Không trực tiếp cầm dao mổ, nhưng gần 3 thập kỷ gắn bó với ngành gây mê hồi sức, bác sĩ Lý Quốc Thịnh cùng đồng nghiệp của mình luôn là người sát cánh với phẫu thuật viên đảm trách sự thành công, an toàn và thoải mái cho người bệnh.
“Bố thương, bố thương, em bé của bố ngoan nha…” là những tiếng vỗ về quen thuộc mà mọi người trong ekip trực tại Bệnh viện FV thường nghe thấy ở hành lang khi có một bệnh nhi chuẩn bị được đưa vào phòng phẫu thuật. Bế em bé trên tay, thủ thỉ bằng giọng nói cưng nựng như… ru là cách bác sĩ Lý Quốc Thịnh – Trưởng khoa Gây mê Hồi sức Bệnh viện FV – trấn an bệnh nhi khi các em chuẩn bị bước vào ca mổ.
Bác sĩ Lý Quốc Thịnh được xem là ông “bố thương” của hàng nghìn bệnh nhi.
Gần 3 thập kỷ gắn bó với chuyên khoa Gây mê Hồi sức, bác sĩ Lý Quốc Thịnh thực hiện hàng chục nghìn ca gây mê, giúp bệnh nhân “mê vừa đủ, ngủ an tâm và thức dậy an toàn”.
Không chỉ là những “chiến sĩ thức canh” mẫu mực, bác sĩ Thịnh cùng ê-kíp gây mê hồi sức cũng là những người luôn phải đứng ở ranh giới giành giật từng hơi thở cho bệnh nhân.
Ông “bố thương” của hàng nghìn bệnh nhi
Bước vào nghề y, bác sĩ Lý Quốc Thịnh từng đặt mục tiêu sẽ trở thành phẫu thuật viên, cầm dao mổ trực tiếp cứu sống bệnh nhân. Song khi bắt đầu sự nghiệp tại Bệnh viện Nhi đồng 1, nhận thấy bệnh viện lúc đó thiếu nhân lực chuyên khoa Gây mê Hồi sức, bác sĩ Thịnh quyết định chuyển hướng.
“Khi chuyển hướng sang gây mê hồi sức, tôi lại thấy được vẻ đẹp của công việc mình đang làm. Mỗi nỗ lực của từng thành viên trong ê-kíp đều là yếu tố quan trọng giúp bệnh nhân vượt qua được cuộc phẫu thuật một cách an toàn”, bác sĩ Thịnh kể lại.
Gây mê hồi sức vốn là chuyên khoa mang nhiều trọng trách về sự an toàn cho ca mổ. Trong mỗi cuộc phẫu thuật, ê-kíp gây mê luôn là những người đi trước, về sau, đến phòng mổ sớm nhất để làm các công tác chuẩn bị, thực hiện các phương pháp vô cảm phù hợp cho từng người bệnh, giảm đau, theo dõi sinh hiệu, đảm bảo an toàn trong và sau phẫu thuật.
Hơn thế nữa, họ cũng là người tiếp tục chăm sóc, điều trị người bệnh tại khoa Hồi sức tích cực, cùng với phẫu thuật viên kiểm soát hiệu quả giảm đau sau phẫu thuật.
Những năm tháng làm tại bệnh viện nhi, bác sĩ Lý Quốc Thịnh có cơ hội tôi luyện tay nghề thông qua hỗ trợ các ca mổ cho trẻ em, trong đó có những em bé mới chỉ vài ngày tuổi. Có lẽ, gây mê hồi sức với trẻ sơ sinh là một trong những thách thức lớn nhất: Cơ thể các bé chưa phát triển hoàn thiện, những giới hạn về thể tích phổi, mạch máu, chức năng tim… khiến việc gây mê cho các ca phẫu thuật cần rất nhiều sự cẩn trọng, tính toán kỹ lưỡng của người bác sĩ.
“Với bệnh nhi nhỏ tuổi, điều khó khăn là các con chưa nói được và cũng không hiểu hết được những gì mình phải đối mặt. Cơ thể của trẻ chưa phát triển hoàn thiện nên dễ gặp phải những nguy cơ và biến chứng hơn so với người lớn. Và hơn hết, trẻ con cũng như những chú chim non luôn ở bên cạnh bố mẹ, vì thế khi phải rời xa trong một khoảng thời gian nhất định, các con sẽ cảm thấy bất an”, bác sĩ Thịnh phân tích.
