Chăm sóc cho bệnh tiểu đường tuýp 2

Bệnh tiểu đường tuýp 2 là gì?

Tất cả mọi người đều có một lượng glucose (đường) ở trong máu. Cơ thể của bạn cần glucose để tạo ra năng lượng.

Thông thường, cơ thể  phân hủy thức ăn thành glucose và đưa vào máu. Insulin, nội tiết tố do  tuyến tụy của bạn tạo ra, sẽ giúp glucose đi từ máu vào các tế bào từ đó có thể được sử dụng để tạo ra năng lượng.

Nếu bạn bị bệnh tiểu đường tuýp 2, cơ thể của bạn không sử dụng insulin một cách hiệu quả. Đây gọi là tình trạng kháng insulin. Ban đầu, tuyến tụy tạo ra thêm insulin để bù đắp cho cơ thể. Tuy nhiên theo thời gian, tuyến tụy không còn khả năng duy trì và không thể tạo ra đủ lượng insuline để giữ cho đường huyết ở mức bình thường.

Bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể ảnh hưởng đến tôi như thế nào?

Bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe khác như bệnh tim, đột quỵ, tổn thương thần kinh, và các vấn đề về thận hay mắt. Tuy nhiên có một thông tin tốt là nếu giữ đường huyết, huyết áp, và cholesterol ổn định ở chỉ số mục tiêu thì có thể giúp ngăn chặn  hoặc làm chậm xuất hiện các vấn đề về sức khỏe nói trên.

Bệnh tiểu đường tuýp 2 được kiểm soát như thế nào?

Hầu hết việc chăm sóc bệnh tiểu đường hàng ngày là tùy thuộc vào bạn. Kế hoạch chăm sóc cho bệnh tiểu đường bao gồm:

  • Lựa chọn món ăn, lượng thức ăn và thời gian ăn trong ngày;
  • Duy trì cân nặng hợp lý;
  • Hoạt động thể chất hằng ngày;
  • Sử dụng thuốc (nếu cần thiết) để giúp bạn kiểm soát đường huyết, huyết áp và cholesterol đúng mục tiêu. 

Tôi có thể làm gì để chăm sóc cho bệnh tiểu đường của tôi?

  • Giảm cân, nếu cần thiết.
  • Cần đạt được các mục tiêu ABC cho bệnh tiểu đường của bạn:

A: A1C (lượng đường huyết trung bình)

B: huyết áp

C: cholesterol.

  • Phối hợp với đội ngũ chăm sóc y tế.
  • Lên kế hoạch giúp bạn đạt mục tiêu.
  • Theo dõi các chỉ số của bạn.
  • Nếu bạn không đạt được mục tiêu của mình, hãy thay đổi kế hoạch để tiếp tục giữ đúng hướng. Yêu cầu nhân viên y tế cung cấp công cụ  giúp bạn ghi lại các chỉ số.

Đường huyết

Các chỉ số mục tiêu của Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA) được liệt kê bên dưới. Chỉ tiêu cần đạt được của bạn có thể khác nhau. Hãy trao đổi với đội ngũ chăm sóc y tế về chỉ tiêu phù hợp nhất cần đạt được cho bản thân bạn. Bạn sẽ tự kiểm tra đường huyết của mình bằng máy đo đường huyết. Máy sẽ cho biết đường huyết của bạn tại thời điểm đó.

Các chỉ số mục tiêu về đường huyếtKết quả thông thườngMục tiêu cần đạt được
Trước khi ăn:70 đến 130 mg/dL______ đến ____________ đến ______
2 giờ sau khi bắt đầu bữa ăn:dưới 180 mg/dLdưới ______dưới ______

Thực hiện xét nghiệm A1C ít nhất 2 lần một năm. Xét nghiệm sẽ cho biết đường huyết trung bình của bạn trong 2 đến 3 tháng vừa qua

Các chỉ số về mục tiêu A1CKết quả gần đây nhấtMục tiêu cần đạt được
A1C: dưới 7%

Huyết áp của bạn

Bạn nên kiểm tra huyết áp trong mỗi lần thăm khám.

Mục tiêuKết quả gần đây nhấtMục tiêu cần đạt được
Dưới 140/90 mmHg

Mỡ trong máu

Đội ngũ chăm sóc y tế nên kiểm tra nồng độ mỡ trong máu của bạn mỗi năm

Loại mỡ trong máuMục tiêuKết quả gần đây nhấtMục tiêu cần đạt được
LDL cholesterolDưới 100 mg/dL
HDL cholesterolTrên 40 mg/dL(đối với nam)
Trên 50 mg/dL(đối với nữ)
TriglyceridesDưới 150 mg/dL

 

Tôi cần biết gì về chế độ ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất và các loại thuốc? 

