Căn bệnh ung thư thường được ví như ‘bản án’ treo lơ lửng trên đầu người bệnh. Đây cũng là điều khiến BS CKII. Đỗ Tường Huân – Chuyên gia về phẫu thuật ung thư vùng đầu cổ trăn trở, từ đó tìm ra những cách điều trị tối ưu, giúp bệnh nhân chiến thắng bệnh tật.
Bác sĩ Đỗ Tường Huân, người có 20 năm kinh nghiệm phẫu thuật ung thư đầu cổ phức tạp
Phẫu thuật ung thư đầu cổ: Cần trú trọng cả chức năng và thẩm mỹ cho bệnh nhân
Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP.HCM từ năm 1998, đến nay BS CKII. Đỗ Tường Huân đã có hơn 20 năm gắn bó với chuyên ngành phẫu thuật ung thư đầu cổ và trực tiếp phẫu thuật điều trị cho hàng ngàn ca bệnh.
Khi còn làm việc tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, vị bác sĩ trẻ ngày ngày chứng kiến cảnh người bệnh bị căn bệnh ung thư quái ác hành hạ đau đớn với nhiều di chứng nặng nề. Điều đó thôi thúc anh luôn nỗ lực học hỏi nâng cao tay nghề, mong tìm ra những cách phẫu thuật tốt nhất, hạn chế biến chứng, tăng thẩm mỹ cho người bệnh.
“Phẫu thuật đầu cổ là lĩnh vực có nhiều thách thức vì cấu trúc giải phẫu tương đối phức tạp. Trong đó, thách thức lớn nhất trong việc điều trị các bệnh ung thư vùng đầu cổ là ngoài việc nỗ lực chữa khỏi bệnh thì còn phải đảm bảo thẩm mỹ và chức năng vùng đầu cổ, giúp người bệnh hòa nhập tốt với đời sống sau điều trị. Tuy nhiên đây cũng là lĩnh vực cuốn hút tôi, nên tôi lựa chọn theo chuyên ngành này”, bác sĩ Huân chia sẻ.
Say mê công việc, bác sĩ Huân luôn tận dụng các cơ hội học hỏi, đào sâu chuyên môn trong lĩnh vực phẫu thuật ung thư đầu cổ. Bác sĩ Huân cho biết, là một bác sĩ phẫu thuật ung thư, ngoài tay nghề vững vàng thì cần có một khả năng đồng cảm, thấu hiểu người bệnh, bởi hầu như ai khi phát hiện ra mình mắc bệnh ung thư đều vô cùng tuyệt vọng. Anh luôn cố gắng dành nhiều thời gian nhất có thể để giải thích, động viên bệnh nhân, giúp họ vững tinh thần chiến đấu bệnh tật.
Tháng 10/2022, bác sĩ Huân chính thức tham gia đội ngũ khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện FV với vị trí Bác sĩ phẫu thuật ung thư vùng đầu cổ. Đây có thể được xem là một bước ngoặt trong sự nghiệp của anh.
Bác sĩ Huân tư vấn cho bệnh nhân tại Bệnh viện FV
Nói về lý do chọn Bệnh viện FV là nơi gắn bó quan trọng trong sự nghiệp của bản thân, bác sĩ Huân cho biết, anh muốn phát triển nghề nghiệp của mình ở một tầm cao mới. Bệnh viện FV tập hợp đội ngũ bác sĩ giỏi, có phòng mổ hiện đại, đầu tư hẳn một trung tâm ung bướu rất phát triển là Trung Tâm điều trị Ung thư Hy Vọng, với các phương tiện hỗ trợ điều trị ung thư rất tốt như xạ trị ngoài, xạ trị bằng đồng vị phóng xạ, giải phẫu bệnh kèm theo cắt lạnh… Hơn nữa, FV là một bệnh viện đa khoa quốc tế, với đầy đủ các chuyên khoa, nên việc điều trị có sự phối hợp liên chuyên khoa, mang lại sự thuận tiện nhanh chóng trong việc điều trị cho bệnh nhân.
“Tôi cũng như các đồng nghiệp trong ngành ung thư đều mong muốn tìm ra các phương pháp điều trị tối ưu cho người bệnh, khai thác tối đa lợi ích từ cơ sở vật chất hiện đại, đem lại sự tiện lợi và chất lượng điều trị cao nhất cho bệnh nhân. Không có niềm vui nào bằng khi thấy bệnh nhân của mình chiến thắng ung thư, tự tin lạc quan trở lại cuộc sống. Nụ cười của họ bên người thân sau mỗi ca phẫu thuật thành công là động lực để chúng tôi luôn cố gắng trau dồi chuyên môn và nâng cao chất lượng của từng ca mổ”, bác sĩ Huân bày tỏ.
