17 năm hoạt động trong lĩnh vực tim mạch can thiệp, ông đã điều trị thành công hơn 10.000 ca với tỷ lệ tử vong chỉ dưới 0,1%. Ông là Bác sĩ Huỳnh Ngọc Long, một trong những bác sĩ đầu ngành về tim mạch tại Việt Nam. Từ tháng 7/2017, ông đã chính thức đảm nhận vị trí Trưởng khoa Tim mạch – Bệnh viện FV, cùng ban Giám đốc và các đồng nghiệp thiết lập phòng Thông tim can thiệp tại Bệnh viện FV.
Năm 1999, khi mà khái niệm thông tim còn hết sức mới mẻ tại Việt Nam thì bác sĩ Huỳnh Ngọc Long đã là một trong ba người đầu tiên ở phía Nam được chọn đào tạo chuyên ngành thông tim can thiệp tại bệnh viện Broussais và European George Pampidou. Trở về nước vào năm 2001, ông chuyên sâu vào lĩnh vực thông tim và theo đuổi cho đến nay.
Chuyên trị các bệnh Tim mạch
Trước khi về làm Trưởng khoa Tim mạch – Bệnh viện FV, bác sĩ Long từng làm Phó khoa Thông tim can thiệp của Viện Tim TP.HCM. Suốt 17 năm qua, ông đã điều trị thành công hơn 10.000 ca bệnh tim mạch với tỷ lệ tử vong dưới 0,1%. Trong số đó có không ít ca, bệnh nhân đã ngưng tim, ngưng thở.
Vào ngày 23/6/2017 vừa qua, trong khi đang phẫu thuật tại Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM), bác sĩ Long nhận được tin báo một bệnh nhân vừa ngưng tim tại phòng cấp cứu. Bệnh nhân được khẩn trương đưa lên phòng thông tim. Các bước truy tìm “thủ phạm” bao gồm chích động mạch đùi, đưa ống thông có đường kính 2 mm đến tận tim, chụp mạch vành có cản quang.
Sau khi xác định nguyên nhân tắc hoàn toàn ở đoạn gần động mạch liên thất trước, vốn là mạch máu nuôi tim quan trọng, bác sĩ Long tiến hành nong bóng 2,5 x 15 mm với áp lực 16 atmosphere, đặt stent phủ thuốc 3,5 x 22 mm, áp lực 14 atmosphere.
Chỗ tắc được khai thông, dòng máu lưu thông trở lại bình thường chỉ trong chưa đầy 20 phút. Đây là một con số đáng tự hào về tay nghề so với các bác sĩ trên thế giới. Ngày hôm sau, bệnh nhân đã tỉnh lại trong niềm vui khôn xiết của gia đình và tập thể y bác sĩ.
Bên cạnh chuyên môn Thông tim can thiệp, bác sĩ Long còn điều trị bằng phương pháp Nội khoa đối với các bệnh lý như cao huyết áp, cơ tim giãn nở, vv… Hồi đầu năm nay, ông đã đưa một bệnh nhân suy tim nặng từ cõi chết trở về.
Anh H. (sinh năm 1992) gặp bác sĩ Long trong tình trạng suy tim cấp độ IV, buồng tim giãn to đến 82 mm (so với mức thông thường dưới 52 mm), hở van 2 lá 4/4 (so với mức thông thường ¼), phân suất tống máu (FE) chỉ còn 17% (so với mức thông thường trên 55%). Anh từng nhập viện một thời gian nhưng bị trả về với nhận định nếu muốn sống thì buộc phải thay tim hoặc dùng máy trợ tim. Cả thể trạng lẫn tinh thần anh đều giảm sút trầm trọng, chỉ còn tư tưởng chờ chết.
Bác sĩ Huỳnh Ngọc Long đã phải dành đến 2 giờ đồng hồ thuyết phục anh H. thay đổi tư tưởng, sẵn sàng hợp tác điều trị. Sau đó là giai đoạn dùng thuốc kết hợp với chế độ ăn uống và luyện tập. Từ chỗ hoàn toàn tuyệt vọng, anh đã dần lấy lại sự lạc quan. Sau 5 tháng điều trị, các chỉ số đã gần trở về bình thường với tình trạng tim hết suy, chỉ số FE tăng lên 44%, buồng tim giảm còn 62mm, hở van hai lá còn ¼ (hết hở). Giờ đây đã trở về với cuộc sống, anh H xúc động cho biết, bác sĩ Long chính là vị ân nhân mà anh dành tình cảm đặc biệt chỉ sau cha mẹ mình.
Bác sĩ của cả trẻ em và người lớn
Bác sĩ Huỳnh Ngọc Long tốt nghiệp Bác sĩ Nhi khoa loại giỏi tại trường Đại học Y dược TP.HCM năm 1989, là một trong 18 người đỗ đầu niên khóa 1983 – 1989.
Ra trường, ông về công tác tại phòng cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh. Do tình trạng thiếu nhân lực, bệnh viện khi đó cần một bác sĩ điều trị cho cả trẻ em và người lớn. “Vốn là bác sĩ Nhi nhưng để đáp ứng công tác, tôi đã phải đóng cửa phòng suốt 2 tuần, ôn lai tất cả kiến thức trước khi bắt tay vào công việc, vì có sự khác biệt lớn về bệnh tật cũng như cách điều trị giữa trẻ em và người lớn”, ông nhớ lại.