Rất nhiều trường hợp bệnh nhi sợ hãi quấy khóc khi vào phòng mổ. Sự sợ hãi của trẻ ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình gây mê và tâm lý của trẻ khi hồi tỉnh sau cuộc phẫu thuật. Quãng thời gian được học tập và làm việc tại bệnh viện sản nhi hàng đầu ở Pháp đã giúp bác sĩ Thịnh tìm ra giải pháp cho vấn đề này.
Thay vì để bệnh nhi tiếp cận ca phẫu thuật một cách bị động, anh chọn giải thích một cách cụ thể, cho trẻ làm quen với một số dụng cụ mà bé sẽ phải nhìn thấy hay tiếp xúc trong lúc gây mê. Điều này giúp trẻ hình thành được phần nào ý niệm, nhận thức về những gì mình chuẩn bị trải qua, tâm lý của bệnh nhi sẽ được thả lỏng hơn.
Bác sĩ Thịnh đảm trách cả công việc gây mê trước ca mổ và hồi sức cho bệnh nhân sau phẫu thuật.
“Đây là cách mà tôi học được nhờ vào quan sát các đồng nghiệp tại Pháp thực hiện. Khi các con đã được làm quen với mặt nạ chụp thuốc hay một số dụng cụ khác, bé sẽ cảm giác an toàn và trở nên hợp tác hơn”, bác sĩ Thịnh giải thích thêm.
Với những bệnh nhi nhỏ tuổi chưa thể giao tiếp, bác sĩ Thịnh sẽ cố gắng thăm hỏi bé trong thời gian trước khi mổ, tiếp nhận các em từ tay bố mẹ và vỗ về cho đến khi vào phòng mổ. Những người trong ekip của bác sĩ Thịnh đã quen với tiếng an ủi thủ thỉ “bố thương” của anh. Cách xưng hô đầy tình cảm ấy giúp các bé bớt hoang mang khi phải xa vòng tay mẹ.
Không ngừng chinh phục thử thách trong lĩnh vực gây mê hồi sức
Năm 2007, khi đang đảm trách vị trí Phó Trưởng Khoa, Chuyên khoa Gây mê, Bệnh viện Nhi Đồng 1, bác sĩ Lý Quốc Thịnh quyết định đầu quân cho FV để tìm kiếm những thử thách mới cho sự nghiệp của mình.
“Chọn về FV vì tôi biết đây là môi trường quốc tế hàng đầu, nhiều thử thách nhưng cũng là nơi có tiềm lực để bác sĩ có thể giúp đỡ bệnh nhân nhiều hơn. Tiềm lực của FV đến từ cách tạo dựng môi trường làm việc, hỗ trợ về thiết bị, máy móc, thuốc men, quy trình khám chữa bệnh… đều tiệm cận với các nền y khoa hàng đầu. Chính vì thế, yêu cầu và sự đòi hỏi với năng lực của bác sĩ cũng phải tương ứng”, bác sĩ Thịnh chia sẻ lý do chọn FV cho bước tiếp theo trên con đường nghề nghiệp của mình.
Tại bệnh viện FV, bác sĩ Thịnh mở rộng chuyên môn khi đảm trách nhiệm vụ gây mê cho các bệnh nhân lớn tuổi có nhiều bệnh nền. Đây là nhóm có nguy cơ gặp biến chứng trong phẫu thuật cao hơn gấp nhiều lần so với các bệnh nhân bình thường, do vậy mỗi cuộc gây mê đều phải được thực hiện với một sự tỉ mỉ cao độ.
Trước mỗi cuộc phẫu thuật, bác sĩ gây mê hồi sức sẽ thăm khám tiền mê, đánh giá tình trạng sức khỏe bệnh nhân dựa trên các xét nghiệm tiền phẫu, hội chẩn với các chuyên khoa liên quan hoặc hội chẩn viện khi cần, nhằm đảm bảo an toàn cho bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật.
Khối lượng công việc của các bác sĩ gây mê hồi sức là rất lớn.
Tiếp đó, ê-kíp cũng sẽ đưa ra phương pháp gây mê, chiến lược hồi sức phù hợp và chuẩn bị trang thiết bị cho ca mổ. Cũng trong thời gian này, bệnh nhân và người thân của họ sẽ được thảo luận về lợi ích, rủi ro của các phương pháp, được giải đáp các thắc mắc xung quanh ca mổ.