Cùng với các đồng nghiệp tại FV, bác sĩ Huân mong muốn phát triển nơi đây thành địa chỉ tin cậy cho các bệnh nhân trong và ngoài nước khi cần phẫu thuật điều trị các bệnh lý ung bướu nói chung và ung thư vùng đầu cổ nói riêng. Mục tiêu không chỉ là điều trị khỏi cho cho bệnh nhân, mà còn phải đảm bảo yếu tố thẩm mỹ và chức năng sau điều trị.
Chuyên gia dày dạn kinh nghiệm trong điều trị ung thư tuyến giáp
Theo bác sĩ Huân, ung thư vùng đầu cổ thường gặp gồm ung thư tuyến giáp, tuyến nước bọt mang tai và dưới hàm, ung thư da vùng đầu cổ. Trong số đó thì ung thư tuyến giáp là phổ biến nhất, lứa tuổi thường gặp là trung niên (45-50 tuổi), tuy vậy đôi khi có thể gặp ở cả thiếu niên 10-14 tuổi.
Bác sĩ Huân cho biết, ung thư tuyến giáp có tỷ lệ chữa khỏi cao: tiên lượng cơ hội sống sau 5 năm của bệnh ung thư tuyến giáp biệt hóa tốt đạt 98-99%, cơ hội khỏi bệnh sau 10 năm đạt 90% trở lên. “Thông thường có thể nhầm lẫn giữa bướu giáp lành tính và ác tính. Tuy nhiên các bướu giáp có bằng chứng lành tính trong phần lớn trường hợp nên người bệnh không nên quá lo lắng khi phát hiện có nhân giáp”, bác sĩ Huân cho biết.
Bác sĩ Huân cho biết, dễ nhầm giữa bướu giáp lành tính và bướu giáp ác tính
Khi phát hiện có bướu giáp thì người bệnh nên đến cơ sở y tế hoặc đơn vị chuyên khoa ung bướu để thăm khám. Người bệnh sẽ được sinh thiết để chẩn đoán kỹ hơn, nếu nghiêng về ác tính thì tiến hành phẫu thuật. Ở giai đoạn bướu nhỏ, bác sĩ cân nhắc chỉ cắt một phần, nếu phát hiện trễ sẽ phải cắt hết tuyến giáp. Ở giai đoạn trễ, bướu có thể đã lan rộng ở vùng cổ và xâm lấn vào các cơ quan khác gây khàn tiếng, khó thở, nổi hạch cổ….
“Điều khiến bác sĩ phẫu thuật điều trị ung thư tuyến giáp lo lắng nhất chính là biến chứng ảnh hưởng sau phẫu thuật, đặc biệt là ảnh hưởng đến giọng nói. Do khi phẫu thuật có thể ảnh hưởng đến các sợi thần kinh điều khiển tiếng nói. Các sợi này từ nhỏ đến rất nhỏ, mắt thường từ thấy được đến không thấy được, nên lúc mổ phải lưu ý. Bên cạnh đó là nguy cơ ảnh hưởng đến tuyến cận giáp điều hòa canxi trong máu. Việc tránh ảnh hưởng đến các tuyến cận giáp này cũng là vấn đề khó đối với các bác sĩ phẫu thuật, đòi hỏi quá trình phẫu thuật phải tỉ mỉ, nhẹ nhàng”, bác sĩ Huân chia sẻ thêm.
Tại Bệnh viện FV, bệnh nhân ung thư có thể được điều trị kết hợp bằng nhiều phương pháp tại cùng một điểm, với sự phối hợp liên chuyên khoa, trong đó có Trung Tâm điều trị Ung thư Hy Vọng với đầy đủ trang thiết bị, luôn cập nhật các kỹ thuật điều trị ung thư tiên tiến nhất. Các bác sĩ sẽ cùng hội chẩn, chọn lựa phương thức điều trị cá nhân hóa cho từng bệnh nhân: phẫu thuật, phóng xạ I 131, điều trị nội tiết… mục đích là đảm bảo hiệu quả điều trị tối ưu, giảm các biến chứng, giúp bệnh nhân có chất lượng sống cao sau điều trị.
Trung tâm điều trị Ung thư Hy Vọng của Bệnh viện FV, chuyên điều trị các bệnh lý ung thư (Ảnh FV)
Để phòng tránh các bệnh về tuyến giáp, bác sĩ Huân cho biết, người dân cần xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, không quá thừa hay quá thiếu I-ốt. “Để biết chính xác cơ thể thừa hay thiếu I-ốt có thể thông qua xét nghiệm máu. Tuy nhiên cách này ít dùng. Vì vậy, một lưu ý chung đó là đối với người thành phố có chế độ ăn uống đầy đủ, thức ăn phong phú đa dạng nên thường sẽ không bị thiếu I-ốt. Ngược lại, những người ở vùng sâu vùng xa thì dễ có nguy cơ thiếu I-ốt, cần bổ sung nhiều hơn.
Để đặt hẹn khám bệnh với BS CKII. Đỗ Tường Huân khoa Tai Mũi Họng, vui lòng liên hệ: (028) 54 11 33 33, máy nhánh 7711.