BS NGUYỄN MẠNH HÙNG: “ĐỐI XỬ BỆNH NHÂN NHƯ NGƯỜI NHÀ LÀ LẼ TỰ NHIÊN“

Áp lực từ hàng nghìn ca phẫu thuật thần kinh suốt hơn hai thập kỷ đã trui rèn nơi bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng bản lĩnh và linh tính bén nhạy để không ít lần kéo bệnh nhân khỏi lằn ranh sinh tử.

Trở thành bác sĩ Ngoại thần kinh – một trong những chuyên khoa được đánh giá là thách thức bậc nhất ngành y – bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng đặt ra nhiều nguyên tắc nghề nghiệp. Đứng hàng đầu trong số đó là quan niệm “xem bệnh nhân như người nhà mà giúp đỡ”.

Bản lĩnh của người chinh phục thử thách

Một trưa thứ bảy đầu tháng 5, khi đang chuẩn bị cho ca phẫu thuật được lên lịch trước đó, bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng nhận cuộc gọi gấp từ khoa cấp cứu. Một bệnh nhân bị xuất huyết não đang nhập viện trong trạng thái nguy kịch.

“Ca này Glasgow 3 điểm” là cập nhật nhanh chóng mà các bác sĩ cấp cứu cung cấp cho bác sĩ Hùng. Glasgow là thang đo ý thức của bệnh nhân bị tổn thương não cấp tính. Thông thường, với các ca Glasgow 3 điểm, bệnh nhân đã mất ý thức hoàn toàn, hướng dẫn y khoa quốc tế dành cho các bác sĩ là việc phẫu thuật không giúp ích gì thêm.

Tuy nhiên, linh tính bén nhạy tích lũy từ kinh nghiệm điều trị hàng ngàn ca phẫu thuật đã lóe lên trong anh một suy nghĩ ngược dòng táo bạo: biết đâu đây có thể là một ca ngoại lệ trong hàng nghìn ca Glasgow 3 điểm?

 

 

 

Ngày làm việc của Bs Nguyễn Mạnh Hùng luôn kín lịch với các ca mổ và hội chẩn nhưng không bao giờ thiếu những buổi thăm khám bệnh nhân sau mổ
Ngày làm việc của Bs Nguyễn Mạnh Hùng luôn kín lịch với các ca mổ và hội chẩn nhưng không bao giờ thiếu những buổi thăm khám bệnh nhân sau mổ

“Đôi khi trong y khoa, linh tính của bác sĩ có thể giúp cứu sống được bệnh nhân. Sự khác biệt của những trường hợp ngoại lệ là rất nhỏ và không phải lúc nào cũng có thể nhìn thấy một cách rõ ràng, mà thường được quyết định bằng linh tính của người thầy thuốc”, bác sĩ Hùng nhớ lại. Và anh quả quyết cùng ê-kip thực hiện gấp ca phẫu thuật đặt ống dẫn lưu để giảm bớt áp lực lên não và cho phép máu lưu thông, nhờ vậy cứu sống bệnh nhân trong gang tấc.

“Toàn bộ quá trình thực hiện ca mổ chỉ 5 phút thôi, nhưng là 5 phút cực kỳ căng thẳng. Và khi thành công ở bước đầu tiên, điều duy nhất tôi nghĩ đến là tiếp theo mình sẽ phải thực hiện những gì để giúp bệnh nhân hồi phục”, bác sĩ Hùng nhớ lại. Sau đó, anh cùng đồng nghiệp thực hiện nhiều bước điều trị phức tạp khác. Nhờ vậy, bệnh nhân hồi phục dần các chức năng, đã xuất viện để tiếp tục được điều trị tại nhà.

Đó là một trong số rất nhiều lần bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng đối mặt với những thử thách cao độ trong chuyên môn. Là trưởng khoa Ngoại thần kinh , thực hiện hàng trăm ca phẫu thuật mỗi năm, song với bác sĩ Hùng những khoảnh khắc kéo bệnh nhân ra khỏi lằn ranh sinh tử như vậy luôn mang đến cho anh nhiều cảm xúc nhất.

 Mỗi ca phẫu thuật là một thử thách mà bác sĩ Hùng cần chinh phục.
Mỗi ca phẫu thuật là một thử thách mà bác sĩ Hùng cần chinh phục.

