14 giờ ngày 10/06, ông L.C.S. (67 tuổi, quốc tịch Singapore) thấy khó thở, tức ngực, choáng váng, ngất tại nhà và được người nhà đưa đến Khoa Cấp cứu – Bệnh viện FV. Khi nhập viện, huyết áp của bệnh nhân giảm còn 88/57mmHg và nhịp tim cũng chỉ 40-50 nhịp/phút. Kết quả điện tâm đồ (ECG) cho thấy bệnh nhân có dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp. Ngay lập tức, quy trình cấp cứu tim mạch được kích hoạt, bệnh nhân được nhanh chóng chuyển lên phòng can thiệp tim mạch (Cardiac Cathlab) của FV.
14 giờ 20 cùng ngày, khi các bác sĩ chuẩn bị thực hiện thủ thuật thông tim can thiệp thì bệnh nhân bị ngưng tim. Các bác sĩ phải tiến hành ép tim, sốc điện, đặt nội khí quản và trợ tim bằng thuốc trong khoảng 10 phút trước khi tiến hành nong mạch vành cho bệnh nhân.
Dưới sự hỗ trợ của máy chụp mạch xóa nền kỹ thuật số thế hệ mới Philips DSA FD20, từ cổ tay, các bác sĩ đưa một ống thông cực nhỏ di chuyển trong lòng mạch máu về phía động mạch vành. Sau đó, một stent (ống kim loại nhỏ dạng mắt lưới) được đặt vào vị trí tắc nghẽn để cố định và khai thông đoạn mạch đang bị tắc nghẽn. Sau 18 phút, các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân đã bắt đầu ổn định và thoát khỏi tình trạng nguy kịch. Sau đó, ông được chuyển sang phòng chăm sóc hồi sức tích cực, rút nội khí quản và hồi tỉnh ngày hôm sau trước khi chuyển phòng bệnh để được theo dõi thêm.
Tổng thời gian từ thời điểm ông L.C.S. nhập viện, đến lúc hoàn thành thủ thuật can thiệp tim mạch để cứu sống ông là khoảng 54 phút, tuân thủ đúng “chính sách 70 phút vàng” trong cấp cứu bệnh nhân tim mạch do Bệnh viện FV đề ra. Điều này không chỉ đòi hỏi trình độ chuyên môn tốt của đội ngũ y bác sĩ, mà còn phụ thuộc vào sự làm việc nhịp nhàng, liên kết giữa các khoa, đặc biệt là Khoa Cấp cứu và Chuyên khoa Tim mạch.
Bs. Hồ Minh Tuấn (Trưởng khoa Tim mạch – Bệnh viện FV), người trực tiếp thực hiện thủ thuật, cho biết: “May mắn là bệnh nhân đến bệnh viện sớm và được cứu chữa kịp thời. Điều này là yếu tố quyết định việc cứu sống, hay giảm thiểu biến chứng đối với người bị nhồi máu cơ tim”.
Khi tỉnh lại, ông L.C.S. cho biết mình chưa từng bị tình trạng như vậy trước đây. Vì thấy sức khoẻ mình không có gì bất thường, nên ông cũng không để ý đến việc kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm. Sau sự cố lần này, ông L.C.S. khẳng định: “Chắc chắn trong tương lai tôi sẽ theo dõi sức khỏe của mình kỹ hơn, đặc biệt là vấn đề tim mạch”.
Ông L.C.S cũng đã cảm ơn bác sĩ Hồ Minh Tuấn và ekip đã cứu sống ông. “Trước đây tôi chưa từng đến FV, nhưng tôi thấy dịch vụ, cách làm việc và sự chăm sóc bệnh nhân của các nhân viên rất tốt”, ông vui vẻ chia sẻ.
Tại Việt Nam mỗi năm có 200.000 người thiệt mạng do bệnh lý tim mạch, mà nguyên nhân hàng đầu là nhồi máu cơ tim. Theo Viện tim Mạch học Quốc gia (Việt Nam) chỉ có 2% bệnh nhân nhồi máu cơ tim đến được bệnh viện trong khoảng “thời gian vàng” (dưới 2 tiếng). Đồng thời có 40/100 người đến bệnh viện kiểm tra trước 12 tiếng, sau khi cảm thấy cơn đau thắt ngực do nhồi máu cơ tim gây ra. Điều này làm giảm tỷ lệ cứu sống hoặc tăng di chứng đối với bệnh nhân không được điều trị kịp thời.
Theo bác sĩ Hồ Minh Tuấn, để ngăn ngừa tình trạng nhồi máu cơ tim, những người có các triệu chứng như thường xuyên đau tức ngực, khó thở, ngất hay chóng mặt, mệt mỏi; hoặc người có tiền sử mắc các bệnh lý tim mạch, có chẩn đoán mỡ máu xấu, béo phì, sử dụng thuốc lá nhiều, cần thường xuyên tầm soát và theo dõi sức khỏe tim mạch, để đề phòng những cơn nhồi máu cơ tim. Bên cạnh đó, bệnh nhân từng được chẩn đoán nhồi máu cơ tim nên có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, thay đổi lối sống lành mạnh, vận động thể thao phù hợp, để hạn chế sự tái phái của bệnh lý này về sau.
Khoa Tim Mạch – Bệnh viện FV với trang thiết bị hiện đại và đồng bộ, cùng đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao, được đào tạo bài bản và chuyên sâu tại các trường Đại Học Y lớn ở trong và ngoài nước, về các lĩnh vực chẩn đoán và điều trị các bệnh lý liên quan đến tim mạch như: cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp tim, hở van tim, suy van tĩnh mạch, dị tật tim bẩm sinh, xơ vữa động mạch vành…
Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại những bệnh viện, trung tâm tim mạch lớn trong nước và quốc tế như Pháp, Đức, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia… các bác sĩ tại khoa Tim mạch FV luôn cập nhật kiến thức y khoa thực hành mới, áp dụng thuần thục các kỹ thuật tiên tiến để chẩn đoán chính xác, điều trị xâm lấn tối thiểu và mang lại hiệu quả lâu dài cho bệnh nhân.
Từ tháng 5-2018, Bệnh viện FV đưa vào hoạt động Trung tâm Can thiệp Tim mạch (Cardiac Cathlab) với tổng số vốn đầu tư trên 1,6 triệu USD. Phòng Cathlab sở hữu hệ thống máy móc, công cụ hiện đại là “cánh tay đắc lực” giúp các bác sĩ chẩn đoán và cứu chữa kịp thời những ca bệnh lý nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, tắc nghẽn mạch máu, phình động mạch …
Để đặt hẹn và tìm hiểu thông tin, vui lòng liên hệ: Khoa Tim Mạch : (028) 5411 3467 hoặc (028) 5411 3333 Máy nhánh: 1216 / 1165.