Với 13 năm kinh nghiệm trong ngành phẫu thuật mạch máu, đối với bác sĩ Lương Ngọc Trung thì thành công của một ca mổ không đơn giản nằm ở đôi tay và khối óc của người bác sĩ phẫu thuật.
Bị cảm lạnh sau khi đứng liên tục hơn 5 tiếng trong phòng mổ, bác sĩ Trung vẫn giữ được sự điềm đạm, ân cần với những người mình gặp. Đan xen giữa cuộc trò chuyện, anh vẫn nhắc đến bệnh nhân của mình và thể hiện sự quan tâm khó tránh. Anh chia sẻ: “Tôi tâm niệm một điều là sau mỗi một ca mổ, mình trở về nhà và có thể ngủ yên. Ngủ yên ở đây hàm ý nhiều vấn đề lắm: chẩn đoán đúng, điều trị đúng, phẫu thuật không có sai sót, không biến chứng…”. Nói thế, nhưng câu chuyện của anh lại chẳng hề bằng phẳng bởi những trăn trở khi bước chân vào nghề y, và hơn hết, đó là lựa chọn khoa phẫu thuật tim – mạch máu đầy thử thách.
BS Lương Ngọc Trung – Khoa Phẫu thuật Mạch máu Bệnh viện FV
Ở FV khiến tôi yên tâm
Nghề y là nghề cao đẹp và mỗi người đi theo hướng đó, thường ôm ấp những giấc mơ từ sớm. Với bác sĩ Trung cũng vậy, nhưng chỉ đến khi đọc được cuốn sách “Đường vào khoa học của tôi” của GS-BS Tôn Thất Tùng, anh mới quyết tâm theo đuổi nghề y. Trong quá trình miệt mài học tập, anh gặp GS Bùi Đức Phú – người đã từng thực hiện kỹ thuật ghép tim mà không có sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài. Thầy Phú là thần tượng của anh và cũng giúp anh đi nhanh tới quyết định lựa chọn khoa tim – mạch máu để phát triển. Anh cũng nhắc đến những người thầy đã cho anh nhiều bài học và cảm hứng theo đuổi nghề như: GS-BS Yves Glock (Pháp), PGS-TS Lê Quang Thứu (Đại học Y Huế, Trung tâm Tim mạch Huế).
Có thể nói, lựa chọn ngành phẫu thuật tim – mạch máu là một sự dũng cảm bởi đây là lĩnh vực chứa nhiều rủi ro hơn, phải đối mặt với sinh tử nhiều hơn. Dù mô tả con đường đi đến lựa chọn của mình “tự nhiên như hơi thở” nhưng bác sĩ Trung luôn tự nhủ phải tu dưỡng y nghiệp, rèn luyện tay nghề để có thể đứng vững trước những khó khăn, thách thức. Bước chân vào Đại học Y Dược Huế, anh nhanh chóng trở thành một trong 5 người vào nội trú. Không lâu sau đó, anh tiếp tục qua Pháp tu nghiệp chuyên ngành phẫu thuật và can thiệp tim – mạch máu và trở về làm việc bên cạnh GS Phú (Bệnh viện T.Ư Huế).
Sau cùng, anh chọn dừng chân ở Khoa Phẫu thuật Mạch máu Bệnh viện FV. “Ở Bệnh viện FV khiến tôi yên tâm. FV đạt chứng nhận JCI, một trong những tiêu chuẩn quan trọng là đặt an toàn của bệnh nhân lên hàng đầu. Hiểu một cách khái quát: Khi bệnh nhân được an toàn, tức là bác sĩ cũng sẽ an toàn”, anh chia sẻ.