Và trong 6 năm từ 1989 – 1995, mỗi ngày ông xử lý 40-50 ca cấp cứu, bao gồm: nhồi máu cơ tim, sốc tim, sốt rét ác tính, viêm màng não, sốt xuất huyết, viêm ruột hoại tử, ngộ độc vv…, góp phần giảm đáng kể tỉ lê tử vong cho cả trẻ em và người lớn tại đây.
Ngay cả khi điều kiện vật chất thiếu thốn thì bác sĩ Long vẫn làm nên những kỳ tích. Ông từng bóp tim, hà hơi, thổi ngạt trong suốt 7 giờ đồng hồ để cứu sống một em bé 8 tháng tuổi, ngưng thở sau khi bị té ngã vào năm 1991. “Thông thường sau 30 phút nếu không có biến chuyển thì có thể kết luận là bệnh nhân không qua khỏi. Nhưng tôi vẫn cảm nhận một dấu hiệu nào đó và có niềm tin rằng có thể cứu sống bệnh nhân nên đã không bỏ cuộc”, bác sĩ Long nhớ lại. Cô bé ngày nào giờ đây đã tốt nghiệp đại học và có cuộc sống như những người bình thường, là nhờ vào nỗ lực phi thường của người bác sĩ năm xưa.
Chung tay xây dựng phòng Thông tim can thiệp – Bệnh viện FV
Ở cương vị Trưởng khoa Tim mạch – Bệnh viện FV, bác sĩ Huỳnh Ngọc Long đang nỗ lực cùng tập thể y bác sĩ và nhân viên xây dựng Trung tâm Thông tim can thiệp FV với chất lượng chuyên môn cao, mang đến sự an tâm tuyệt đối cho bệnh nhân và gia đình. Cùng với máy móc thiết bị hiện đại sẵn có, Bệnh viện FV cũng đầu tư thêm máy chụp mạch vành thế hệ mới nhất mang tên Allura XPER FD20 của hãng Philips. Bác sĩ Long cho biết, loại máy này cho chất lượng hình ảnh rõ nét, đồng thời giảm lượng tia X tác động lên bác sĩ và bệnh nhân trong phòng chụp. Bên cạnh đó là các máy thăm dò điện sinh lý và cắt đốt trong tim, máy Đồng bộ tâm nhĩ – tâm thất (CRT), máy phá rung trong tim (ICD), máy CT 128 slices, vv…
Rời Viện Tim TP.HCM sau 17 năm công tác, nhiều người tỏ ra tiếc cho bác sĩ Long khi từ bỏ một vị trí quan trọng tại một trong những cơ sở y tế lớn nhất thành phố. Tuy nhiên, khi quyết định gia nhập đội ngũ FV, bác sĩ Long coi đây là một thách thức kế tiếp trong sự nghiệp của mình.
Với kinh nghiệm dày dạn trong cả chuyên môn và quản lý, ông không chỉ được kỳ vọng cứu chữa cho càng nhiều bệnh nhân càng tốt, mà còn là người tổ chức bộ máy vận hành, tuyển dụng bác sĩ và tiến hành đào tạo họ về thông tim can thiệp. Đây cũng là một thế mạnh khác của bác sĩ Long khi ông từng trực tiếp đào tạo đội ngũ bác sĩ thông tim can thiệp và hỗ trợ xây dựng thành công khoa Thông tim can thiệp cho hơn 20 bệnh viện trong cả nước.
Dự kiến, phòng Thông tim can thiệp FV sẽ đi vào hoạt động từ đầu năm 2018. Xa hơn nữa, bệnh viện FV đang tiến tới kết hợp phòng Thông tim với đơn vị phẫu thuật mạch máu để thành lập một trung tâm Tim mạch toàn diện mà bác sĩ Huỳnh Ngọc Long là một trong những nhân vật chủ chốt.
Bác sĩ Huỳnh Ngọc Long
Năm 1989: tốt nghiệp Bác sĩ Nhi khoa loại giỏi tại trường Đại học Y dược TP.HCM
Từ năm 1989 – 1995: Bác sĩ cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh
Năm 1995: hoàn thành Chuyên khoa I về Nhi khoa và trúng tuyển bác sĩ tại Viện Tim TP.HCM
Năm 2001: tốt nghiệp văn bằng hai về tim mạch can thiệp tại Pháp
Từ năm 2001 – 1017: Phó khoa Thông tim can thiệp tại Viện Tim TP.HCM
Năm 2009: hoàn thành Chuyên khoa II về Tim mạch Nhi tại trường Đại học Y Dược TP.HCM.
Bác sĩ Huỳnh Ngọc Long nổi tiếng trong giới chuyên môn với các lĩnh vực điều trị tim mạch bằng cả phương pháp Nội khoa và Thông tim can thiệp.
NỘI KHOA
- Điều trị cao huyết áp (duy trì huyết áp ổn định, thậm chí là điều trị hết cao huyết áp)
- Điều trị cơ tim giãn nở (bệnh nan y, khó truy tìm nguyên nhân)
THÔNG TIM CAN THIỆP
- Nong mạch vành (cấp cứu và chương trình)
- Bít lỗ thông trong tim (thông liên nhĩ, liên thất, tồn tại ống động mạch)
- Nong hẹp van hai lá bằng bóng Inoue (áp dụng cho các bệnh nhân không thuận lợi cho cuộc phẫu thuật)
- Nong mạch máu ngoài tim (đặt stent graft phình động mạch chủ ngực, hẹp động mạch chủ)
- Nong động mạch thận, chậu, đùi…