Chiến dịch “Chuyện Tôi Muốn Kể”, bên cạnh những kỷ niệm thân thương từ hàng nghìn bệnh nhân, thì còn khắc họa một bức tranh đầy cảm xúc về cuộc sống và công việc của nhân sự tại Bệnh viện FV. Những lời kể tuy như “chuyện nhỏ xíu thường ngày”, nhưng chứa đầy sự tận tụy và trách nhiệm, sâu xa còn là những nét vẽ từ lòng biết ơn với cuộc sống và với công việc nhân văn mà mỗi cá nhân đã và đang trải qua.
Những lời nói dối và những “mụ phù thủy”
Đối với các thành viên Khoa Cấp cứu, mỗi chuyến theo xe cứu thương đều là mỗi câu chuyện mang hồi ức với màu sắc khác nhau. Bất cứ chuyến đi nào, đều có thể trở thành “chuyến xe sinh tử” của bệnh nhân. Một trong những chuyến xe khó quên như vậy đã được chị Phù Huệ Trân – một điều dưỡng cấp cứu đã nghỉ hưu – ghi nhớ không quên.
Sáng hôm ấy, nhận nhiệm vụ đưa một bệnh nhân ung thư về nhà tại Rạch Giá để gặp gia đình lần cuối, chị Trân không ngờ đó là một hành trình đầy cảm xúc lẫn thử thách, vì bệnh nhân có thể ra đi bất cứ lúc nào trên đường và nhiệm vụ thì dở dang. Do vậy trên suốt hành trình, chị Trân phải tập trung hết tinh thần và sức lực cho nhiệm vụ, một mặt phải “đối đầu” với cơn mệt và buồn nôn do say xe.
Bệnh nhân ngừng tim khi xe đang qua phà. “Tay thì nhồi tim, miệng thì gọi báo cho thân nhân biết. Người nhà nói còn 30km thì mình la to vô tai cho bệnh nhân còn 5km, lần lượt 5km thì báo là 500m. Ôi trời, sao mình nói dối thế”, chị Trân kể lại. “Lời nói dối” lúc nguy cấp đó như một liều thuốc tinh thần, đã giúp bệnh nhân cố gắng gượng đến giây phút nhìn thấy gia đình thân thương của mình. Nỗi vất vả, cái mệt và nỗi buồn của một chuyên đi đưa tiễn, là “tổ hợp nhiệm vụ” mà nhân viên Khoa Cấp cứu phải đối mặt rất nhiều lần trong nghề.
Những thời khắc nghẹt thở có thể làm con người vượt qua giới hạn và “sắm vai phản diện bất đắt dĩ” hay làm điều thường ngày vốn dĩ đắn đo. Ngay cả những nơi dễ mến như Nhi khoa, vì để việc điều trị cho các bé được hiệu quả và nhanh chóng khỏi bệnh, nhiều lúc các bác sĩ và điều dưỡng phải thường xuyên “đóng vai ác” . “Các cô là những mụ phù thủy ác độc! – một cậu bé đã hét lên như vậy khi chúng tôi lấy máu xét nghiệm cho bạn”, điều dưỡng Phương Thúy kể. Nhiều bệnh nhi vì nhiều lý do, thường rất sợ gặp bác sĩ, điều dưỡng, điều đó đôi khi làm mọi người hơi chạnh lòng một xíu. Thế nhưng, những nụ cười hồn nhiên, những lời cảm ơn, câu chào líu lo và đến cả những nhận xét “không thiện cảm” nhưng hồn nhiên của các bé, lại khiến các bác sĩ, điều dưỡng Nhi Khoa không ngại “sắm vai phản diện” mỗi ngày.
Người Việt có nếp giáo dục hướng đến chân thiện mỹ, với lòng vị tha, yêu mến người tốt và sống với bản tính chân thật. Nhưng thật lạ khi trong ngành y, những “mụ phù thủy độc ác” và những “lời nói dối liên hoàn”, … đôi khi lại khắc họa rõ nét 2 tiếng “Y Đức” và mang đến giá trị chân thiện mỹ rất thật.
