Nhiều năm mang trong người bệnh suy tim, ông P.Đ.T. (88 tuổi, Tp.HCM) thường xuyên phải gánh chịu những cơn mệt, khó thở, đau tức ngực và đôi khi phải nhập viện để dùng máy trợ thở. Tuy nhiên, sự phát triển của kỹ thuật y học hiện đại ngày nay đã có thể giải quyết tình trạng của ông và mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Đồng hành cùng bệnh nhân để tìm giải pháp tốt nhất
Chị H., con gái ông P.Đ.T. cho biết ông được chẩn đoán suy tim hơn 5 năm trước. Khoảng thời gian đó, sức khỏe ông T. kém dần, cần phải có người chăm sóc thường xuyên, đồng thời cũng phải lui tới bệnh viện nhiều lần để kiểm tra sức khỏe. Một, hai tháng bệnh nhân lại phải nhập viện một vài hôm để dùng máy trợ thở, khi cảm thấy hụt hơi hoặc lên cơn mệt. Tình trạng này tái diễn trong nhiều năm vì không có hướng điều trị nào khả quan hơn.
Cho đến lần nhập viện gần nhất vào thời điểm giữa tháng 1/2022 tại FV, tình trạng suy tim của ông T. đã có nhiều dấu hiệu nghiêm trọng hơn, bệnh nhân nằm một chỗ, hoàn toàn không thể tự sinh hoạt hay di chuyển và được tiên lượng có nguy cơ tử vong cao. Trong thời gian ông T. được theo dõi tại phòng săn sóc đặc biệt (ICU), bác sĩ Quang Minh đã xem lại toàn bộ bệnh án, cũng như tìm hiểu sâu hơn về chứng suy tim của ông. Hy vọng sẽ tìm được một hướng giải quyết thỏa đáng hơn cho bệnh nhân cao tuổi này.
Bác sĩ Hoàng Quang Minh (Khoa Tim Mạch – Bệnh viện FV) cho biết, ông T. mắc bệnh suy tim rất nặng, được xác định suy tim mức IV trên thang đo phân làm 4 cấp độ của NYHA (Hội Tim mạch New York). “Đối với các trường hợp suy tim nặng như vậy, thường chỉ có chỉ định thay tim. Nhưng tỷ lệ có tim thay thế quá thấp nên hầu như chỉ có thể điều trị nội khoa (dùng thuốc) để duy trì sự sống cho người bệnh”, bác sĩ Minh giải thích thêm.
Có nhiều bệnh lý tim mạch dẫn tới tình trạng suy tim, ông T. được xác định mắc chứng cơ tim phì đại, dạng bệnh có thành cơ tim dày hơn bình thường, từ đó làm giảm khả năng co bóp và giảm thể tích chứa máu của tim. Bệnh lý còn dẫn đến rối loạn dẫn truyền (block nhánh trái) và làm cho phân suất tống máu của tim giảm còn dưới 50%. Tuy nhiên theo bác sĩ Minh, đây là điểm mấu chốt để có thể chỉ định đặt máy tái đồng bộ tim 3 buồng (CRT) cho bệnh nhân. Trước đây thì tình trạng suy tim của ông T. không đáp ứng các yêu cầu để các bác sĩ có thể chỉ định kỹ thuật này. “Phương án này có thể là giải pháp phù hợp nhất tại thời điểm này, để cứu sống và mang lại chất lượng sống tốt hơn cho bệnh nhân T.”, bác sĩ Minh nhấn mạnh.
Chỉ định đặt máy tái đồng bộ tim 3 buồng (CRT) cho bệnh nhân là giải pháp phù hợp nhất đối với trường hợp của bệnh nhân P.Đ.T
Cải thiện chất lượng sống nhờ sự phát triển công nghệ trong y học
Thủ thuật đặt máy tái đồng bộ tim 3 buồng (CRT) được thực hiện trong phòng Can thiệp Tim Mạch (CathLab) hiện đại tại FV, giúp quá trình được diễn ra chính xác, nhanh chóng và được kiểm soát an toàn nhiễm khuẩn cao. Do thiết bị CRT cũng tạo nhịp, cùng lúc với cơ chế tự đập của tim, nên thách thức trong việc vận hành thiết bị CRT là vấn đề tối ưu hóa máy. Tức là các bác sĩ ngoài việc thực hiện thủ thuật chính xác, thì cần phải hiệu chỉnh để giúp nhịp do máy tạo ra, sẽ tương thích với nhịp tim hiện tại của người bệnh, tránh tình trạng loạn nhịp.
