Đối mặt với căn bệnh ung thư, không phải là một kết thúc của cuộc đời. Tuy nhiên, khi bước vào cuộc điều trị, không một ai có thể tỏ ra thanh thản và mạnh mẽ ngay từ đầu. Ai sẽ nắm tay những bệnh nhân đang hoang mang này trong bước đầu và cả một quãng dài về sau của hành trình điều trị? Gia đình là quan trọng, bác sĩ tất nhiên là rất cần thiết, nhưng những điều dưỡng, hộ lý kề cận mỗi ngày với người bệnh, đôi khi là những cánh tay trợ lực kỳ diệu.
Kiên nhẫn trước những điều vô lý
Hình ảnh đầu ngày tại khu vực hóa trị vừa hối hả, vừa có phần trầm lắng. Đôi lúc hình dung có phần ngược ngạo, khi nghĩ nơi này dùng để điều trị ung thư, vì không quá lời khi có nhận xét đây là một trong những không gian đẹp tại FV. Điều này phần nào giúp bệnh nhân có một tâm lý thoải mái hơn, nhưng không vì lẽ đó mà công việc của các điều dưỡng, hộ lý trở nên dễ dàng hơn.
Trong không gian này vài năm trước, chị Hiền (Hộ lý Khu vực Hóa trị) nhớ lại ánh mắt trĩu nặng của một nữ bệnh nhân lớn tuổi. Một cái nắm tay, một lời hỏi thăm của chị càng làm cô hoang mang và đầy lo sợ. Cô không lo về căn bệnh ung thư mình đang mắc, cô sợ nó lây sang người hộ lý trẻ này. Trong nhiều tháng qua, nữ bệnh nhân được gia đình “cách ly”, phải tự sinh hoạt và tự đến bệnh viện, vì nghĩ trong khi trị ung thư thì sẽ có “sự lây lan” từ cơ thể cô.
Chị Hiền (áo xanh lá) thường giúp nhiều bệnh nhân chia sẻ tâm tư lại với đội ngũ chăm sóc, điều trị
“Tôi đã rất ngỡ ngàng. Một mặt kiên nhẫn trấn an để cô biết, ở đây mọi người sẽ luôn ở cạnh cô và không ai sợ lây bệnh. Đồng thời thông báo để bác sĩ tháo gỡ khúc mắc với gia đình”, chị Hiền nói. Một thời gian sau, sự kết nối trở lại với người thân, những tâm sự cùng với các điều dưỡng, hộ lý có lẽ là “liều thuốc” quan trọng giúp nữ bệnh nhân này chiến thắng căn bệnh quái ác.
Tương tự như vậy, chị Chính (Hộ lý Khoa Nội cánh Đông) chia sẻ gần đây mình mới có thêm một mối giao tình với một nữ bệnh nhân lớn tuổi. Một bệnh nhân ung bướu rơi vào nỗi bất an triền miên khi nghĩ đến việc điều trị. “Tôi đã trò chuyện với cô rất nhiều. Tôi nói: ‘Nếu con được tặng chút bình an nào, con sẽ gửi hết cho cô’. Vậy mà cũng giúp cô bình tâm hơn“. Vượt qua bệnh hiểm nghèo, đôi lúc cần tài lược của các bác sĩ, nhưng đôi khi lại cần một điểm khởi đầu từ lời nói chân chất của người hộ lý này.
Các điều dưỡng và hộ lý là những cầu nối thông tin hữu hiệu nhất giữa bệnh nhân và bác sĩ
Đó chỉ là những mảng nhỏ trong tổng thể bức tranh, nhưng cũng đủ để nhận thấy, không chỉ đối mặt với cơn đau thể xác, những khủng hoảng tâm lý đôi lúc mới là “đòn đánh nặng” đối với bệnh nhân ung thư. Có nhiều cách thức để người bệnh thể hiện cảm xúc lúc đó, bằng nước mắt, bằng la hét, bằng đập phá,… nhiều khi còn bằng sự im lặng đến tận cùng.
Chị Hòa Vân (Khoa Nội cánh Đông), một hộ lý có đôi mắt biết cười, luôn nói về những nỗi buồn của người bệnh bằng giọng nói pha lẫn nghẹn ngào và mắt thì ngấn lệ. Đối với chị, những trách mắng vô lý, những cảm xúc bộc phát, hành động và lời nói dữ dội của người bệnh đều có nguyên nhân của nó và nhiệm vụ của chị là kiên nhẫn để cùng họ tìm kiếm sự bình tâm.
Trong suy nghĩ của chú Chiến, một bệnh nhân K có “9 năm kinh nghiệm” với Trung tâm Hy Vọng, thì các hộ lý chăm bệnh ung thư có một sức chịu đựng đáng ngưỡng mộ. Những hôm nằm ở khu hóa trị, nhìn những người “đồng bệnh” với mình qua lại, lắng nghe những than thở, bực dọc của họ, chú càng cảm thấy trân trọng sự kiên nhẫn của đội ngũ chăm sóc. “Ai cũng đi làm vì đồng lương, nhưng nếu không có sự chân thành và tử tế thì các cô đã không làm nổi công việc này”, chú nói.
