CHÂM CỨU LÀ GÌ?
Châm cứu là một phương pháp điều trị y học cổ truyền của Trung Hoa đã được sử dụng trong hơn 2.000 năm. Đây là phương pháp đưa những cây kim mỏng đã được vô trùng vào các điểm (huyệt đạo) trên cơ thể, thường được dùng để điều trị đau. Càng ngày châm cứu càng được sử dụng phổ biến trong chăm sóc sức khỏe, bao gồm điều trị căng thẳng. Kích thích điện có thể được dùng trong một số trường hợp cùng với kim châm cứu.
Châm cứu phải do bác sĩ chuyên khoa có trình độ và đào tạo chuyên môn thực hiện.
CHÂM CỨU HOẠT ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO?
Châm cứu hoạt động bằng cách đưa năng lượng sống, gọi là Khí (hoặc ‘chi’) đi qua cơ thể theo đường kinh mạch. Khi dòng chảy của năng lượng Khí bị tắc nghẽn thì gây ra tình trạng đau. Châm cứu sẽ giúp dòng chảy năng lượng được lưu thông dễ dàng hơn.
Nghiên cứu của phương Tây cho thấy châm cứu kích thích hệ thần kinh giải phóng các chất tự nhiên (như endorphin) để giúp giảm đau và có thể giúp thay đổi cách cảm nhận cơn đau của não bộ.
TẠI SAO CẦN CHÂM CỨU?
Châm cứu được sử dụng chủ yếu để giảm sự khó chịu do các loại bệnh và tình trạng khác nhau, bao gồm:
- Đau thắt lưng
- Đau cổ
- Thoái hóa khớp
- Đau đầu, bao gồm đau đầu do căng thẳng và đau nửa đầu
- Đau răng
- Đau chuyển dạ
- Đau bụng kinh
- Ở bệnh nhân điều trị ung thư, châm cứu được sử dụng để điều trị buồn nôn và nôn ói do hóa trị, đau do ung thư, chứng khô miệng, lo âu và các triệu chứng khác
- Buồn nôn sau phẫu thuật
- Rối loạn hô hấp như viêm mũi dị ứng, viêm xoang
- Hội chứng ruột kích thích
- Lo âu, trầm cảm, mất ngủ
- Cai thuốc lá.
CHÂM CỨU ĐƯỢC THỰC HIỆN NHƯ THẾ NÀO?
Buổi châm cứu đầu tiên có thể mất đến 60 phút và các buổi tiếp theo thường chỉ kéo dài khoảng 30 phút. Kế hoạch điều trị thông thường gồm vài buổi một tuần, với số buổi tùy thuộc vào tình trạng được điều trị và mức độ nghiêm trọng. Kế hoạch điều trị có thể được lặp lại.
Đâm kim
Kim châm cứu được đưa vào ở độ sâu khác nhau tại các huyệt đạo trên cơ thể. Kim rất mỏng, vì vậy việc đâm kim thường ít gây khó chịu. Bệnh nhân thường không cảm thấy gì khi đâm kim vào. Một buổi điều trị thông thường sẽ sử dụng 5 đến 20 cây kim. Bệnh nhân có thể cảm thấy đau nhẹ khi kim đưa vào đúng độ sâu.
Thao tác kim
Bác sĩ có thể nhẹ nhàng di chuyển hoặc xoay kim sau khi đâm vào, chườm nóng hoặc xung điện nhẹ vào kim.
Rút kim
Trong hầu hết các trường hợp, kim được giữ nguyên tại vị trí trong vòng 10 đến 20 phút khi bệnh nhân nằm yên và thư giãn. Bệnh nhân thường không cảm thấy khó chịu khi rút kim.
CHÂM CỨU CÓ ĐAU KHÔNG?
Kim châm cứu rất mỏng, chỉ gần bằng sợi tóc người. Hầu hết bệnh nhân đều không cảm thấy đau.
SAU THỦ THUẬT
Một số người cảm thấy thư giãn, còn số khác lại cảm thấy tràn đầy sinh lực sau khi điều trị bằng châm cứu. Tuy nhiên, không phải ai cũng đáp ứng với phương pháp này. Nếu không thấy triệu chứng cải thiện trong vài tuần, có thể châm cứu không phù hợp với bệnh nhân.
CẤY CHỈ CATGUT (ACE) VÀ CẤY CHỈ PDO (TEA)
Cấy chỉ Catgut (ACE) và cấy chỉ PDO (TEA) là các phương pháp châm cứu đặc biệt. ACE là kỹ thuật cấy chỉ tiêu Catgut vào các huyệt kinh lạc truyền thống của Trung Hoa trong khi phương pháp TEA lại dùng một dụng cụ được thiết kế đặc biệt để đưa chỉ tiêu (thường là polydioxanone) vào huyệt đạo. Bằng cách kích thích liên tục, cả hai kỹ thuật đều tạo ra hiệu quả châm cứu lâu dài. Do đó, có thể giảm số lần điều trị và giảm tần suất thực hiện so với phương pháp châm cứu cổ điển.
Các kỹ thuật này được đặc biệt chỉ định để điều trị đau thắt lưng, đau cổ gáy, tình trạng đau cơ xương khớp, và điều trị béo phì.
CHÂM CỨU CÓ AN TOÀN KHÔNG?
Châm cứu rất an toàn vì bác sĩ sử dụng kim vô trùng dùng một lần. Những nguy cơ có thể xảy ra khi châm cứu gồm có chảy máu nhẹ, bầm tím, sưng tấy, nhiễm khuẩn da, đau đầu và ngất xỉu. Bệnh nhân cũng có thể cảm thấy đau hơn trong thời gian ngắn trong và/hoặc sau khi điều trị. Nếu dùng điện thì dòng điện rất nhỏ và an toàn. Bệnh nhân có thể cảm thấy rung hoặc tê rần nhẹ.
Thông thường, châm cứu an toàn cả khi bệnh nhân mang thai. Tuy nhiên, bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ biết nếu đang mang thai vì một số huyệt đạo có thể không an toàn để châm cứu trong thai kỳ.
Thông báo cho bác sĩ biết nếu bệnh nhân có đặt máy tạo nhịp tim vì việc xung điện nhẹ vào kim có thể ảnh hưởng đến hoạt động của máy tạo nhịp tim, và nếu bệnh nhân bị rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc làm loãng máu cũng cần thông báo với bác sĩ.