Bài viết về bệnh cườm nước (Bệnh glaucoma) giúp cung cấp thông tin y khoa đáng tin cậy, do đội ngũ bác sĩ Bệnh viện FV – Bệnh viện đa khoa quốc tế (thuộc Tập đoàn Y tế Thomson) biên soạn.
Bệnh glaucoma (bệnh cườm nước) là nguyên nhân thứ hai gây mù lòa trên thế giới sau bệnh đục thể thủy tinh, tuy nhiên, không giống như bệnh đục thể thủy tinh, tình trạng mất thị lực do bệnh glaucoma phần lớn không thể phục hồi. Một đánh giá của năm 2014 về tỷ lệ mắc bệnh glaucoma trên toàn thế giới ở những người có độ tuổi từ 40-80 cho thấy khoảng 2.5% người mắc bệnh là ở các quốc gia Châu Á.
1. BỆNH GLAUCOMA (bệnh cườm nước) LÀ GÌ?
- Đây là một bệnh lý về mắt mà nguyên nhân là do áp suất của thủy dịch trong mắt tăng đến mức làm tổn thương thần kinh thị giác.
- Tình trạng tăng áp suất xảy ra do lượng thủy dịch sinh ra quá mức hoặc đường dẫn lưu thủy dịch ở trong mắt bị tắc nghẽn.
- Bệnh glaucoma làm giảm thị lực vì khi áp lực trong mắt tăng có thể gây chèn ép các mạch máu nuôi dưỡng cấu trúc thần kinh nhạy cảm ở phía sau mắt.
- Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều tiến triển chậm và bệnh nhân thường không biết tình trạng mất dần thị lực cho đến khi thị lực suy giảm đáng kể.
2. CÁC LOẠI BỆNH CƯỜM NƯỚC (GLAUCOMA)?
Glaucoma góc-mở tiên phát
- Loại glaucoma này chiếm phần lớn tỷ lệ glaucoma tại hầu hết các quốc gia, chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi nhưng cũng có thể xảy ra ở người trung niên. Các thành viên trong gia đình của những người bị bệnh glaucoma sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn vì bệnh này thường liên quan đến yếu tố di truyền.
- Bệnh glaucoma tiến triển chậm và thường không thể nhận biết qua nhiều tháng hoặc nhiều năm. Nhiều người không biết thị lực của mình đang kém đi vì thị lực trung tâm và thị lực gần vẫn còn tốt, trong khi thị lực ban đêm và thị lực ngoại biên đang giảm dần.
- Tình trạng này thường đáp ứng tốt với điều trị nhưng trong một số trường hợp thì cần phẫu thuật để dẫn lưu sự tắc nghẽn trong ống dẫn thủy dịch.
Glaucoma góc-đóng cấp tính
- Đây là loại glaucoma phổ biến nhất ở Việt Nam, thường xảy ra với người trung niên và người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ do sự gia tăng đột ngột và nhanh chóng của áp suất trong mắt. Nếu không được điều trị ngay, thì trong một thời gian ngắn có thể dẫn đến tổn thương mắt vĩnh viễn.
- Không giống như loại glaucoma mãn tính, tình trạng glaucoma cấp tính thường có các triệu chứng rõ ràng như là đau mắt dữ dội, mờ mắt, đỏ mắt, xuất hiện quầng sáng xung quanh nguồn sáng và buồn nôn.
Glaucoma bẩm sinh
- Loại glaucoma này hiếm gặp và xảy ra lúc mới sinh. Mắt của trẻ mở lớn, chảy nước mắt và nhạy cảm bất thường với ánh sáng là các triệu chứng cho thấy cần đưa trẻ đến thăm khám với bác sĩ nhãn khoa.
Glaucoma thứ phát
- Glaucoma thứ phát sẽ do các tình trạng khác gây ra như viêm mắt, khối u trong mắt, phẫu thuật mắt, chấn thương mắt hoặc đục thể thủy tinh ở các giai đoạn nghiêm trọng.
3. NHỮNG AI CÓ NGUY CƠ MẮC BỆNH CƯỜM NƯỚC?
Mọi người cần quan tâm đến bệnh glaucoma và các ảnh hưởng của nó. Điều quan trọng với mỗi chúng ta là nên thực hiện việc kiểm tra mắt định kỳ từ khi sinh ra cho đến khi trưởng thành, vì việc phát hiện và điều trị sớm bệnh glaucoma là cách duy nhất để ngăn chặn tình trạng mất thị lực và mù lòa. Một vài yếu tố liên quan đến bệnh này có khuynh hướng làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho một số người:
- Trên 45 tuổi,
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh glaucoma,
- Tăng nhãn áp bất thường,
- Có:
- Bệnh đái tháo đường,
- Cận thị,
- Sử dụng Steroid/Cortisone thường xuyên và kéo dài,
- Chấn thương mắt trước đây.
4. CHẨN ĐOÁN BỆNH GLAUCOMA (BỆNH CƯỜM NƯỚC) NHƯ THẾ NÀO?
Bác sỹ nhãn khoa có các dụng cụ chẩn đoán khác nhau để hỗ trợ trong việc xác định bệnh nhân có bị bệnh glaucoma hay không ngay cả khi bệnh nhân chưa có bất kỳ triệu chứng gì. Hãy tìm hiểu các dụng cụ này và chức năng của nó:
- Nhãn áp kế: đo áp suất trong mắt bệnh nhân,
- Dụng cụ kiểm tra thị trường: đánh giá thị lực của bệnh nhân, đây là dụng cụ quan trọng để đo mức độ tổn thương thần kinh thị giác của bệnh nhân do bệnh glaucoma,
- Kiểm tra mắt bằng đèn soi đáy mắt: bác sĩ nhãn khoa sử dụng một dụng cụ gọi là đèn soi đáy mắt để quan sát trực tiếp -thần kinh thị giác qua đồng tử.
5. ĐIỀU TRỊ BỆNH CƯỜM NƯỚC (GLAUCOMA) BẰNG CÁCH NÀO?
Nếu tình trạng bệnh được chẩn đoán càng sớm thì cơ hội ngăn chặn việc mất thị giác thành công
càng cao. Mặc dù bệnh glaucoma không thể điều trị, nhưng phần lớn các trường hợp bệnh có thể được kiểm soát thành công. Cách điều trị sẽ phụ thuộc vào loại glaucoma, mà từ đó có thể chỉ định sử dụng thuốc (thuốc nhỏ hoặc thuốc uống), tiến hành phẫu thuật hay điều trị bằng laser.
Điều quan trọng cần lưu ý là tình trạng nhãn áp bình thường sau khi điều trị cho thấy tình trạng bệnh đã được kiểm soát chứ không phải đã được điều trị. Vì vậy, bệnh nhân cần được bác sĩ nhãn khoa theo dõi định kỳ để ngăn ngừa tình trạng mất thị lực nặng hơn.