Hội nghị Truyền máu – Ghép Tủy xương và Tế bào gốc Tạo máu Việt-Pháp lần 6, vừa diễn ra trong hai ngày 21 và 22/10/2022, tại thành phố Quy Nhơn. Chương trình do Bệnh viện Truyền máu Huyết học Tp.HCM phối hợp cùng Trường Đại học C.H.U Grenoble, Trung tâm Truyền máu Grenoble (Pháp) tổ chức. Trưởng Trung tâm Điều trị Ung thư Hy vọng, Bệnh viện FV, bác sĩ Basma M’Barek cũng đã có bài báo cáo đặc biệt tại hội nghị lần này.
Bác sĩ Basma M’Barek – Trưởng Trung tâm Điều trị Ung thư Hy Vọng FV tham dự Hội nghị Truyền máu – Ghép Tủy xương và Tế bào gốc Tạo máu Việt-Pháp lần 6, vừa diễn ra trong hai ngày 21 và 22/10/2022, tại thành phố Quy Nhơn
Hội nghị đã quy tụ hơn 400 người tham dự gồm các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ sư, kỹ thuật viên, các chuyên gia về ghép tế bào gốc có uy tín tại Việt Nam, Pháp và nhiều nơi trên thế giới. Trong 2 ngày, nhiều báo cáo, các công trình nghiên cứu khoa học mới nhất về các lĩnh vực: Ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị bệnh lý huyết học, bệnh lý ung thư; điều trị các biến chứng ghép, nhiễm trùng, nhiễm nấm, nhiễm siêu vi, phản ứng mảnh ghép, truyền máu trong ghép tế bào gốc tạo máu… đã được trình bày.
Đại diện Bệnh viện FV, bác sĩ Basma M’Barek đã trình bày báo cáo về đề tài “Kỹ thuật xạ trị toàn thân – TBI”, cũng như về ca bệnh máu ác tính đầu tiên ở Việt Nam được điều trị bằng kỹ thuật này, trong đó bà là người trực tiếp tham gia chữa trị. Qua đó, các chuyên gia đã đánh giá cao sự đóng góp của Bệnh viện FV vào thành công của ca ghép tủy này, đặc biệt nhấn mạnh việc hầu như không có tác dụng phụ trong quá trình thực hiện xạ trị TBI.
Bác sĩ Basma M’Barek trình bày về kỹ thuật xạ trị toàn thân và ứng dụng của kỹ thuật này vào điều trị
ca bệnh máu ác tính tại Việt Nam
Bác sĩ Basma cũng chỉ ra những thách thức và khó khăn khi thực hiện kỹ thuật TBI ở Việt Nam. Theo bác sĩ Basma, TBI là một kỹ thuật cao, còn khá mới trong nước, muốn thực hiện tốt thì cần một đội ngũ bác sĩ ung bướu chuyên về xạ trị, kỹ thuật viên, điều dưỡng, kỹ sư vật lý… được đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực này.
Bác sĩ Basma cũng nói thêm, ở châu Âu và một số quốc gia khác hiện nay đang tập trung kỹ thuật xạ trị TBI tại một số ít trung tâm, do đặc điểm điều trị tốn nhiều thời gian và cần đội ngũ chuyên môn sâu. Điều này cũng là một hướng đi rất đáng cân nhắc tại Việt Nam. “Tại Bệnh viện FV, chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các ekip ghép tụy, các bác sĩ chuyên khoa huyết học, để thu hẹp khoảng cách về công nghệ và mang đến cho bệnh nhân Việt Nam những phương thức điều trị tốt nhất“, bác sĩ Basma chia sẻ tại hội nghị.
Những năm gần đây, với sự cần mẫn trong việc nghiên cứu các phác đồ điều trị mới và năng động tham gia các hoạt động giao lưu học thuật, bác sĩ Basma M’Barek đã ngày càng xây dựng được uy tín và chứng minh khả năng chuyên môn đối với cộng đồng y khoa trong và ngoài nước. Thông qua các hội nghị tương tự, Bệnh viện FV, cũng như bác sĩ Basma M’Barek mong muốn sẽ đóng góp những bước tiến mới về phương pháp, những cập nhật mới về phác đồ điều trị ung thư mà FV đang làm, hoặc có kế hoạch xây dựng trong tương lai.
Xạ trị toàn thân (Total Body Irradiation – TBI) là phương pháp xạ trị kỹ thuật cao, khi toàn bộ cơ thể được điều trị bằng bức xạ. Bức xạ trong TBI được dùng ở liều lượng thấp để vừa có thể tiêu diệt tế bào tủy xương và các tế bào ung thư còn sót lại, nhưng các mô bình thường vẫn có thể tự chữa lành. Kỹ thuật này thường được thực hiện dưới 2 mục đích:
- Dùng để ức chế hệ thống miễn dịch của bệnh nhân và ngăn chặn việc đào thải tủy ghép, khi người bệnh được cấy ghép tủy xương hoặc tế bào gốc.
- Dùng để tiêu diệt các tế bào bất thường còn sót lại, khi các liệu pháp điều trị ung thư khác như phẫu thuật, hóa trị, chiếu xạ cục bộ… không giúp đạt kết quả mong muốn trong điều trị.
Để đặt hẹn tư vấn và điều trị tại Trung tâm Điều trị Ung thư Hy Vọng, vui lòng liên hệ: (028) 5411 3333 – Máy nhánh 5000.