BÁC SĨ LƯƠNG NGỌC TRUNG: HẠNH PHÚC KHI MANG LẠI CHO BỆNH NHÂN CUỘC ĐỜI MỚI SAU TỪNG CA MỔ

Hơn 20 năm gắn bó với nghề y, đối mặt với sinh tử mỗi ngày, ThS. BS. Lương Ngọc Trung, Trưởng khoa Phẫu thuật mạch máu và lồng ngực, Bệnh viện FV càng thấm thía sự khắc nghiệt của nghề. Và để vượt qua khắc nghiệt đó, phương thuốc của anh là đam mê.

Lạc quan bước vào ngành y

Một buổi sáng năm 1995, cậu học sinh lớp 12 – Lương Ngọc Trung, tình cờ đọc Đường vào khoa học của tôi của Giáo sư Tôn Thất Tùng. Tác phẩm kể về hành trình đến với nghề y của một trong những thầy thuốc danh tiếng nhất của y học hiện đại Việt Nam. Chỉ vỏn vẹn hơn 200 trang sách, song cái cách GS. Tôn Thất Tùng trở thành một phẫu thuật viên trong chiến tranh, đã khiến chàng học trò bắt đầu mơ ước. Dù ban đầu chẳng hình dung công việc của bác sĩ là như thế nào, nhưng những trang sách đã thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt huyết, cuốn anh học trò Quảng Nam đến với giảng đương Đại học Y Dược Huế khi chỉ tròn 17 tuổi.

ThS. BS. Lương Ngọc Trung, Trưởng khoa Phẫu thuật mạch máu và lồng ngực
ThS. BS. Lương Ngọc Trung, Trưởng khoa Phẫu thuật mạch máu và lồng ngực

Tốt nghiệp Đại học y Huế năm 2001, “Đường vào khoa học của bác sĩ Trung” mới thật sự bắt đầu rộng mở. Vẫn như ngày xưa, anh vui vẻ tận dụng mọi cơ hội để được học, trau dồi và nâng cao tay nghề. Bắt đầu với chương trình Thạc sĩ y khoa và Bác sĩ nội trú bệnh viện chuyên ngành Ngoại tổng quát, chuyên môn phẫu thuật tim mạch, lồng ngực. “Không đơn giản để được các thầy chọn theo chuyên ngành này, tuy rất vinh dự, nhưng cũng không kém phần khắc nghiệt” – bác sĩ Trung chia sẻ về những năm tháng đầu theo nghề.

Sự vô tư mang anh đến với nghề y, rồi sau đó biến nó trở thành một đam mê, nhưng kèm theo là những gánh nặng trách nhiệm của một phẫu thuật viên. Bác sĩ Trung nhớ tới những ánh mắt ngưỡng mộ khi mình bước ra khỏi phòng mổ, nghĩ tới sự nhiệt huyết trong cuốn sách đã mang anh đến đây và anh thấy có điều gì đó chưa đủ đầy.

Anh tiếp tục tìm kiếm những kiến thức mới, những “công cụ” mới để có thể giải quyết được nhiều vấn đề hơn trên con đường hành nghề y. Từ việc làm bác sĩ nội trú tại Đại học Y Paul-Sabatier (Toulouse – Pháp) học thêm phẫu thuật tim mạch và can thiệp nội mạch tại ĐH Y Pierre & Marie Curie – Paris 6),  đến việc tiếp cận với các kỹ thuật tiên tiến như can thiệp nội mạch động mạch chủ và mạch máu ngoại biên, thay van động mạch chủ qua da, tại Đại học Y The Prince of Songkla (Thái Lan) và bệnh viện Pities- Salpetriere ( Pháp) … Những ngày tháng nỗ lức đó, dường như càng làm anh lạc quan và tin tưởng hơn vào đôi tay của mình, rằng anh đã chọn được một công việc đem đến một “con đường sống mới” cho nhiều người.

Phẫu thuật viên như một nhà văn

Bác sĩ Lương Ngọc Trung cho mình là người gặp nhiều may mắn trong sự nghiệp. Anh được đào tạo cả 3 chuyên ngành phẫu thuật, tim mạch, lồng ngực thay vì chỉ chuyên sâu một ngành như sinh viên y tại các trường đại học ở các tỉnh thành khác. Đồngd thời anh được dìu dắt bởi những người thầy lớn như GS.TS Bùi Đức Phú, PGS.TS.BS Lê Quang Thứu, và giáo sư phẫu thuật tim mạch nổi tiếng người Pháp Yves Glock.

Thời học ở Pháp, anh rất thích cách ví von của thầy Yves GLOCK: bác sĩ phẫu thuật mạch máu và nhà văn đều là những nghệ sĩ thực thụ, họ có một điểm chung là phân tích con người: Nếu bác sĩ phẫu thuật mạch máu bóc tách các mạch máu trong cơ thể bằng dao mổ thì nhà văn bóc tách tâm hồn con người bằng ngòi bút.