Chú Chiến cho rằng sự ân cần của các hộ lý cũng giúp mình thấy an tâm hơn
Chú Chiến là một quân nhân, chú cho rằng không một chiến trường nào mà không cần đồng đội. Nên trong nhiều năm chiến đấu với bệnh ung thư, “cái bắt tay cộng sinh” với gia đình, với bác sĩ và với những người rất gần – các hộ lý – là điều mà chú luôn tâm niệm. Các chị hộ lý cũng vậy, mỗi ngày “chiến đấu” của các chị không chỉ gói gọn trong việc hỗ trợ chăm sóc cho bệnh nhân ung thư, các chị còn là người bạn tâm giao của họ. Những cái siết tay, những ánh mắt và đôi khi hàng giờ ngồi lắng nghe câu chuyện của họ trong những thời khắc khó khăn nhất. Điều này không chắc là phương thuốc, nhưng không chừng lại là một phép màu.
Thầm lặng xoa dịu những nỗi buồn chia ly
Hầu như những hộ lý đang chăm sóc bệnh nhân ung thư mà chúng tôi gặp, đều lắc đầu trước câu hỏi “rằng có nên chọn một công việc hoặc một chuyên khoa khác hay không”. Dù rằng công việc mỗi ngày của các chị chẳng phải nhẹ nhàng, cả về sức lực lẫn tinh thần. Nhiều việc trong đời có thể nhẹ đi khi nghĩ ‘làm không nổi thì buông’. Nhưng khi chấp nhận dấn thân bằng sự tận tụy và hướng theo lòng nhân ái, thì chắc chắn các hộ lý ở khoa ung thư biết mình sẽ phải đối mặt với những áp lực nặng nề.
Chị Hòa Vân chia sẻ về những giọt nước mắt ngập ngừng: “Có nhiều bệnh nhân đến cuối đời vẫn không muốn tin mình đang bệnh. Những lúc đó tôi cảm thấy sự bất lực trong công việc này“. Những kiểu tâm trạng như chị Hòa Vân nói, không may lại là chuyện thường ngày của nhân viên y tế.
Đôi khi lau dọn những giường bệnh trống là một gánh nặng tâm lý
Các chị hộ lý kể mình rất thích phim ngắn hôm trước bệnh viện làm, đặc biệt là phản ứng giữa bệnh nhân và người chăm sóc ở trên phim. “Ngoài đời còn kịch tính hơn nhiều”, các chị cười nói. Những chuyện bị bệnh nhân ném đồ, la mắng, bất hợp tác,… được kể với một nụ cười từ ái, như thể nó đã là một phần việc hằng ngày. Nhưng có hôm, sau một đêm vào thăm thì bệnh nhân đã không thể chống chọi lại căn bệnh. Những khó chịu thường trút lên mình đã không còn dù hình ảnh của ngày hôm qua vẫn ẩn hiện tại đây, thứ cảm giác trống vắng đó thật khó diễn tả bằng lời.
Đối với các chị, mỗi bệnh nhân dù cộc cằn, dù dễ mến thì đều như một người thân trong nhà. Có lúc như hôm qua, “người thân” muốn chị Chính loay hoay 4, 5 lần trong một đêm chỉ để thay đổi nhiệt độ một ly nước uống; có ngày hôm kia, “người thân” – trong cơn ảo giác (do quá trình hóa trị có thể gây ra) – nhờ chị Hiền bắt giùm hàng trăm côn trùng trên tường để xoa dịu giấc ngủ; cũng có khi là một cái siết tay với chị Vân để nhờ xin giùm bác sĩ cho về nhà vào những ngày cuối đời. Những ngày như vậy, bằng nụ cười ân cần với công việc được trả lương, hay bằng nước mắt của sự cảm thông thì các chị vẫn làm với đầy đủ sự chu đáo và tử tế.
Các hộ lý còn là một người bạn đồng hành với bệnh nhân
Nhiều bệnh nhân K ở FV đã không ngần ngại xin được ở lại thêm vì “ở đây dễ chịu quá”. Chú Chiến nhớ đến một buổi sáng khi mình đến hóa trị, một hộ lý đã nói, “trời đất, chú lại quay trở lại sao?”. Câu nói có chút ‘hờn trách’ đó không làm chú buồn, mà lại mang một chút ấm lòng vì cảm thấy mọi người đã nhớ và quan tâm đến mình. “Nếu có bất kỳ món quà nào đẹp như ngàn đóa hồng, tôi nghĩ đó mới thật sự phù hợp để dành tặng cho sự chăm sóc của họ dành cho tôi”, chú Chiến cảm động chia sẻ.
Những hộ lý như chị Chính, chị Vân hay chị Hiền, dù không được gọi là “thiên thần áo trắng,” nhưng họ chính là những tia sáng của niềm vui. Dù thầm lặng, dù không rực rỡ, nhưng chút ánh sáng dịu dàng đó, có lẽ là niềm hy vọng trong những lúc tối tăm nhất của nhiều bệnh nhân ung thư.
Để đối phó với áp lực công việc, các chị thường tìm đến sự hỗ trợ từ gia đình và đồng nghiệp. Những chỗ dựa tinh thần lớn này, may mắn đã hiểu công việc của các chị và ít nhiều biến những suy tư triền miên thành một động lực vững vàng hơn cho những ngày sắp tới. Chị Phan Thị Thu Vân (Điều dưỡng Trưởng Khoa Nội – cánh Đông) cho biết trong nội bộ thì các anh chị em điều dưỡng, hộ lý sẽ trò chuyện và xoa dịu bớt những căng thẳng, ám ảnh trong công việc. “Về lâu dài, tôi nghĩ sẽ cần thiết lập chương trình chuyên biệt để giúp các nhân viên ổn định tâm lý, sau những áp lực đó”, chị Thu Vân nói. |