“Bất kỳ ca phẫu thuật nào cũng tiềm ẩn rủi ro, nhiệm vụ của bác sĩ gây mê hồi sức là nỗ lực giảm thiểu khả năng xảy ra tai biến đến mức thấp nhất. Bệnh nhân và người nhà cũng cần được giải thích, giúp họ hiểu và an tâm để gây mê, bước vào phẫu thuật. Đôi khi người ta nói ‘thức canh cho bệnh nhân ngủ’ nhưng chừng đó là chưa đủ để nói về công việc gây mê hồi sức”, bác sĩ Thịnh nói thêm.
Song song đó, là “ông bố thương” nổi tiếng trong giới gây mê hồi sức, số lượng bệnh nhi mà FV tiếp nhận khi có bác sĩ Thịnh tăng lên rất nhiều. Với cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật hiện đại cùng sự hợp tác với các chuyên gia hàng đầu, FV trở thành đơn vị được nhiều bệnh viện và bác sĩ nhi tin tưởng giao phó nhiều ca đại phẫu cho các bệnh nhi.
Một trong những ca phẫu thuật nhiều thử thách là ca mổ cho bệnh nhi sinh non 26 tuần bị bong võng mạc. Khó khăn của ca mổ là tình trạng bệnh mắt phức tạp trên bệnh nhi chưa đến 1,5 kg, bé đồng thời bị tim bẩm sinh và xơ phổi vì thở máy liên tục.
Thể trạng của bệnh nhi đặt ra thách thức rất lớn cho ê-kíp gây mê hồi sức đảm bảo bé được an toàn trong quá trình gây mê, phẫu thuật và hồi phục về sau. Song, với kinh nghiệm dày dạn, sự tính toán công phu cùng khả năng xử lý tình huống của bác sĩ Lý Quốc Thịnh, ê-kíp gây mê hồi sức cùng đội ngũ phẫu thuật viên, bệnh nhi đã có ca mổ thành công.
Luôn đặt tâm huyết vào từng việc nhỏ
Nhận định về bác sĩ Thịnh – đồng nghiệp đồng thời cũng là đàn em của mình, bác sĩ Nguyễn Thị Lam Giang – cựu Trưởng khoa Gây mê Hồi sức bệnh viện FV, chia sẻ: “Bác sĩ Thịnh toát ra phong thái điềm tĩnh, rất đáng tin cậy và luôn biết cách làm người đối diện an lòng. Không chỉ tin tưởng vào sự gần gũi, thấu hiểu mà hầu hết bệnh nhân lẫn người nhà bệnh nhân còn hoàn toàn tín nhiệm vào năng lực của bác sĩ Thịnh”.
Qua quá trình làm việc với vị trưởng khoa đương nhiệm, bác sĩ Lam Giang nhận thấy anh có kinh nghiệm phong phú, khả năng phán đoán tốt cùng sự nhạy cảm trong lĩnh vực gây mê. Trong khi đó, ở địa hạt hồi sức, bác sĩ Thịnh cũng là người luôn miệt mài nghiên cứu, học tập với tinh thần vừa cầu thị vừa khiêm cung.
Trưởng khoa Gây mê Hồi sức Bệnh viện FV bày tỏ, các bác sĩ gây mê hồi sức thường chịu áp lực tinh thần lớn do bệnh nhân nằm tại ICU là những ca nặng đang đối mặt với sinh tử hoặc cần hồi sức tích cực sau phẫu thuật, phải theo dõi chỉ số sinh tồn liên tục 24/7. Gắn bó với nghề gần 3 thập kỷ, giờ đây chỉ cần nghe âm thanh, dù là rất nhỏ, của các thiết bị theo dõi chỉ số sinh tồn trong phòng ICU có chút khác biệt cũng đủ giúp anh nhận ra có sự chuyển biến trong cơ thể bệnh nhân để sẵn sàng ứng phó.
Điều trị cho các bệnh nhân tại phòng ICU là công việc nhiều thách thức.
Ngoài ra, các bác sĩ tại phòng ICU còn gặp áp lực từ nhiều khía cạnh khác, điển hình là những khoảnh khắc phải đối mặt với sự tức giận của người nhà bệnh nhân khi quá trình điều trị chưa mang đến kết quả như mong muốn.