Không có chuyên khoa nào trong y học là dễ dàng và mọi bác sĩ phẫu thuật đều phải nỗ lực hết mình trong công việc cứu người. Tuy nhiên, phẫu thuật thần kinh vẫn thường được đánh giá là chuyên ngành đầy thách thức. Bác sĩ phẫu thuật thần kinh cần có kiến ​​thức sâu rộng về não, cột sống và các chức năng của chúng. Đây là một cơ quan vô cùng phức tạp, với nhiều hệ thống liên kết với nhau liên quan đến tất cả các cơ quan và tuyến chính.

“Ai cũng biết học Ngoại thần kinh là một chặng đường gian nan, phẫu thuật thần kinh, não và cột sống – những bộ phận chịu trách nhiệm điều khiển cả cơ thể – không dễ dàng chút nào. Song tôi là người thích thử thách và thích làm những việc mà người khác thường cho là ‘khó khăn’. Chính ‘việc khó’ mang đến niềm vui cho bản thân tôi”, bác sĩ Hùng nói về cơ duyên theo đuổi chuyên khoa Ngoại thần kinh.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng đã có cơ hội trui rèn ở nhiều môi trường điều trị cho bệnh nhân nặng, luôn cận kề ranh giới sinh tử với áp lực rất cao lên vai người thầy thuốc. Từ sinh viên của ĐH Y Dược TP.HCM đến bác sĩ nội trú tại BV Nhân dân Gia Định rồi đầu quân về Bệnh viện FV, từng chặng đường bác sĩ Hùng trải qua đều là cơ hội giúp anh trau dồi kinh nghiệm phong phú, nâng cao năng lực lẫn bản lĩnh vững vàng.

Bên cạnh bề dày kinh nghiệm, bác sĩ Hùng được các đồng nghiệp nể phục khi đã tiếp nhận và điều trị thành công nhiều ca bệnh nhân chấn thương sọ não nặng, trong đó có ca bệnh nhân đã rơi vào trạng thái thực vật nhiều tháng. Bệnh nhân trước đó được điều trị ở nhiều đơn vị y khoa khác nhau nhưng tình hình ngày càng xấu đi, thậm chí gia đình bệnh nhân đã nhận được lời khuyên nên chuẩn bị hậu sự cho ông.

“Chấn thương sọ não, khuyết hộp sọ, nhiễm trùng, viêm phổi nặng, sống thực vật… gần như những thứ phức tạp và nguy hiểm nhất đều gom lại trên người bệnh nhân này. Nhưng khi nhìn thấy vẫn còn chút cơ hội cứu chữa cho bệnh nhân, tôi đã quyết tâm làm hết sức mình”, bác sĩ Hùng cho hay. Sau 80 ngày điều trị, bệnh nhân dần hồi phục, có thể nói được, ngồi dậy và đi lại với sự trợ giúp của người nhà và được xuất viện về với gia đình.

Bác sĩ Hùng bộc bạch, chính những giây phút cân não khi cùng bệnh nhân giành giật mạng sống ngay lằn ranh sinh tử như thế đã cho anh sự nhạy cảm nghề nghiệp, giúp anh có những phán đoán và ra nhiều quyết định táo bạo, vượt khỏi các chỉ dẫn y khoa.

“Thật ra, có rất ít sự ngoại lệ hay hy hữu trong y khoa. Nhưng với linh tính và sự nhạy cảm nghề nghiệp, đôi khi người bác sĩ sẽ nhận ra được cơ hội hy hữu ấy. Và khi tôi biết mình có thể tìm ra phương án, có giải pháp giúp được bệnh nhân, cứu sống họ, thì dù có khó khăn hơn hay thử thách nhiều đến mức nào đi chăng nữa, tôi vẫn tỉnh táo và quyết đoán để ra quyết định điều trị”, vị trưởng khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện FV bày tỏ.

‘Cầu toàn là yêu cầu đầu tiên tôi đặt ra cho chính mình’

Đam mê nghiên cứu, thực hành qua nhiều năm đã giúp bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng tích lũy được kinh nghiệm phong phú, cùng khả năng xử lý tình huống nhanh chóng, chuẩn xác. Song song với tay nghề được trui rèn hơn hai thập kỷ cầm dao mổ, anh luôn có nguyên tắc riêng của mình khi điều trị cho bệnh nhân.

