Anh T.N.Lâm (34 tuổi, Tp.HCM) bị đau mỏi vai gáy, vùng đốt sống cổ thời gian dài và cũng đã có nhiều năm điều trị chứng bệnh này. Các cơn đau của anh thường bắt đầu từ gáy, sau đó tê mỏi xuống vai và lan dọc xuống sống lưng. “Trước đây tôi đã thử điều trị ở nhiều trung tâm lớn khác nhau. Vật lý trị liệu, kéo giãn cột sống bằng máy, nắn chỉnh cơ khớp bằng tay, uống thuốc tôi đều từng được chỉ định”, anh Lâm chia sẻ kinh nghiệm điều trị của mình.
Ban đầu các phương pháp điều trị đều mang lại tác dụng giảm đau nhanh, hiệu quả, nhưng theo anh Lâm nó chỉ giải quyết các cơn đau cấp thời, chứ không mang tác dụng lâu dài. Khi lái xe nhiều, hay phải ngồi làm việc thời gian dài thì cơn đau ở cổ lại quay trở lại. Đồng thời, liệu trình điều trị phải cần nhiều thời gian, thường xuyên lui tới mới kiểm soát được bệnh lý này. Sau thời gian cảm thấy tình trạng bệnh không có tiến triển khác, nên anh tiếp tục tìm kiếm chẩn đoán và phương pháp điều trị thích hợp hơn.
Tìm đến Khoa Vật lý Trị liệu và Phục hồi Chức năng – Bệnh viện FV, anh Lâm được giải thích mình bị chứng cứng cơ do vận động, ngồi sai tư thế trong thời gian dài, dẫn tới kém lưu thông máu, gây tê mỏi và đau vùng vai gáy. Với tiền sử đã điều trị qua nhiều phương pháp tây y nhưng chưa mang lại kết quả mong muốn, nên bác sĩ giới thiệu anh đến Khoa Y học Cổ truyền để tiếp cận với các phương pháp đông y.
Bác sĩ Diệc Khả Hân (Trưởng khoa Y học Cổ truyền – Bệnh viện FV) sau khi xem xét lịch sử bệnh án của anh Lâm đã đề nghị áp dụng phương pháp cấy chỉ để điều trị. Cấy chỉ là một kĩ thuật kết hợp giữa y học cổ truyền và trang thiết bị của y học hiện đại. Kỹ thuật này sử dụng kim châm để đưa chỉ y khoa đặt vào huyệt ở dưới da. Loại chỉ tự tiêu này trong quá trình tan, sẽ tạo ra kích thích lâu dài và liên tục hơn so với phương pháp châm cứu.
Một liệu trình điều trị cấy chỉ đối với bệnh lý đau mỏi vai gáy, đau do thoái hóa đốt sống cổ thường là 8 lần, cách 1 – 2 tuần sẽ thực hiện một lần. Mỗi lần thực hiện cấy chỉ từ 5 đến 10 kim, tại nhiều vị trí huyệt khác nhau. Thời gian thực hiện một lần thủ thuật chỉ mất khoảng 15 phút và thêm 30 phút chiếu đèn hồng ngoại. Việc chiếu đèn hồng ngoại mục đích là sử dụng nhiệt để đẩy nhanh tác dụng của thủ thuật cấy chỉ hoặc châm cứu.
“Tùy tình trạng bệnh mà liệu trình được điều chỉnh. Nhưng đa phần các trường hợp đau cổ vai gáy thường là đau cấp tính do các nguyên nhân như ngồi sai tư thế, ngồi nhiều trong phòng máy lạnh gây cứng cơ, máu kém lưu thông,… nên khi điều trị bệnh thường sẽ thuyên giảm hoặc hết đau trước khi kết thúc một liệu trình”, bác sĩ Diệc Khả Hân cho biết. Mỗi lần điều trị khoảng 45 phút và được thực hiện cách 1-2 tuần/ lần nên phương pháp này khá phù hợp với những bệnh nhân bận rộn. Nếu sau một liệu trình điều trị (8 lần cấy chỉ) tình trạng bệnh lý vẫn chưa đáp ứng mong muốn của người bệnh, các bác sĩ sẽ có các chỉ định thêm hoặc điều trị phối hợp với một số phương pháp khác.
Trường hợp của anh Lâm, sau lần cấy chỉ thứ 3 đã hoàn tất liệu trình vì các cơn đau ở vai gáy không còn nữa. Hơn nữa, đến thời điểm hiện tại sau gần 3 tháng kết thúc trị liệu, kết quả ban đầu vẫn được duy trì. “Khác với châm cứu, phương pháp cấy chỉ thường kéo dài tác dụng từ khoảng 1 đến 6 tháng tuỳ vào loại chỉ cấy”, bác sĩ Hân nói thêm.
“Phương pháp này tôi thấy thực hiện nhanh, đơn giản, không gây đau nên không thấy mất nhiều thời gian. Sau khi cấy chỉ xong vẫn sinh hoạt làm việc ngay được. Môi trường tại FV sạch sẽ và bác sĩ giải thích phương pháp cũng rất cặn kẽ nên tôi khá yên tâm”, anh Lâm vui vẻ chia sẻ cảm nghĩ sau khi điều trị đau vai gáy bằng phương pháp cấy chỉ.
Bác sĩ Diệc Khả Hân khuyên các bệnh nhân đang mắc chứng đau mỏi vai gáy, hoặc nhóm dễ mắc bệnh như nhân viên văn phòng, người hay mang vác nặng, người trên 50 tuổi, vận động viên,… nên chú ý các tư thế trong sinh hoạt hằng ngày như khi điều khiển phương tiện giao thông, mang vác đồ đạc, ngồi làm việc với máy vi tính,…Bên cạnh đó khi xuất hiện các cơn đau vai gáy và tình trạng đau kéo dài, không có dấu hiệu giảm, thi cần đến thăm khám và điều trị với các bác sĩ chuyên khoa.
Cấy chỉ có hiệu quả trong các bệnh lý như: Đau thắt lưng, đau vai gáy, mất ngủ, rối loạn tiền đình, liệt mặt nguyên phát, viêm xoang, viêm mũi dị ứng và béo phì,… Nếu cấy chỉ được thực hiện tại phòng khám tiêu chuẩn hoặc bệnh viện, người bệnh sẽ được khám và tư vấn kỹ trước khi điều trị, cũng như hạn chế tối đa các tác dụng phụ.
Khoa Y học Cổ truyền – Bệnh viện FV là sự kết hợp giữa kinh nghiệm của nền y học cổ truyền và máy móc hiện đại, đa chuyên khoa tại FV, sẽ mang lại những trải nghiệm tích cực, hiệu quả điều trị tốt hơn cho bệnh nhân. Các thủ thuật chuyên khoa được thực hiện tại phòng tiêu chuẩn riêng biệt, tuân thủ an toàn kiểm soát nhiễm khuẩn, với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại như máy châm cứu kết hợp xung điện, các dụng cụ chuyên khoa được kiểm định,…