đồng hành cùng họ trong việc chuẩn bị tinh thần để giúp bệnh nhân trải qua giai đoạn cuối cùng một cách nhẹ nhàng và ít thương tổn nhất.

18 năm trải nghiệm với nhiều nấc thang công việc, đi nhiều nơi, khám phá ra nhiều thứ để đến hôm nay vẫn luôn giữ ngọn lửa chiến đấu cùng bệnh nhân ung thư, nếu cho cô một khoảng lặng để nhìn lại hành trình của mình, điều gì sẽ khiến cô tự hào ở mình, thưa cô?

Tôi nghĩ rằng chính sự tận tâm, nhiệt huyết dành cho ngành ung bướu mà tôi đã chọn là điều khiến tôi tự hào nhất. Đến thời điểm này, ngọn lửa ấy vẫn luôn mãnh liệt như những ngày đầu và không có dấu hiệu lụi tắt dẫu đã gần 20 năm trôi qua. Ví như việc kết hôn sau nhiều năm, người ta thường nghĩ rằng sẽ không còn yêu đương nồng cháy như những ngày đầu, nhưng đối với tôi nó vẫn tràn đầy đam mê, năng lượng và không hề đổi thay.

Từ những ngày đầu lựa chọn theo đuổi ngành y đến hôm nay, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình đã chọn sai nghề. Tôi luôn cam kết và yêu thích công việc mình đã chọn, và dẫu cho chọn lại lần nữa tôi vẫn sẽ chọn trở thành một bác sĩ ung thư và cố gắng làm tốt hơn đã từng.

Đối với tôi, sự tận tâm và đồng cảm là thước đo để đánh giá một bác sĩ tốt. Ai cũng sẽ sở hữu những nền tảng kiến thức chuyên môn để khai phá năng lực và vận dụng tay nghề để cứu người, nhưng chính sự tận tâm và đồng cảm mới là điều bác sĩ cần có để điều trị cho bệnh nhân dù là căn bệnh nào. Với từ “tận tâm”, bạn cần hiểu rằng phải tiếp xúc điều trị cho bệnh nhân với tâm thế muốn làm điều đó chứ không phải vì nghĩa vụ và chờ đợi đến cuối tháng để nhận lương. Với từ “đồng cảm”, một khi tham gia điều trị cho bệnh nhân, bạn đã trở thành đồng đội với họ và gia đình họ để tìm ra cách chữa bệnh tốt nhất. Không gì tốt hơn việc được lắng nghe bệnh nhân, đồng cảm với những điều họ trải qua và “nắm tay” họ bước ra khỏi bóng tối của bệnh tật.

Cô Basma M’Barek, từ đầu cuộc trò chuyện đến giờ tôi thấy cô chỉ nói về công việc và công việc. Làm trong một lĩnh vực đầy căng thẳng và trải qua quá nhiều xúc cảm như lĩnh vực điều trị ung thư, hẳn cô cũng phải có cách riêng để cân bằng cuộc sống của mình chứ?

Việc lựa chọn trở thành một bác sĩ đòi hỏi bạn phải trưởng thành sớm hơn so những người đồng trang lứa. Liệu rằng bạn có chấp nhận khoảng thời gian dài của tuổi thanh xuân chỉ để nghiên cứu học tập và liệu rằng, bạn có đủ sự tận tâm và đồng cảm để hy sinh vì cộng đồng hay không? Trở thành một bác sĩ, bạn phải có lòng trắc ẩn và sự trưởng thành để đối diện với những tình huống mà không nghề nghiệp nào có thể mang lại ở độ tuổi tương tự.

Có nhiều cách giúp tôi tạm quên những căng thẳng công việc và lấy lại cân bằng cuộc sống như đi du lịch chẳng hạn, nhưng dù làm gì ưu tiên hàng đầu của tôi cũng là chuẩn bị kỹ càng để đảm bảo cho bệnh nhân của mình được tiếp tục điều trị một cách tốt nhất trong thời gian tôi vắng mặt.

Một điều quan trọng nữa là tôi luôn chú trọng chăm sóc sức khỏe của bản thân để duy trì trạng thái tốt nhất cho công việc. Bạn không thể cho người khác thứ mà bạn không có. Nếu bạn không có tài chính, bạn không thể giúp đỡ về tiền bạc cho người khác. Nếu một bác sĩ không có sức khỏe, làm sao bạn có thể chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân của mình? Vì vậy, đối với bác sĩ, lại là một phụ nữ, việc biết chăm sóc bản thân là quan trọng nhất. Chỉ khi cảm thấy vui vẻ lạc quan, tôi mới có thể truyền những năng lượng tích cực đó thành những tia hy vọng cho bệnh nhân thêm phấn khởi, yêu đời hơn trong những giai đoạn “mong manh” của cuộc đời.

Con người không thể gắng gượng trước mọi thứ, sẽ có lúc bạn cần dành cho mình một khoảng trời riêng để “sạc” lại năng lượng và chuẩn bị tinh thần vững vàng cho những bước ngoặt tiếp theo đang chờ đón. Chỉ khi bản thân thoải mái và khỏe mạnh nhất, bạn mới có thể thật sự mang lại niềm vui và chủ động dang tay cứu giúp những người khác.

Và khi kết thúc công việc trở về nhà, tôi dành thời gian tuyệt đối cho gia đình, con cái, không lãng phí vào những việc không có ích cho bản thân như lướt web hay xem TV. Thay vào đó, tôi ưu tiên thời gian cho những sở thích của mình như trang trí nhà cửa, chơi nhạc cụ hoặc đọc sách.

***

Lời khuyên giữ sức khỏe của bác sĩ Basma M’Barek

➣ Dù công việc bận rộn nhưng tôi luôn tranh thủ dành những khoảng thời gian cho riêng mình. Về việc tập thể dục, tôi không cần đợi đến khi có một điều kiện tập hoàn hảo mà có thể tập bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu dù chỉ là 5 hay 10 phút.

➣ Để có một sức khỏe dài lâu, có 3 điều tôi nghĩ không thể thiếu chính là chế độ ăn uống lành mạnh, tích cực tập luyện thể thao và đặc biệt quan trọng nhất là nghỉ ngơi.

➣ Có rất nhiều bài báo, sách vở khuyến khích chúng ta hãy tận hưởng cuộc sống đi, hãy đi chơi và sống hết mình đi, nhưng lại không ai nói rằng hãy “nghỉ ngơi” đi với ý nghĩa thật sự của từ này. Đối với tôi, cách giữ gìn sức khoẻ đơn giản và dễ dàng nhất chính là hãy nghỉ ngơi, hãy thật sự thả lỏng và không làm việc.

Trích nguồn từ: https://nudoanhnhan.net/bac-si-basma-mbarek-nguoi-gieo-hy-vong-song-cho-benh-nhan-ung-thu.html