Các bài tập vận động khớp thái dương hàm dưới đây có thể sẽ giúp bạn giảm đau khớp thái dương hàm và cải thiện các cử động của cơ nhai, đồng thời giúp bạn mở miệng được dễ hơn. Bạn có thể thực hiện các bài tập vận động khớp thái dương hàm này, vào lúc thuận tiện, để có thể mang lại kết quả tốt.
1. Bài tập thư giãn hàm: để đầu lưỡi nhẹ nhàng lên vòm họng phía sau răng cửa hàm trên. Há miệng nhẹ nhàng trong lúc cơ hàm thư giãn, đầu lưỡi vẫn giữ vị trí chạm mặt trong răng cửa hàm trên. Thực hiện động tác này 6 lần trong một lần tập, và bạn cố gắng thực hiện bài tập này ít nhất 6 lần mỗi ngày.
2. Bài tập mở miệng một phần: đặt lưỡi của bạn lên vòm họng và đặt 1 ngón tay ở phía trước tai, ngay vị trí khớp thái dương hàm. Đặt ngón giữa hay ngón trỏ của tay còn lại của bạn lên cằm. Há miệng (há hàm dưới) một ít (khoảng một nửa biên độ há miệng lớn nhất) sau đó ngậm miệng lại. Bạn sẽ cảm nhận có một lực cản trở nhẹ khi há miệng, nhưng không đau. Một động tác khác của bài tập này là đặt một ngón tay lên khớp thái dương hàm mỗi lần bạn há miệng và ngậm lại. Thực hiện động tác này 6 lần trong một lần tập, và bạn cố gắng thực hiện bài tập này ít nhất 6 lần mỗi ngày.
3. Bài tập mở miệng toàn phần: Giữ đầu lưỡi của bạn đặt phía trên vòm họng phía sau răng cửa hàm trên, đặt một ngón tay lên khớp thái dương hàm và một ngón khác lên cằm. Há miệng lớn hết mức sau đó ngậm lại. Một động tác khác của bài tập này là đặt một ngón tay lên khớp thái dương hàm khi bạn há miệng lớn hết mức. Thực hiên động tác này 6 lần trong 1 lần tập, và bạn cố gắng thực hiện bài tập này ít nhất 6 lần mỗi ngày.
4. Bài tập lùi hàm, hay còn gọi là bài tập tạo dạng “cằm đôi”: Đứng thẳng, đưa hai vai ra phía sau và ngực ưỡn ra trước, đưa cằm (hàm dưới) của bạn lùi vào trong, tạo ra dạng “cằm đôi”. Giữ tư thế đó trong 3 giây. Thực hiên động tác này 6 lần trong 1 lần tập, và bạn cố gắng thực hiện bài tập này ít nhất 6 lần mỗi ngày.
5. Bài tập mở miệng với lực cản: đặt ngón tay cái dưới cằm, mở miệng từ từ, đẩy ngón cái lên cằm nhẹ nhàng để tạo sức cản, giữ 3 tới 6 giây, sau đó khép miệng lại từ từ. Thực hiện động tác này 6 lần trong một lần tập, và bạn cố gắng thực hiện bài tập này ít nhất 6 lần mỗi ngày.
6. Bài tập khép miệng với lực cản: dùng ngón cái và ngón trỏ trên 1 bàn tay nắm giữ vùng cằm, vừa nắm giữ cằm vừa khép miệng nhẹ nhàng lại, sao cho các ngón tay giữ cằm tạo một lực cản nhẹ khi ngậm miệng. Cách này sẽ giúp tập luyện các cơ nhai khỏe hơn. Thực hiện động tác này 6 lần trong một lần tập, và bạn cố gắng thực hiện bài tập này ít nhất 6 lần mỗi ngày.
7. Bài tập đưa lưỡi lên: chạm đầu lưỡi lên vòm họng, phía sau vùng răng cửa trên và từ từ đóng và há miệng. Thực hiện động tác này 6 lần trong một lần tập, và bạn cố gắng thực hiện bài tập này ít nhất 6 lần mỗi ngày.
8. Bài tập chuyển động hàm sang hai bên: đặt vật cắn có bề dầy khoảng 1cm, chẳng hạn như dùng que đè lưỡi xếp chồng lên nhau, hay dùng cục cắn bằng silicone, giữa răng cửa của hai hàm, chầm chậm đưa hàm lần lượt trượt qua hai bên. Khi bài tập này trở nên dễ tập hơn, bạn có thể thay vật cắn dầy hơn khi đặt giữa hai răng cửa của hai hàm, có thể tăng bề dầy bằng cách chồng chúng lên nhau khi đưa hàm qua bên. Thực hiện động tác này 6 lần trong một lần tập, và bạn cố gắng thực hiện bài tập này ít nhất 6 lần mỗi ngày.
9. Bài tập chuyển động hàm về phía trước: đặt vật cắn có bề dầy khoảng 1cm, chẳng hạn như dùng que đè lưỡi xếp chồng lên nhau, hay dùng cục cắn bằng silicone, giữa răng cửa của hai hàm, sau đó đưa hàm dưới ra trước sao cho răng hàm dưới đi ra phía trước so với răng hàm trên. Khi bài tập này trở nên dễ tập hơn, bạn có thể thay vật cắn dầy hơn khi đặt giữa hai răng cửa của hai hàm, có thể tăng bề dầy bằng cách chồng chúng lên nhau khi đưa hàm ra trước. Thực hiện động tác này 6 lần trong một lần tập, và bạn cố gắng thực hiện bài tập này ít nhất 6 lần mỗi ngày.