Bệnh nhân N.T.N (83 tuổi, Đồng Nai) đến khoa Tim Mạch – Bệnh viện FV khám với triệu chứng xây xẩm, chóng mặt, tối sầm mắt. Bệnh nhân được bác sĩ Hoàng Quang Minh khám và chỉ định làm các xét nghiệm, khảo sát cần thiết như: chụp MRI não, siêu âm động mạch cảnh, siêu âm tim, đo điện tim bằng máy Holter theo dõi nhịp tim liên tục trong 24h, ghi nhận nhịp nhanh nhất là 75 lần/ phút và tình trạng tim đập chậm (dưới 60 lần/phút) chiếm đến 80% thời gian theo dõi. Bác sĩ Hoàng Quang Minh nghi ngờ nút xoang có vấn đề nên đã cho bệnh nhân làm thêm nghiệm pháp gắng sức để xác định tần suất tim, kết quả nhịp tim của bà vẫn không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu vận động của cơ thể.
Theo bác sĩ Hoàng Quang Minh, nhịp tim bình thường được tạo ra bởi nút xoang. Nếu nút xoang có vấn đề sẽ khiến khả năng tạo nhịp không còn như trước và dẫn đến nhịp chậm. Điều này thể hiện khi nút xoang mất hoặc kém thích ứng với các thay đổi sinh lý, hoạt động trong ngày. Ở người bình thường, nút xoang phát nhịp 60 – 80 lần/ phút, nhưng khi gắng sức (vận động, tập thể thao…) nút xoang sẽ đáp ứng và phát ra nhịp nhanh hơn, tùy theo nhu cầu cơ thể. Khi nhịp tim tăng không đủ, tim đập chậm, máu sẽ không kịp lên não, bệnh nhân có thể xuất hiện triệu chứng chóng mặt, choáng váng, xây xẩm, thậm chí ngất. Việc đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn là lựa chọn điều trị tối ưu khi nhịp tim chậm ở người lớn tuổi có kèm theo các triệu chứng.
Trường hợp của bà N., sau khi đã loại trừ các bệnh lý liên quan đến não, bác sĩ Hoàng Quang Minh chẩn đoán bệnh nhân bị suy nút xoang có triệu chứng, nhịp chậm xoang gây mất khả năng điều hòa nhịp tim và chỉ định đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn có chức năng đáp ứng và điều hòa nhịp tim.
Thủ thuật được thực hiện tại phòng can thiệp tim mạch Cathlab, sử dụng hệ thống máy Philips DSA hiện đại, tích hợp đa chức năng. Chỉ trong vòng 60 phút, với sự hỗ trợ của hệ thống chụp mạch số hóa nền DSA, bác sĩ Hoàng Quang Minh và ekip đã thực hiện thành công ca phẫu thuật đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn cho bệnh nhân. Sau phẫu thuật bệnh nhân đã cảm thấy khỏe hơn, nhịp tim cải thiện rõ rệt, có thể tự ăn uống, đi lại và xuất viện chỉ sau 5 ngày. Khi nhịp tim không còn chậm, huyết áp ổn định hơn, sức khỏe của bà được cải thiện rõ rệt, con gái bệnh nhân cho biết: ‘’Bà đã có thể tự đi lại một cách thoải mái, thậm chí còn đòi làm việc nhà nhưng gia đình tôi không cho”.
Bệnh nhân N.T.N trong lần tái khám với bác sĩ Hoàng Quang Minh – Bác sĩ điều trị cấp cao, khoa Tim Mạch FV
Đặc biệt, trường hợp của bà N. khi đặt máy tạo nhịp còn được quỹ Bảo hiểm Y tế hỗ trợ chi trả 68 triệu đồng. “Nghe người thân giới thiệu FV thì mình đi thôi chứ không nghĩ là sẽ được bảo hiểm y tế chi trả một phần viện phí. Đến đây, được bác sĩ Minh và các bạn tư vấn và hướng dẫn thủ tục cặn kẽ thì tôi mới biết bệnh viện chuẩn quốc tế cũng được hưởng quyền lợi này” – con gái bệnh nhân tươi cười nói thêm.