Chế độ ăn uống lành mạnh

Nhiều người nghĩ rằng mắc bệnh tiểu đường có nghĩa là không thể ăn những thực phẩm yêu thích. Tuy nhiên bạn vẫn có thể ăn những món mà bạn thích với số lượng thích hợp. Hãy yêu cầu bác sĩ của bạn giới thiệu đến các chuyên gia dinh dưỡng. Đồng thời, bạn cũng cần thiết lập một kế hoạch ăn uống cụ thể cho bản thân để có thể giúp bạn đạt được các mục tiêu. Các bước dưới đây có thể giúp bạn kiểm soát bệnh tiểu đường:

  • Tính lượng carbohydrates (còn được gọi carbs): carbs – bánh mì, bánh bắp, cơm, bánh quy giòn, ngũ cốc, trái cây, nước trái cây, sữa, sữa chua, khoai tây, bắp, đậu Hà Lan, kẹo – làm tăng nồng độ đường huyết nhiều nhất. Giữ lượng carbs trong các bữa ăn chính và bữa ăn phụ của bạn như nhau từ ngày này qua ngày khác sẽ giúp bạn đạt được các chỉ số đường huyết mục tiêu;
  • Chọn thực phẩm chứa ít chất béo bão hòa: cắt giảm các thực phẩm chứa chất béo bão hòa sẽ giúp bạn giảm cholesterol và ngăn ngừa bệnh tim. Thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa gồm các loại thịt, bơ, sữa nguyên kem, kem, pho mát, mỡ heo, chất béo chứa nhiều Triglyceride, các thực phẩm nướng bằng lò, và các loại dầu nhiệt đới như dầu cọ và dầu dừa;
  • Thu nhỏ khẩu phần ăn: cắt giảm khẩu phần trong các bữa ăn chính và bữa ăn phụ có thể giúp giảm cân;
  • Ăn nhiều chất xơ: ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau xanh, đậu và đậu Hà Lan khô, bột yến mạch, các loại bánh mì và bột ngũ cốc làm từ bột lấy nguyên hạt.

Hoạt động thể chất 

Hoạt động thể chất thường xuyên giúp giảm đường huyết, huyết áp và cholesterol. Nó cũng giúp cho các khớp xương của bạn linh hoạt, làm cho tim và xương khỏe mạnh, và cơ bắp săn chắc. Hoạt động thể chất cũng có thể giúp giảm stress. Đội ngũ chăm sóc y tế có thể giúp bạn lên kế hoạch thực hiện những hoạt động tốt nhất cho bản thân. Hãy cố gắng:

  • Tích cực vận động suốt cả ngày: làm vườn, đi thang bộ thay vì thang máy, hoặc đi bộ vòng quanh trong khi bạn nói chuyện điện thoại hoặc xem TV. Hoạt động đến khoảng 30 phút mỗi ngày;
  • Tập thể dục aerobic: đi bộ nhanh, khiêu vũ, chèo thuyền, bơi lội, hoặc chạy xe đạp. Hoạt động đến khoảng 30 phút mỗi ngày, 5 ngày trong một tuần;
  • Rèn luyện sức khỏe: nâng tạ nhẹ một vài buổi trong tuần. 

Các loại thuốc 

Một số người mắc bệnh tiểu đường có thể kiểm soát bệnh của họ bằng chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục. Tuy nhiên, bác sĩ cũng có thể cho bạn dùng thuốc viên điều trị tiểu đường và/hoặc insulin để giúp bạn đạt được chỉ số đường huyết mục tiêu.

Bệnh tiểu đường là bệnh tiến triển theo thời gian – dù bạn không cần dùng thuốc để điều trị tiểu đường trong giai đoạn đầu, nhưng bạn vẫn có thể phải dùng thuốc sau một thời gian. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc đạt được các chỉ số mục tiêu, hãy trao đổi với đội ngũ chăm sóc y tế để xem liệu việc thay đổi kế hoạch điều trị có thể giúp ích cho bạn hay không.

Tài liệu này chỉ dành cho mục đích cung cấp thông tin và không dùng thay thế cho việc thăm khám với bác sĩ chuyên khoa. Nếu bạn có những câu hỏi liên quan đến sức khỏe, hãy thảo luận với bác sĩ của bạn.