Sáng ngày 05/08/2023, tại Hội trường Bệnh viện FV đã diễn ra chương trình đào tạo liên tục với chủ đề “Quản lý Gãy xương Do Loãng xương”. Chương trình có sự tham gia báo cáo của 7 diễn giả đến từ Bệnh viện FV và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Các chủ đề trong chương trình xoay quanh điều trị nội khoa, ngoại khoa, các phương pháp hỗ trợ từ vật lý trị liệu, cũng như từ dinh dưỡng lâm sàng.
Gãy xương do loãng xương: phòng bệnh là tối ưu
Phát biểu khai mạc, ThS.BS. Vũ Trường Sơn (Phó Giám đốc Y Khoa, Bệnh viện FV) đã gửi lời cảm ơn đến các diễn giả, cũng như sự đồng hành từ các nhà tài trợ, khi đã mang tới buổi đào tạo rất thiết thực đối với tình hình hiện nay. Bác sĩ Sơn cho biết, bệnh loãng xương đang có dấu hiệu gia tăng do dân số đang già hoá, trong khi các nguy cơ từ bệnh lý này là có thể dự phòng. “Do đó, tôi hy vọng chương trình đào tạo sẽ giúp mọi người cập nhật các thông tin mới nhất, qua đó hỗ trợ trong việc điều trị và mang lại cuộc sống chất lượng hơn cho bệnh nhân”, bác sĩ Sơn nói thêm.
Mở đầu chương trình hội thảo, BS.CKI Nguyễn Thị Kim Hường (Khoa Nội Cơ Xương Khớp, Bệnh viện FV) đã cập nhật các hướng dẫn trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý loãng xương. Bác sĩ Hường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát hiện sớm để có biện pháp can thiệp kịp thời, nhằm chấm dứt “vòng tròn” loãng xương – gãy xương. “Gãy xương gây ra nhiều tác động đến tâm lý và cả kinh tế đối với bệnh nhân. Tuy nhiên nhận thức về vấn đề loãng xương trong người dân vẫn chưa cao, khiến việc tầm soát vẫn còn khó khăn”, bác sĩ Hường cho biết. Các số liệu nghiên cứu tại Tp.HCM được bác sĩ Hường dẫn chứng, phần nào cho thấy vẫn chưa có kết nối đủ mạnh giữa các cơ sở y tế và người dân trong các chương trình về nhận thức bệnh loãng xương.
Trong phần trình bày của mình, BS.CKII Nguyễn Viết Quỳnh Thư (Trưởng khoa Dinh dưỡng & Tiết chế, Bệnh viện FV) đã chia sẻ về vai trò quan trọng của dinh dưỡng trong việc phòng ngừa và điều trị loãng xương, đồng thời cung cấp hệ thống kiến thức về dinh dưỡng thích hợp cho bệnh nhân loãng xương. Chi tiết trong các loại thực phẩm, phương pháp lên thực đơn, hỗ trợ vận động, nhằm bổ sung Canxi và Vitamin D – 2 khoáng chất quan trọng để chống loãng xương – được bác sĩ Thư chỉ rõ trong phần trình bày. “Dinh dưỡng là một trong những phương pháp quan trọng để phòng ngừa loãng xương, đồng thời cũng giúp kiểm soát nhiều bệnh lý tác động xấu đến hệ cơ xương của người bệnh”, bác sĩ Thư tổng kết bài chia sẻ.
Cũng thuộc lĩnh vực dinh dưỡng, TS.BS. Nguyễn Thùy Linh (Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) đã trình bày về phương thức quản lý dinh dưỡng cho bệnh nhân loãng xương, đồng thời đưa ra những gợi ý cụ thể và hữu ích trong việc thực hiện chế độ ăn uống hợp lý. Bác sĩ Linh nhấn mạnh: “ việc xây dựng được một hệ xương tối ưu trước 30 tuổi rất quan trọng,vì sau thời gian này,mật độ xương có xu hướng giảm đi”. Bên cạnh đó, bác sĩ Linh cũng cho biết một số tác nhân gây tăng nguy cơ loãng xương như bệnh tiểu đường, các bệnh viêm tự miễn, bệnh tuyến giáp, hội chứng kém hấp thu… hay lạm dụng rượu bia.
Loãng xương có thể gây ra nhiều biến chứng khác nhau, trong đó gãy nén đốt sống (VCFs) là phổ biến nhất với việc ảnh hưởng đến 750,000 người mỗi năm. Theo đó, BS.CKI Nguyễn Nam Bình (Trung tâm Điều trị đau, Bệnh viện FV) đã trình bày về cách quản lý đau trong gãy xương do loãng xương, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, đặc biệt là tập trung vào các tình huống gãy nén đốt sống.
Bác sĩ Bình cũng chia sẻ chi tiết các hướng dẫn điều trị nội khoa (bằng thuốc) đối với các trường hợp đau do loãng xương. “Tuy nhiên, tương tự như các bài báo trong chương trình, phương pháp điều trị tốt nhất cho các tình huống này là nên phòng ngừa bệnh loãng xương từ sớm”, bác sĩ Bình kết thúc bài báo cáo.
