Trong lúc đang dâng hương lễ chùa thì cụ bà Bùi Thị Thơ (94 tuổi, TP Đà Lạt) bỗng cảm thấy choáng váng rồi ngất xỉu. Bà được đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu. Hai ngày sau bà xuất viện, nhưng rồi lại bị ngất. Lần này người nhà tức tốc đưa bà đi cấp cứu tại Bệnh viện FV.
Bà Thơ và bác sĩ Hoàng Quang Minh, Bệnh viện FV
“Cân não” tìm phương án cứu bệnh nhân khi máy tạo nhịp tim bị lỗi
Bác sĩ Hoàng Quang Minh – Chuyên khoa Tim Bệnh viện FV cho biết, vào đầu tháng 1.2023, bệnh nhân Bùi Thị Thơ được cấp cứu trong tình trạng nguy hiểm, nguy cơ đột tử rất cao vì bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh nền và lệ thuộc máy tạo nhịp tim hoàn toàn. Mắc chứng chậm Block nhĩ thất độ 3 lâu năm, dù đã được đặt máy tạo nhịp tim 2 lần nhưng với kỹ thuật cũ, đặt máy 1 buồng tâm thất trái, không có sự đồng bộ giữa dây buồng nhĩ và dây buồng thất, nên dễ dẫn đến nguy cơ suy tim.
Khi kiểm tra lịch sử máy tạo nhịp của bà Thơ, bác sĩ phát hiện có những cơn nhịp nhanh tại thời điểm người bệnh ngất. “Vấn đề đặt ra: vì sao bệnh nhân đã có máy tạo nhịp tim mà vẫn bị những cơn như vậy? Chúng tôi tiến hành kiểm tra động mạch vành, tuy nhiên bệnh nhân không bị hẹp động mạch vành. Bệnh nhân cho biết, khi có những vận động đặc thù thì bị ngất, bị xây xẩm chóng mặt. Do đó, chúng tôi cho bệnh nhân thực hiện lại các hoạt động đó thì thấy máy tạo nhịp không hoạt động. Điều này chứng tỏ dây tạo nhịp bị lỗi, cần phải thay dây tạo nhịp hoặc hệ thống tạo nhịp khác để bảo đảm sự an toàn cho bệnh nhân”, bác sĩ Minh phân tích.
Bác sĩ Hoàng Quang Minh nhận định: đây là ca bệnh khó, vì bệnh nhân 94 tuổi kèm nhiều bệnh nền như huyết áp, tiểu đường, suy thận mức độ 2. Ngoài ra, bà Thơ đang mang trong người máy tạo nhịp tim, đòi hỏi phương án giảm thiểu số lần phẫu thuật xâm lấn và đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
Các bác sĩ đặt ra hai phương án: một là thay sợi dây và giữ nguyên máy tại vị trí cũ; hai là dời máy tạo nhịp cũ sang một vị trí mới, sau đó đặt mới dây của máy tạo nhịp thông qua một tĩnh mạch mới.
“Tuy nhiên, khi bệnh nhân đã có một sợi dây trong tĩnh mạch dưới đòn thì đường kính của tĩnh mạch sẽ rất nhỏ. Việc đặt một sợi dây tạo nhịp mới vào dây tạo nhịp cũ sẽ rất khó khăn, nguy cơ biến chứng cao. Cho dù ca phẫu thuật thành công thì hoạt động của bệnh nhân vẫn giới hạn như cũ, không có gì được cải thiện. Trong trường hợp không thể thay sợi dây vào vị trí cũ thì buộc phải làm tiểu phẫu lấy máy tạo nhịp cũ ra để gắn với dây mới, nghĩa là bệnh nhân phải chịu hai vết mổ hai bên”, bác sĩ Minh nhận định.
Máy tạo nhịp tim không dây cảm biến buồng nhĩ – giải pháp tối ưu cho cụ bà 94 tuổi
Sau rất nhiều cân nhắc, các bác sĩ Chuyên khoa Tim, Bệnh viện FV quyết định đưa ra phương án thứ ba, đó là cài đặt máy tạo nhịp tim không dây cảm biến buồng nhĩ thế hệ mới cho bệnh nhân. Đây là một thiết bị nhỏ như viên thuốc con nhộng (bằng 1/10 máy tạo nhịp có dây), được đưa trực tiếp vào buồng tim của bệnh nhân mà không cần tới dây dẫn.
Máy tạo nhịp tim không dây cảm biến buồng nhĩ thế hệ mới (phải) chỉ nhỏ như viên thuốc con nhộng
Theo bác sĩ Minh, máy tạo nhịp tim không dây cảm biến buồng nhĩ có thể đạt được chức năng giống máy có dây và có thêm chức năng tối ưu là cảm nhận được hoạt động buồng nhĩ, từ đó giúp buồng nhĩ và buồng thất đồng bộ hơn.