Theo đó, máy có 3 dây dẫn truyền, gồm 2 dây dẫn điện tạo nhịp được nối từ máy đến tâm thất trái và tâm thất phải; một dây nhận cảm kết nối với tâm nhĩ để nhận tín hiệu nhịp do tim tạo ra. Dây nhận cảm khi nhận được tín hiệu sẽ báo về máy, kế đến máy sẽ dẫn truyền về 2 tâm thất để tạo nhịp đập, sao cho thời gian giữa nhịp tim tự nhiên và nhịp do máy CRT tạo ra cách nhau đúng 40ms (0.04 giây). Điều này tạo ra sự đồng bộ với nhịp tim hiện tại của bệnh nhân, hỗ trợ tim có được tần số nhịp phù hợp nhất với tình trạng tim đang suy yếu của ông T.
Sức khỏe bệnh nhân P.Đ.T đã có sự tiến triển rõ rệt sau khi gắn máy tạo nhịp CRT.
Sau khi gắn máy tạo nhịp CRT, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và đánh giá mức độ tương thích với hoạt động của máy trong khoảng thời gian 30 ngày, trước khi xuất viện. Chị H. cho biết: “tôi thấy sức khỏe của ông cụ tiến triển rõ rệt so với lúc chưa dùng máy. Sau thời gian máy bắt đầu tương thích với cơ thể, thì tình hình còn cải thiện nhiều hơn, ông cũng không cần máy thở hỗ trợ nữa”. Bên cạnh đó, với bệnh tình của ông T., gia đình rất an tâm vào quy trình chăm sóc hậu phẫu tại FV. Điều này phần nào đã giúp đẩy nhanh tốc độ hồi phục của bệnh nhân, hỗ trợ tâm lý cho người bệnh và thân nhân, đồng thời cũng hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra trong thời gian sau phẫu thuật.
Phương án đặt máy giúp bệnh nhân chuyển từ suy tim mức IV (Theo thang NYHA) xuống suy tim mức III, tức là từ thể rất nặng sang thể nặng. Bác sĩ Hoàng Quang Minh nhận định, bệnh nhân từ người hạn chế vận động, phải cần người chăm sóc liên tục, hiện nay đã có thể tự đi lai và tự sinh hoạt, cải thiện nhiều về chất lượng cuộc sống. Có thể nói ê-kíp điều trị đã đạt được mục tiêu nhờ vào sự phát triển của công nghệ y học.
Bác sĩ Hoàng Quang Minh – Bác sĩ cấp cao, Khoa Tim mạch – Bệnh viện FV
Khoa Tim Mạch – Bệnh viện FV với trang thiết bị hiện đại và đồng bộ, cùng đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, sẵn sàng cung cấp các dịch vụ chẩn đoán và điều trị tiên tiến trên phạm vi rộng, áp dụng phương thức điều trị toàn diện từ giai đoạn phòng ngừa, phát hiện sớm cho đến việc chẩn đoán, điều trị và phục hồi chức năng tim.
Từ tháng 5-2018, Bệnh viện FV đưa vào hoạt động Trung tâm Can thiệp Tim mạch (Cathlab) với tổng số vốn đầu tư trên 1,6 triệu USD. Phòng Cathlab sở hữu hệ thống máy móc, công cụ hiện đại là “cánh tay đắc lực” giúp các bác sĩ chẩn đoán và cứu chữa kịp thời những ca bệnh lý nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, tắc nghẽn mạch máu, phình động mạch, hở van tim…
Bác sĩ Hoàng Quang Minh là bác sĩ điều trị cấp cao thuộc Khoa Tim mạch. Bệnh viện FV. Bác sĩ Minh có hơn 10 năm kinh nghiệm trong điều trị các bệnh lý rối loạn nhịp tim bằng các phương pháp điện sinh lý, cắt đốt và tạo nhịp.
Để đặt hẹn với bác sĩ Hoàng Quang Minh, vui lòng liên hệ: Khoa Tim Mạch : (028) 5411 3467 hoặc (028) 5411 3333 Máy nhánh: 1216 / 1165.