BS Lương Ngọc Trung thăm khám bệnh nhân sau phẫu thuật
Bộ óc của tập thể lớn hơn cá nhân
Là người từng điều trị thành công ca phình động mạch chủ đường kính “khủng” là 83 mm mà báo chí đã từng nhắc đến, bác sĩ Trung vẫn khiêm tốn cho rằng, thành công đó không phải là của riêng cá nhân mình. Anh cho biết: “Thành công của một ca mổ theo tôi gồm bốn yếu tố đó là: thứ nhất là nhân lực gồm bác sĩ và ekip liên quan, thứ hai là vật lực bao gồm trang thiết bị, vật tư cấy ghép, các phương tiện hỗ trợ…, thứ ba là khâu tổ chức bệnh viện, và cuối cùng là yếu tố người bệnh”.
Ở Bệnh viện FV, bác sĩ Trung như được tiếp thêm cánh tay đắc lực cho hoạt động điều trị của mình. Từ trang thiết bị hiện đại, đúng chuẩn đến quy trình chặt chẽ, đảm bảo kiểm soát an toàn tới từng khâu nhỏ nhất. Đặc biệt, FV còn trang bị phòng Cathlab đa chức năng, vừa hỗ trợ đội ngũ của mình vừa giúp bệnh nhân tiết kiệm thời gian điều trị, giảm thiểu biến chứng và nhanh hồi phục hơn.
Đặc biệt, bác sĩ Trung tự hào gọi FV là “ngôi nhà” của mình vì “Bác sĩ không hề đơn độc mà cần sự hỗ trợ của tất cả các bộ phận liên quan từ bác sĩ các chuyên khoa khác nhau, điều dưỡng, gây mê hồi sức, kỹ thuật viên, các bộ phận quản lý…”. FV còn có Hội đồng Y khoa là nơi các vấn đề, các ca khó được đưa ra xem xét, thảo luận và thống nhất phương án xử lý bên cạnh giúp các bác sĩ trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Đau đáu những trăn trở giúp bệnh nhân
Bác sĩ Trung đặc biệt yêu thích và tâm niệm câu chuyện gia đình vị thần y Biển Thước thời Xuân Thu – Chiến Quốc. Người ngoài nhìn vào gia đình thần y, cho rằng người anh cả là thầy thuốc dở nhất, còn Biển Thước là người tài năng nhất. Biển Thước lại tiết lộ anh cả mình mới là người cao minh nhất, bởi ông nhận ra và chữa được bệnh ngay cả khi nó chưa phát tác, còn Biển Thước không giỏi bằng vì ông chữa các bệnh khi bệnh ở giai đoạn nặng.
Có lẽ vì thế mà bác sĩ Trung luôn đau đáu về vấn đề làm sao để tầm soát và điều trị tốt nhất cho bệnh nhân ngay ở giai đoạn bệnh còn tiềm ẩn hoặc giai đoạn sớm. Bác sĩ Trung trăn trở: “Mong muốn của tôi là bệnh nhân biết được thói quen của mình, dự đoán nguy cơ, điều trị được gì, tránh được gì… thì tốt hơn. Đừng chờ đợi tới khi bệnh trở nặng, quá tầm đối với y khoa. Vai trò của người thầy thuốc là tư vấn, phát hiện nguy cơ, chẩn đoán và điều trị. Đây là mối tương tác lâu dài giữa thầy thuốc và người bệnh. Thực hiện được điều đó, là trách nhiệm của tất cả mọi người”. Nói riêng về lĩnh vực điều trị tim – mạch, bác sĩ Trung mong muốn là “Phải phát hiện được bệnh lý sớm nhất, chăm sóc được nhiều bệnh nhân khi cách cửa tử từ 20 năm, hoặc 10 năm…”.
Đặc biệt, đội ngũ bác sĩ tim mạch của FV có nhiều năm kinh nghiệm với hơn 10.000 ca can thiệp thành công giúp bệnh nhân có thêm lựa chọn đáng tin cậy để điều trị bệnh lý tim mạch tại bệnh viện đạt chuẩn quốc tế.
Trích nguồn từ: https://thanhnien.vn/suc-khoe/bac-si-luong-ngoc-trung-bac-si-khong-don-doc-1003958.html