Là người đồng hành với bác sĩ Lý Quốc Thịnh tại khoa phòng ICU trong suốt nhiều năm qua, anh Đỗ Chí Tâm – Điều dưỡng trưởng tại ICU – chia sẻ, anh luôn ấn tượng với sự vững vàng, điềm tĩnh của vị trưởng khoa trong mọi hoàn cảnh. “ICU là đơn vị được mọi người hay gọi là nơi ‘đầu sóng ngọn gió’ vì ca nào vào đây cũng là bệnh nặng đến rất nặng, áp lực không chỉ tới từ việc chăm sóc bệnh nhân mà còn trước những mong mỏi của người nhà bệnh nhân. Nhưng cũng chính vì vậy mà sự điềm tĩnh, từ tốn và cẩn trọng của bác sĩ Thịnh lại càng nổi bật”.
Không ít lần, anh Tâm và đội ngũ nhân sự tại phòng ICU chứng kiến gia đình bệnh nhân thể hiện sự tức giận, song cách xử lý của bác sĩ Lý Quốc Thịnh luôn giúp họ bình tĩnh lại.
“Khi lo lắng và áp lực dồn lên thì tâm lý người nhà bệnh nhân cũng trở nên nhạy cảm hơn, tôi đã từng trải qua những tình huống như vậy nên tôi thấu hiểu phần nào cảm giác của họ. Điều mình cần làm là giúp người nhà bệnh nhân cân bằng lại, giải đáp cho họ những thắc mắc nếu có trong quá trình điều trị. Thấy người thân mình nằm trong ICU thì cảm xúc có bột phát cũng là điều có thể thông cảm được”, bác sĩ Thịnh chia sẻ thêm.
Với bác sĩ Thịnh, ngoài công việc chuyên môn thì công việc phát triển khoa là một trọng trách mà anh phải đảm nhiệm. Hiện phòng ICU của bệnh viện FV có công suất 22 giường, số lượng ca phẫu thuật cũng rơi ở mức 2 con số mỗi ngày. Chính vì thế, một trong những điều khiến bác sĩ Thịnh trăn trở là việc phát triển đội ngũ nhiều hơn, tốt hơn để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân.
“Rất may mắn khi FV là nơi mà nhiều bác sĩ trẻ và giỏi đầu quân về. Tất nhiên người giỏi sẽ có những cá tính khác biệt, điều mình cần làm là bên cạnh dung hòa, tạo ra môi trường tốt nhất để mỗi cá nhân phát huy sở trường, giữ lửa đam mê hoc tập, nghiên cứu và cống hiến của họ. Luôn mang đến những cơ hội, động lực đệ giúp họ trở thành “hạt nhân’’ gánh vác an toàn cho bệnh nhân trong tương lai”, bác sĩ Thịnh nói thêm.
Bác sĩ Thịnh chọn đi làm bằng xe đạp như một cách luyện tập với quỹ thời gian ít ỏi.
Kết thúc buổi trò chuyện hơn một giờ đồng hồ, bác sĩ Thịnh chào tạm biệt chúng tôi và thong thả đạp xe về nhà khi trời đã tắt nắng. Anh giải thích, với quỹ thời gian ít ỏi, những vòng quay của pedal xe đạp giúp anh giải tỏa những mệt mỏi sau một ngày làm việc và cũng là cơ hội rèn luyện thể lực.
Nhìn bóng bác sĩ Thịnh hòa vào dòng người đông đúc, trong tôi vẫn còn hiện lên nụ cười giản dị và phong thái từ tốn của vị trưởng khoa Gây mê Hồi sức Bệnh viện FV. Dù kể lại cuộc mổ cân não để giữ ánh sáng cho đôi mắt bệnh nhi sơ sinh với cơ thể sinh non thật mong manh, hay việc vỗ về những em bé xa vòng tay mẹ để lên bàn mổ, “giành giật” bệnh nhân khỏi giây phút sinh tử hay nói về những sở thích cá nhân,… bác sĩ Thịnh đều chia sẻ một cách nhẹ nhàng, khiêm tốn. Người bác sĩ ấy luôn nhẹ nhàng và cẩn trọng trong mọi việc, bởi triết lý của anh là đặt tâm huyết vào từng việc nhỏ, làm tốt nhất những gì có thể, khiêm cung học hỏi, luôn trau dồi kiến thức và kĩ năng để sống trọn với nghề nghiệp của mình.