Theo bác sĩ Hoàng Quang Minh, nhờ sự hỗ trợ của máy, tần số tim bệnh nhân được duy trì ở mức tối thiểu 60 lần/ phút, giúp giảm thiểu các triệu chứng của bệnh nhân, giảm nguy cơ tim mạch như suy tim do nhịp tim chậm hay giảm trí nhớ do giảm tưới máu não do nhịp tim chậm. Ngoài ra, một đặc điểm nổi trội của máy này là khả năng thay đổi tần số phát xung tạo nhịp, phù hợp với nhu cầu của cơ thể trong những hoàn cảnh khác nhau. Khi bệnh nhân vận động, máy nhận cảm bằng sự thay đổi không khí, từ đó, tăng nhịp tim để đảm bảo cung lượng tuần hoàn, cung cấp đủ năng lượng và oxi cho cơ thể.
Bệnh nhân sẽ được chỉ định đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn khi bị rối loạn nhịp chậm
Rối loạn nhịp chậm có triệu chứng xuất hiện phổ biến ở những người cao tuổi. Bệnh có diễn biến phức tạp và có nhiều hình thái rối loạn nhịp chậm khác nhau. Thông thường, các bệnh nhân sẽ được chỉ định đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn khi bị rối loạn nhịp chậm (dưới 40 lần/ phút) hoặc có những cơn ngưng xoang kéo dài. Nút xoang khi bị suy sẽ không tuân thủ theo sự chỉ huy của hệ thống thần kinh và nội tiết nữa; từ đó gây nên rối loạn nhịp tim, biểu hiện sớm là xen kẽ những cơn nhịp nhanh và cơn nhịp chậm không theo quy luật nào. Bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng cảm giác tim đập chậm, cảm thấy choáng váng, chóng mặt nhẹ, đau đầu nhẹ, thậm chí có thể ngất gây chấn thương, nặng hơn có thể suy tim, ngưng tim đột tử. Vì vậy, chứng suy nút xoang là một bệnh lý loạn nhịp rất nguy hiểm, cần phải được theo dõi chặt chẽ và điều trị kịp thời.
Từ ngày 01/11/2021, Bệnh viện FV chính thức kết hợp cùng Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng phạm vi áp dụng khám chữa bệnh bằng Bảo hiểm y tế nhà nước cho các dịch vụ điều trị kỹ thuật cao tại Trung Tâm Can Thiệp Tim – Mạch (Cardiac Cathlab) FV như:
- Chụp, nong và đặt stent động mạch vành, động mạch mạc treo, động mạch thận…
- Chụp mạch số hóa xóa nền (DSA)
- Thăm dò điện sinh lý và điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng cao tần thông thường
- Đặt máy, thay máy và cập nhật máy tạo nhịp vĩnh viễn, máy phá rung (ICD) và máy tái đồng bộ cơ tim (CRT)
- Các thủ thuật khác theo danh mục kỹ thuật được phê duyệt bởi BHXH
Với việc hợp tác này, bệnh nhân có thể được Bảo hiểm xã hội chi trả lên đến 45% các chi phí điều trị tại bệnh viện FV theo quy định của BHXH, trong đó bao gồm các chi phí phẫu thuật và vật tư cấy ghép, thiết bị y tế và vât tư tiêu hao.
Đồng thời, bệnh nhân có thể áp dụng song song các loại hình bảo hiểm sức khỏe bao gồm bảo hiểm y tế nhà nước, bảo hiểm y tế tư nhân hay bảo hiểm y tế quốc tế.
Khi đến điều trị tại bệnh viện FV, Bệnh nhân cần cung cấp thẻ Bảo Hiểm Y Tế Nhà Nước (BHYT NN) còn hiệu lực sử dụng, CMND/ CCCD và Giấy Chuyển Tuyến phù hợp tại quầy thư ký y khoa và sẽ được hướng dẫn cụ thể.