Điều trị ngoại khoa ngay khi xảy ra biến cố gãy xương
Mở đầu cho nhóm điều trị ngoại khoa, BS.CKI Nguyễn Mạnh Hùng (Trưởng Khoa Ngoại Thần Kinh Và Can Thiệp Nội Mạch Thần Kinh, Bệnh viện FV) đã chia sẻ về các chỉ định, kỹ thuật mổ và phương pháp điều trị mới hiện nay, trên bệnh nhân gãy xương cột sống ngực – thắt lưng. Bên cạnh việc cung cấp những thông tin quan trọng cho việc can thiệp ngoại khoa hiệu quả, bác sĩ Hùng nhấn mạnh việc gãy xương do loãng xương diễn ra khá âm thầm và đột ngột, một số trường hợp không do chấn thương mà chỉ do thay đổi tư thế vận động.
“Hiện nay việc điều trị các trường hợp này vẫn theo đa mô thức, tức là kết hợp tối ưu giữa nội khoa và ngoại khoa”, bác sĩ Mạnh Hùng nói. Gãy xương do loãng xương có khoảng 60% là ở vùng cột sống ngực – thắt lưng. Trong nhiều năm qua, bác sĩ Hùng và ê-kíp tại FV đã thực hiện điều trị nhiều ca xẹp đốt sống do loãng xương, gãy lún đốt sống do chấn thương, bằng phương pháp bơm xi măng sinh học. Hiệu quả và những ưu thế của kỹ thuật mới này, cũng được trình bày trong chương trình.
Trong phần trình bày của mình, TS.BS. Lê Trọng Phát (Trưởng Khoa Phẫu thuật Chỉnh Hình & Phẫu thuật Bàn Tay, Bệnh viện FV) đã chia sẻ về các phương pháp điều trị trường hợp gãy xương hông do loãng xương. Trong đó, phần lớn là gãy xương chậu và gãy cổ xương đùi. Bác sĩ Phát cho biết: “lý tưởng nhất trong các tình huống này là phẫu thuật bệnh nhân trong vòng 24 – 48 giờ, nhằm tránh các biến chứng, thậm chí là tử vong khi không phẫu thuật (tỷ lệ 10-25% nếu không phẫu thuật trong 12 tháng)”.
Phẫu thuật điều trị gãy xương vùng hông chậu không phức tạp, tuy nhiên nhóm nguy cơ cao thường là bệnh nhân lớn tuổi, do đó bác sĩ Phát cũng khuyến nghị các cuộc hội chẩn cẩn thận, nhằm dự phòng các rủi ro do các bệnh lý nền có thể gây ra cho người bệnh. Quan trọng, ông khuyên các đồng nghiệp tự tin hơn trong điều trị tình huống này cho người lớn tuổi, vì chất lượng cuộc sống của họ hầu như được cải thiện rõ ràng sau phẫu thuật.
Để hoàn thiện phần thảo luận về cách điều trị bệnh lý loãng xương từ ngoại khoa, Tiến sĩ Catherine Cousin (Trưởng khoa Vật lý trị liệu & Phục hồi chức năng, Bệnh viện FV) đã khái quát về vai trò quan trọng của vật lý trị liệu trong việc cải thiện sức khỏe xương và quản lý loãng xương. TS. Catherine cho biết: “tùy vào độ tuổi và tình trạng cơ xương, chúng tôi sẽ có các đánh giá và lên các chương trình cải thiện sức khoẻ xương một các hiệu quả và an toàn”. Bà cũng đặc biệt lưu ý đến các vấn đề hoạt động thể chất ở các nhóm tuổi, vấn đề công thái học, thói quen sinh hoạt, nhằm cải thiện và phát triển hệ cơ xương khớp một cách tối ưu, từ đó phòng ngừa tốt các nguy cơ do loãng xương gây ra.
Kết thúc chương trình, bác sĩ Louis Brasseur (Trưởng Trung tâm Điều trị Đau, Bệnh viện FV) đã thay mặt cho đơn vị khởi xướng tổ chức – Trung tâm Điều trị Đau Bệnh viện FV – gửi lời cảm ơn đến tất cả thành phần tham dự. “Đây là một chủ đề rất thú vị, như mọi người đã thấy, chúng ta cần phối hợp và giúp người bệnh nhận thức được loãng xương là vấn đề phải phòng bị. Tôi hy vọng các bạn đã có được những kiến thức hữu ích trong buổi sáng hôm nay”, bác sĩ Louis nói lời kết chương trình.
Chương trình đào tạo liên tục về chủ đề “Quản lý gãy xương do loãng xương” tại Bệnh viện FV đã đem lại không chỉ hiểu biết mới, mà còn là cơ hội để các chuyên gia y tế chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật kiến thức và những phương pháp tốt nhất trong việc quản lý và điều trị loãng xương. Chương trình đã giúp nâng cao năng lực chuyên môn của các bác sĩ và nhân viên y tế, sâu xa hơn là góp phần quan trọng trong việc cải thiện chất lượng chăm sóc và cuộc sống của những người bệnh loãng xương.