“Bất cứ một thao tác nào của bác sĩ đều liên quan đến mạng sống của bệnh nhân vì thế sự cầu toàn là yêu cầu đầu tiên tôi đặt ra cho chính mình. Vì vậy, bất cứ khâu nào trong quá trình điều trị tôi đều đặt toàn bộ sự tập trung vào đó. Chẳng hạn như sau khi phẫu thuật xong, việc khâu vết mổ nhiều người khác có thể để các bác sĩ hỗ trợ thực hiện, nhưng với tôi thì không. Việc khâu vết mổ của tôi thường lâu hơn đồng nghiệp, bởi vì tôi muốn đảm bảo sự hoàn hảo và hoàn thiện ở mức cao nhất”, bác sĩ Hùng chia sẻ.

Sự cầu toàn của vị trưởng khoa Ngoại thần kinh cũng gây ấn tượng đặc biệt cho những người làm việc cùng anh. Chia sẻ về bác sĩ Hùng, chị Bùi Thị Na – Trưởng nhóm điều dưỡng tại khoa Ngoại – bày tỏ lúc nào chị cũng bất ngờ về nguồn năng lượng mà bác sĩ Hùng dành cho công việc.

 

Ân cần với bệnh nhân như người nhà là nguyên tắc làm việc của bác sĩ Hùng.
Ân cần với bệnh nhân như người nhà là nguyên tắc làm việc của bác sĩ Hùng.

“Có những ca mổ từ sáng tới chiều, phẫu thuật xong việc đầu tiên bác sĩ Hùng làm là lên thăm khám, hỏi thăm tỉ mỉ tình hình của từng bệnh nhân điều trị nội trú. Anh quên cả ăn ngủ vì công việc là chuyện hết sức bình thường”, chị Na chia sẻ.

Ngoài triết lý cầu toàn trong công việc, bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng đưa nguyên tắc “xem bệnh nhân như người nhà mà giúp đỡ” lên đầu tiên trong số các nguyên tắc nghề nghiệp của mình.

“Khi bệnh nhân tìm đến mình, tức là họ giao phó cả tính mạng cho mình, thì bác sĩ phải giúp họ hết sức. Bố tôi cũng là bác sĩ, từ bé hình ảnh ông ân cần với bệnh nhân đã khắc sâu vào tâm trí, tôi xem việc đối xử với bệnh nhân như người nhà là một lẽ tự nhiên phải thế”, bác sĩ Hùng bày tỏ.

 

Vị trưởng khoa trẻ tuổi luôn trân trọng những món quà tinh thần từ bệnh nhân.
Vị trưởng khoa trẻ tuổi luôn trân trọng những món quà tinh thần từ bệnh nhân.

Anh cũng trân trọng những tình cảm của bệnh nhân, coi đó là động lực để sống hết mình với nghề. Chính vì thế, anh giữ lại tất cả những tấm thiệp tri ân của bệnh nhân, trong số đó có cả bức chân dung anh do chính người bệnh khắc họa. Không gian làm việc của vị trưởng khoa Ngoại thần kinh có một khu vườn nhỏ được tạo nên từ chính những món quà tri ân của bệnh nhân.

“Ban đầu tôi chỉ để một chậu cây nhỏ vì tôi thích chăm sóc cây cảnh. Thế rồi bệnh nhân đến khám, họ thấy tôi yêu cây nên tặng thêm nhiều chậu nho nhỏ khác, bây giờ thành một ‘khu vườn’ luôn”, bác sĩ Hùng hài hước chia sẻ.

Dẫu lịch phẫu thuật dày đặc, công việc quản lý bận rộn, thậm chí anh còn thu xếp tới nhà thăm khám cho một số ca bệnh đặc biệt…, song vị trưởng khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện FV vẫn bày tỏ mong muốn giảng dạy, hỗ trợ đào tạo nên những phẫu thuật viên giỏi trong tương lai.

“Tôi rất muốn truyền đạt những kinh nghiệm, những gì mình đã trải qua, đã học được cho các thế hệ bác sĩ trẻ. Tôi nghĩ việc giảng dạy và làm việc với các bạn cũng sẽ giúp mình học được nhiều thứ”, vị trưởng khoa trẻ nói thêm.

Sau cuộc trao đổi, bác sĩ Hùng lại vội vã với lịch thăm khám cho các bệnh nhân điều trị nội trú trước khi bước vào ca mổ buổi chiều. Sải những bước dài, bóng anh nhanh chóng khuất vào hành lang bệnh viện, nơi rất nhiều bệnh nhân và người nhà của họ đang mong chờ vị trưởng khoa trẻ tài năng tiếp thêm niềm tin và sức mạnh cho hành trình điều trị.