Nơi nâng đỡ và chăm sóc nhau như một gia đình
Tại Bệnh viện FV, không chỉ bệnh nhân được chăm sóc tận tình, mà chính các nhân viên y tế cũng cảm nhận được sự quan tâm, sẻ chia từ những người đồng nghiệp. Điều dưỡng Đài Loan và nữ hộ sinh Đoan Minh, với gần 20 năm gắn bó tại FV – nơi các chị gọi là “ngôi nhà thứ hai”. Các chị nhớ về những ngày đầu bước chân vào bệnh viện, cảm giác lạ lẫm trước những tiêu chuẩn chuyên nghiệp và áp lực với công việc ở một bệnh viện tiêu chuẩn JCI.
Nhưng dần dần, những đồng nghiệp – như những người thân – đã kề vai sát cánh và giúp các chị vượt qua khó khăn. “Chúng tôi không chỉ làm việc cùng nhau, mà còn yêu thương, gắn kết và sẵn sàng giúp đỡ nhau khi có chuyện buồn vui trong cuộc sống. Tôi cảm thấy may mắn khi là một thành viên của FV“, chị Đoan Minh chia sẻ. Trong khi đó, chị Loan thì đánh giá cao các chính sách của bệnh viện, từ lương đúng hạn, bảo hiểm toàn diện, đến những hoạt động xuyên suốt trong năm như đào tạo chuyên môn, chương trình gắn kết nội bộ, … giúp tạo dựng tinh thần làm việc nhóm và càng tin tưởng nơi mình lựa chọn làm việc.
Trong chia sẻ trước đây tại FV của Phó chủ tịch Tập đoàn Y tế Thomson, ông Kiat Lim rất thích điểm chung giữa Bệnh viện Thomson Singapore và Bệnh viện FV, nơi nhân viên chăm sóc lẫn nhau như một gia đình. “Rất nhiều thế hệ nhân sự Thomson đã chăm sóc sức khỏe gia đình, sinh con,.. tại bệnh viện nơi mình làm việc. FV cũng vậy, tôi thấy mọi người đã chăm sóc lẫn nhau như những người thân trong nhà”, ông Kiat Lim nói.
Trong chiến dịch “Chuyện tôi muốn kể”, hàng trăm lời cảm ơn và câu chuyện đã được gửi đến các bác sĩ, điều dưỡng, các nữ hộ sinh – vừa là những “vị cứu tinh”, vừa là những người “bạn cùng chỗ làm”. Xem tất cả các chia sẻ, dường như lợi thế của một bệnh viện quốc tế đa chuyên khoa vừa giúp bệnh nhân tối ưu điều trị, lại vừa có thể giải quyết mọi vấn đề sức khỏe của các thành viên bệnh viện – vì những lời cảm ơn gần như đã không bỏ sót một chuyên khoa nào.
Mỗi ngày trôi qua, những câu chuyện đẹp lại được viết tiếp và được kể tại FV.
Có biết bao nhiêu cái nắm tay và cái ôm mừng xuất viện, bao nhiêu nụ cười và ánh mắt của lòng biết ơn, cũng không ít lần dằn lòng cho “những lời nói dối” và “vai phản diện” để giúp bệnh nhân khỏe lên, … và rất nhiều những ước mơ đã thành hiện thực khi đặt chân đến FV. Những ngày ngồi trên giảng đường y khoa, những điều nhỏ xíu đã được học như mầm cây, có lẽ ai cũng mong đến một ngày, những điều đó sẽ đơm hoa ở một bệnh viện quốc tế – nơi mình yêu mến chọn làm việc.
Chương trình “Chuyện tôi muốn kể” được Bệnh viện FV khởi xướng từ tháng 08/2024, nhằm hỗ trợ chi phí điều trị cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn thông qua quỹ “Nâng Bước Tuổi Thơ”. Mỗi câu chuyện chia sẻ trải nghiệm tại bệnh viện trong bài đăng của chiến dịch trên fanpage Bệnh viện FV (Facebook), sẽ đóng góp 1 USD vào quỹ, giúp lan tỏa yêu thương và mang lại hy vọng cho các “chiến sĩ tí hon” trên hành trình vượt qua bệnh tật.
Trong đợt một của chiến dịch đã thu hút hơn 650 câu chuyện hợp lệ gửi về. Dự kiến Chiến dịch “Chuyện tôi muốn kể” sẽ được khởi động trở lại trong thời gian tới!