Từng được khuyên rằng chọn con đường hành nghề y tuy không đói nhưng cũng chẳng thể làm giàu, đã vậy còn nhiều nỗi lo hơn nghề khác, thế nhưng bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng vẫn quyết định khoác trên mình chiếc áo blouse. Hơn 15 năm theo nghề, những lời nói ngày trước đối với bác sĩ Mạnh Hùng vẫn không sai. Nhưng áp lực đó cũng không khiến anh thoái lui trên con đường cứu chữa bệnh nhân của mình, vì như anh nói “ngay từ ban đầu, nghề này đã chọn tôi.”
“Học y là tiết kiệm nhất đối với tôi lúc đó”
Cha của bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng (Trưởng khoa Ngoại Thần kinh – Bệnh viện FV) cũng là một bác sĩ. Thế nhưng khi nghe cậu con trai có ý định theo nghề, ông đã ngăn cản. Những năm làm việc tại quê nhà, vị bác sĩ già cảm thấy công việc cứu chữa người khác tuy cao quý nhưng lại quá cực nhọc, như thể làm dâu trăm họ vậy. Bất kể ngày hay đêm, giờ làm hay giờ nghỉ, có công việc cá nhân gì hay không, thì một bác sĩ vẫn phải luôn trong tư thế sẵn sàng giúp đỡ bệnh nhân. Nhìn lại công việc của đời mình, ông muốn cậu con trai Nguyễn Mạnh Hùng sẽ chọn một con đường khác, dễ chịu và mau ổn định hơn.
Đứng trước lựa chọn nghề nghiệp của đời mình ngày đó, bác sĩ Mạnh Hùng nói: “Thiệt tình tôi cũng không biết nên học gì lúc ấy, lý do tôi chọn ngành y, nói ra nó cũng vô duyên hết sức”. Những câu chuyện như lòng trắc ẩn, tình thương người, thích giúp đỡ người khác, đối với anh khi đó là việc hiển nhiên mà con người phải được giáo dục. Những lý do thường được nhắc đến khi nghĩ về việc chọn nghề y như trên, lại không tác động gì nhiều đến lựa chọn của anh. Lựa chọn học y của bác sĩ Mạnh Hùng bắt nguồn từ đắn đo… chi phí đi học.
Cùng thời điểm đó, bác sĩ Mạnh Hùng còn có nhiều lựa chọn sáng giá khác cho nghề nghiệp tương lai, nhưng anh cũng có sự suy tính riêng mình. Bác sĩ Mạnh Hùng chia sẻ: “Thời điểm tôi bước vào đại học, tiền sách vở hay học phí đều là vấn đề phải liệu trước. Ở nhà ba tôi lại có sách y rất nhiều, tôi nghĩ nếu phải chọn ngành khác thì sẽ tốn nhiều tiền mua sách, còn học y thì tiết kiệm nhất cho tôi lúc đó rồi.” Suy nghĩ thực tế như vậy đã mang anh đến giảng đường của Đại học Y Dược Tp.HCM.
Bác sĩ Mạnh Hùng luôn nói nghề y chọn anh, chứ anh đến với nghề hầu như không có một cái nguyên do nào. Thế vậy mà, nếu trước kia không thấy công việc của cha, nếu không thấy kho sách ông giữ gìn, nếu cũng không nhiều cơ hội phụ giúp ông chăm sóc bệnh nhân trong nhà, thì hẳn giờ chúng ta cũng không chắc sẽ có một bác sĩ ngoại thần kinh giỏi. Bác sĩ Mạnh Hùng nói: “ba tôi tuy không nói ra, nhưng tôi biết ông cũng rất vui vì có người nối nghiệp mình”. Vậy sự lựa chọn hơn 20 năm trước của anh thật chẳng vô duyên chút nào.
Hãy hỏi mong muốn của bệnh nhân là gì
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng tuy bước vào nghề y trong tâm thế “không phải vì đam mê” nhưng lại chọn học một trong những chuyên ngành khó nhất. Phẫu thuật thần kinh có thể nói là vua của các loại phẫu thuật vì độ khó của nó. Giọng nói ôn tồn, cử chỉ nhẹ nhàng, và lời nói ngắn gọn “điều dễ ai cũng làm, thì khó ai làm” của anh, phần nào giúp người đối diện hiểu lý do anh chọn chuyên khoa này.