“Với phương án này, bệnh nhân không cần phải mổ để lấy máy tạo nhịp cũ ra. Chúng ta sẽ giảm tần số máy có dây và để nó ở hệ thống nhận cảm, không tạo nhịp, sau đó đưa máy tạo nhịp không dây cảm biến buồng nhĩ trực tiếp vào buồng tim. Điều này cũng giúp bệnh nhân có thể chụp MRI mà không bị nhiễu như phương án thay sợi dây mới. Tuy nhiên đây là một kỹ thuật mới được áp dụng tại Việt Nam, ngoài công nghệ thì đòi hỏi yêu cầu cao về chuyên môn kỹ thuật, kinh nghiệm của bác sĩ”, bác sĩ Minh chia sẻ.
Bác sĩ Minh thăm khám cho cụ Thơ sau ca phẫu thuật
Để thực hiện ca phẫu thuật tinh vi này, bệnh nhân được gây tê, sau đó bác sĩ khéo léo đưa máy tạo nhịp không dây trực tiếp vào buồng tim bằng một ống thông từ tĩnh mạch đùi, thả vào vị trí gần dây tạo nhịp hiện tại. Đây là thủ thuật xâm lấn tổi thiểu, nhẹ nhàng cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật thành công sau 30 phút. Bệnh nhân hồi phục nhanh chóng, ngay hôm sau cụ đã có thể đứng lên vận động, đi vệ sinh và thậm chí là tập thể dục nhẹ nhàng.
Sau 2 ngày nằm viện theo dõi, bà Thơ được xuất viện. Theo dõi hàng tuần trong tháng đầu, mọi chỉ số và kết quả đều khả quan, sức khỏe phục hồi tốt, so với tuổi 94 thì kết quả điều trị này quả thực đã mở ra một cuộc sống thoải mái hơn trước: Nếu trước đây đi bộ tầm 1 phút là mệt thì nay bà vận động được nhiều hơn, có thể tập thể dục nhẹ nhàng mà không lo bị ngất.
Bà Thơ xuất viện với nụ cười rạng rỡ trong niềm vui của gia đình
“Hiện tại tôi thấy khỏe, vết thương không bị đau, các bác sĩ và điều dưỡng chăm sóc rất tốt. Năm mới mong có sức khỏe để được đi lại nhiều hơn, thăm được nhiều điểm chùa chiền hơn”, bà Thơ phấn khởi chia sẻ trong ngày xuất viện.
Theo bác sĩ Minh, loại máy tạo nhịp tim có dây trước đây nằm ngay vùng ngực người bệnh, mọi cử động có thể tăng nguy cơ chảy máu, nhiễm trùng, di lệch và thủ thuật sửa chữa nên 4 tuần mới có thể sinh hoạt bình thường. Trong khi đó, khi đặt máy tạo nhịp không dây cảm biến buồng nhĩ thì bà Thơ đã có thể sinh hoạt và tự thực hiện các hoạt động cá nhân thường ngày. Đây là khác biệt lớn giữa 2 loại máy. Ngoài ra, so với máy tạo nhịp tim có dây, thiết bị tạo nhịp tim không dây cảm biến buồng nhĩ giúp giảm nguy cơ cao nhiễm trùng túi máy, ngứa vết sẹo sau phẫu thuật; tính thẩm mỹ và độ an toàn cao hơn.
Tuy nhiên để một ca đặt máy tạo nhịp không dây cảm biến buồng nhĩ thành công, ngoài yếu tố công nghệ thì bác sĩ phải có đầy đủ kinh nghiệm, đủ chứng chỉ, hiểu cách đặt máy, chứng chỉ chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật, khi có đầy đủ những chứng chỉ đó rồi thì nhà cung cấp sản phẩm mới cho phép bác sĩ được quyền sử dụng. Tất cả những yêu cầu trên thì Bệnh viện FV đều đáp ứng đầy đủ.
“FV là đơn vị đầu tiên đặt thành công máy tạo nhịp tim không dây cảm biến buồng nhĩ tại Việt Nam trên bệnh nhân 88 tuổi vào tháng 2022, và trường hợp cụ Thơ 94 tuổi là ca thứ 2. Với những ưu điểm vượt trội, máy tạo nhịp tim không dây được xem là giải pháp hỗ trợ đắc lực cho bệnh nhân tim mạch trong việc kiểm soát chứng rối loạn nhịp tim”, bác sĩ Minh cho hay.
Để giảm bớt gánh nặng chi phí cho bệnh nhân, Bệnh viện FV kết hợp cùng Bảo hiểm Xã hội TP.HCM mở rộng phạm vi áp dụng khám chữa bệnh bằng Bảo hiểm Y tế (BHYT) Nhà nước cho các dịch vụ điều trị kỹ thuật cao tại Trung tâm Can thiệp Tim – Mạch (Cathlab) FV như chụp và can thiệp lấy huyết khối động mạch não số hóa xóa nền; chụp mạch số hóa xóa nền (DSA), thăm dò điện sinh lý và điều trị rối loạn nhịp tim bằng sóng cao tần thông thường,… các thủ thuật khác theo danh mục kỹ thuật được phê duyệt bởi BHXH.
Bệnh nhân có thể được BHXH chi trả lên đến 45% các chi phí điều trị tại bệnh viện FV. Cần tư vấn chi tiết, bệnh nhân có thể liên hệ SĐT: (028) 54 11 33 33