Những thủ thuật vi phẫu phức tạp điều trị ung thư phải được thực hiện trong nhiều giờ liền trong phòng mổ. Bác sĩ phẫu thuật phải là người dày dạn kinh nghiệm và rất tâm huyết.
Một trong những bác sĩ như thế là bác sĩ Nguyễn Quảng Đại, Trưởng Khoa Tai-Mũi-Họng Bệnh viện FV, người vừa điều trị bằng phẫu thuật vi phẫu cho một bệnh nhân bị ung thư thanh quản xâm lấn sâu vào đáy lưỡi đã chuyển sang giai đoạn di căn hạch (giai đoạn 4).
Đó là một bệnh nhân nam 50 tuổi từ tỉnh Bạc Liêu. Ca phẫu thuật được BS Đại cùng ê-kip mổ thực hiện ngày 11/4/2017. Sau 10 tiếng đồng hồ khẩn trương, ê-kíp mổ do BS Đại đứng đầu đã cắt toàn bộ họng thanh quản và đáy lưỡi (bao gồm khối u) cùng với việc lấy bỏ toàn bộ hạch cổ di căn hai bên bằng dao mổ sóng siêu âm. Phần họng và đáy lưỡi bị cắt bỏ được tái tạo bằng vạt da tự do vùng cẳng tay của chính bệnh nhân nhờ kỹ thuật vi phẫu mạch máu. May mắn, biên khối u được các chuyên gia giải phẫu bệnh xác định âm tính. Tuy nhiên, BS Đại cho biết đây là một ca khó vì khối u lớn, đường kính cỡ 10cm, nên việc cắt bỏ khối u khá phức tạp.
BS Đại tâm sự: “Trước mỗi ca phẫu thuật lớn, tôi luôn xem đi xem lại các kết quả chẩn đoán, các hình ảnh phim chụp… của bệnh nhân đến mức gần như thuộc lòng vị trí khối u. Không chỉ vạch sẵn phương hướng phẫu thuật chi tiết, tôi cùng các đồng nghiệp còn phải dự trù phương án dự phòng để sẵn sàng cho mọi tình huống. Bước vào phòng mổ là tôi đặt cả sự nghiệp, danh dự và đôi khi cả… tính mạng của mình trên mỗi nhát dao cắt. Bởi tôi hiểu rằng mình đang nắm trong tay sinh mạng của bệnh nhân!”
Trong quá trình hồi phục sau mổ tại FV, bệnh nhân phải tập nuốt dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia vât lý trị liệu của bệnh viện. Sau đó, bệnh nhân được tập giao tiếp bằng giọng nói thông qua máy hỗ trợ giọng nói. BS Đại cho biết thêm: “Là bác sĩ, nhiệm vụ của tôi không chỉ là cứu sống bệnh nhân mà còn phải giúp họ có chất lượng sống tốt hơn. Bệnh nhân phẫu thuật thanh quản như thế này cần phải nói được. Đó là lý do phải có máy hỗ trợ nói”.