Những bệnh lý, chấn thương thần kinh có độ khó dễ khác nhau. Đối với bác sĩ Mạnh Hùng, xử lý từng trường hợp tuy phải cần các phương pháp y khoa khác nhau, nhưng có một điểm chung mà anh đặc biệt nhấn mạnh. Điểm chung đó, chính là phải giải quyết được mong muốn của từng bệnh nhân. Bác sĩ Mạnh Hùng nói thêm: “Tại đây mình có nhân lực, có phương tiện tốt nhưng quan trọng nhất là phải biết vận dụng để đáp ứng mong muốn của bệnh nhân khi đến bệnh viện”. Phối hợp hài hòa giữa năng lực của bác sĩ và cơ sở vật chất bệnh viện có thể xem là một “công thức” hợp lý, nhằm đem tới lợi ích cho người bệnh.
Riêng đối với bác sĩ Mạnh Hùng, anh đánh giá cao về mặt năng lực của người thầy thuốc hơn. Năng lực ở đây, không chỉ là việc xác định bệnh, điều trị nó, mà còn nắm rõ các biến chứng, giải thích được cho bệnh nhân hiểu về biến chứng và tất nhiên, phải sẵn sàng xử lý được các biến chứng khi nó xuất hiện. Anh nói một bác sĩ ngoại thần kinh thành công, sẽ luôn tự tin bước vào ca mổ và đánh giá được mọi yếu tố có thể xảy ra. Tuy nhiên, càng tự tin thành công trong ca mổ, càng phải luôn tự nhắc mình về những biến chứng đang song hành cùng sự tự tin đó. Bác sĩ Mạnh Hùng nói: “Khi bắt đầu cầm dao mổ lên, bạn phải nghĩ đến lúc kết thúc ca mổ”. Phẫu thuật thần kinh quả thật như anh chia sẻ, mỗi đường mổ giống như mở một cánh cửa phòng và bác sĩ cần phải đoán biết trước bên trong phòng sẽ như thế nào.
Nghề bác sĩ, như cha của bác sĩ Mạnh Hùng từng dặn dò, nếu phạm sai lầm vẫn có cách nào đó bù đắp nhưng lương tâm thì không thể bù vào. Anh nói công việc nào mà không có cái khó của nó, đôi lúc áp lực trước các ca mổ phức tạp, hay trong lòng không vừa ý một ca mổ nào đó, anh cũng cảm thấy đắn đo, suy nghĩ. Có lúc anh tự hỏi mình đi học y làm gì. Nhưng sự đời, việc gì mà không qua hay không thể giải quyết. Bác sĩ Mạnh Hùng chia sẻ: “Những khi khó khăn như vậy, tôi thường suy nghĩ về mọi ca bệnh đã từng chữa và động viên mình tìm cách vượt qua. Nếu mình cứ buông xuôi thì cũng tầm thường thôi”. Bác sĩ Mạnh Hùng có một trí nhớ đặc biệt vô cùng, anh có thể nhớ cả trăm ca bệnh trước nay của mình. Nhớ bệnh án, nhớ cách điều trị, nhớ cả thân nhân và đôi khi còn nhớ luôn cả bệnh tình của người thân bệnh nhân đó. Lần nữa, tôi thấy việc anh chọn học y và chọn chuyên khoa ngoại thần kinh đều có gì đó rất duyên nợ.
Bác sĩ Hùng chia sẻ, thuở trước trong suy nghĩ về tương lai, anh từng muốn trở thành một nhà ngoại giao được đi đây đi đó, tạo nên một hành trình riêng cho bản thân. Còn công việc giam mình trong 4 bức vách chắc chắn không hợp với mình. Thế mà khi trở thành bác sĩ, ngồi giữa phòng khám, đôi lúc lại thấy không còn nhiều ý định đi lại của ngày trước. Thiết nghĩ, hệ thần kinh con người có thể nói là một bản đồ vĩ đại nhất của tạo hóa. Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng tuy gác lại ước mơ đi muôn nơi của thời thiếu niên, nhưng lại mở ra cho mình một cuộc du hành mới bằng đôi tay tài hoa và khối óc kiên định của một bác sĩ ngoại thần kinh.