Bác sĩ Lương Ngọc Trung và đồng nghiệp can thiệp nội mạch cho bệnh nhân của FV
Bác sĩ Lương Ngọc Trung và đồng nghiệp can thiệp nội mạch cho bệnh nhân của FV

Càng chinh phục những kỹ thuật cao, bác sĩ Lương Ngọc Trung càng thấy “say” với nghề. Thật khó diễn tả hết cảm xúc của một phẫu thuật viên sau khi thao tác tỉ mỉ hàng giờ trên những sợi mạch máu nhỏ như cọng chỉ, gọt đẽo van tim để trả lại nó về chức năng bình thường, để trái tim có thể bơm máu tưới cho toàn cơ thể. Và tuyệt vời hơn nữa là cảm giác hạnh phúc khi mang lại cho bệnh nhân một cuộc đời mới sau ca mổ.

. Phẫu thuật viên tim mạch phải trải qua thời gian đào tạo kéo dài trước khi được cầm dao mổ. Họ thường xuyên phải đối mặt với những khó khăn, áp lực kể cả tình trạng bệnh nhân ngưng tim trên bàn mổ. Mỗi ca mổ cần vô cùng tỉ mỉ, tập trung cao độ trong nhiều tiếng đồng hồ, không một giây lơ là vì gần như không có cơ hội sửa sai. Cách nói thâm trầm, phong cách điềm đạm của bác sĩ Trung có lẽ đã được định hình qua những giai đoạn trui rèn nghề nghiệp này. Anh nhắc lại câu nói kinh điển trong nghề phẫu thuật “Phẫu thuật viên giỏi phải là người có đôi mắt chim ưng, trái tim sư tử và đôi tay khéo léo của người phụ nữ”.

“Điều tốt còn tốt hơn sự hoàn hảo”

Năm 2017, bác sĩ Trung gia nhập Bệnh viện FV và chọn chuyên ngành lồng ngực mạch máu thay vì tim như một cách để thử thách chính mình. Đi sâu vào lĩnh vực mạch máu và lồng ngực, bác sĩ Trung lại có thêm niềm đam mê phân tích, mổ xẻ những mạch máu li ti trong cơ thể con người.

Các đồng nghiệp tại FV chia sẻ rằng bác sĩ Trung luôn “tranh thủ” tận dụng mọi cơ hội dù là nhỏ nhất cập nhật những kỹ thuật điều trị tiên tiến trên thế giới để nỗ lực cho từng ca mổ đem lại kết quả tốt nhất có thể. Sự miệt mài của anh, không chỉ giúp điều trị cho hàng trăm bệnh nhân, mà còn góp phần kiến tạo cuộc đời mới cho nhiều em nhỏ bị dị tật bẩm sinh của Quỹ Nâng bước tuổi thơ – đơn vị anh rất nhiệt tình hỗ trợ.

Năm 2023, bác sĩ Trung được bổ nhiệm làm Trưởng Khoa phẫu thuật mạch máu và lồng ngực. Là một người vốn thuần về làm chuyên môn, anh cười hiền lành khi bày tỏ có đôi chút “áp lực” ở vai trò đầu tàu của một chuyên khoa. Dẫu vậy, anh hào hứng khi chia sẻ kế hoạch phát triển một khoa phẫu thuật lồng ngực, mạch máu hiện đại, chất lượng cao, khi mổ bệnh nhân chỉ cần tê tại chổ không cần gây mê, can thiệp tối thiểu, không đau và thời gian nằm viện rút ngắn. Anh cũng mong muốn có thể điều trị cho 500 ca/năm, tương đương các trung tâm trên thế giới. Xa hơn nữa là đưa khoa trở thành một trong những “Excellent center” của FV.

Bác sĩ Lương Ngọc Trung tư vấn cho bệnh nhân về bệnh mạch máu
Bác sĩ Lương Ngọc Trung tư vấn cho bệnh nhân về bệnh mạch máu

Vị trưởng khoa trẻ đặt ra mục tiêu đưa số lượng các ca can thiệp mạch máu lên mức
Mục tiêu này hoàn toàn có cơ sở khi trang thiết bị của Bệnh viện FV đã đầy đủ với hệ thống nội soi, máy siêu âm, máy chụp CT, MRI thế hệ mới cùng các phương tiện stent, implant… Khoa sẽ cần chiêu mộ thêm các phẫu thuật viên giỏi, đáp ứng nhu cầu điều trị các bệnh về mạch máu và lồng ngực ngày một cao tại FV.

Có một câu nói của Voltaire mà bác sĩ Lương Ngọc Trung rất tâm đắc, rằng “Đừng để sự hoàn hảo trở thành kẻ thù của những điều tốt đẹp”; nói cách khác thay vì ép buộc bản thân theo đuổi “sự hoàn hảo bất khả thi”, hãy chấp nhận làm việc ở mức “tốt”. Với tính cách của một người theo đuổi khoa học bằng sự cẩn trọng và tỉ mỉ, luôn mong muốn làm “điều tốt còn tốt hơn theo sự hoàn hảo”, vị tân trưởng khoa chắc chắn sẽ từng bước phát triển khoa một cách vững mạnh và mang lại những giá trị thiết thực cho người bệnh, như ước muốn từ thuở ban đầu của anh.