Chị từng có ý định tự tử khi sức chịu đựng căn bệnh… điếc đã vượt quá khả năng. Những cơn đau buốt tai dai dẳng, nhức đầu triền miên, những đêm không chợp mắt, những ngày giam mình trong bốn bức tường không dám gặp gỡ ai và đặc biệt là sau ba ca mổ tại các bệnh viện lớn đều thất bại đã khiến chị mất hết hy vọng… Bệnh viện FV và bác sĩ Nguyễn Quảng Đại – Trưởng khoa Tai Mũi Họng đã trả lại cho chị âm thanh và một cuộc sống bình thường sau một cuộc tái tạo âm thanh kỳ diệu
Vốn là người quảng giao, vui vẻ, sau một thời gian dài bị viêm tai giữa và giảm thính lực nặng, bà Vũ Thị Lan (61 tuổi, Tp.HCM) hầu như không thể nghe và hiểu những gì người khác nói nên rất mặc cảm. Bà tìm đến một bệnh viện lớn, bác sĩ nói bà bị viêm tai giữa (tai phải) và khẳng định sau khi mổ sẽ nghe được. Thế nhưng, kết quả vẫn chỉ là âm thanh hù hù như tiếng gió rít.
Những tháng ngày đầy nước mắt trong thế giới không có âm thanh
Bà Lan được chỉ định mổ lần hai cũng với lời hứa hẹn “nghe được” của bác sĩ. Trước ngày lên bàn mổ, bà tràn đầy hy vọng, vậy mà lại nhận thêm một thất bại: chẳng những không nghe được, mà tai bà còn bị rỉ dịch liên tục. Bà lại tìm đến một bệnh viện chuyên khoa khác, bác sĩ cho biết, tình trạng bệnh của bà rất nặng, hai tai đều bị viêm lâu ngày nên sau mổ có nghe được hay không thì… hên xui. Vậy là bà lại cắn răng chịu đau với hy vọng được nghe, được nói chuyện với mọi người. Nhưng, một lần nữa số phận lại không mỉm cười với bà: bà trở nên “điếc đặc” sau ba lần “lên thớt”.
Bà Lan hoàn toàn mất hết hy vọng. Khổ hơn, lúc này, tai bà lúc nào cũng có âm thanh hù hù như còi xe cứu thương, đầu thì nhức như búa bổ và đôi chân mất thăng bằng, đi đứng không vững.
Kể từ đó, bà Lan giam mình trong bốn bức tường, nhất quyết không ra khỏi nhà. Siêu thị và ngôi chợ thân thuộc gần nhà trở nên quá xa đối với bà, ngay cả người thân trong gia đình cũng khó tiếp cận bà. Bà Lan sống lặng lẽ, câm nín và rơi vào trạng thái trầm cảm. Bà kể: “Suốt hai năm tôi như sống trong địa ngục, ăn ngủ không được, chỉ có những cơn đau dai dẳng, kinh niên làm bạn. Nói thiệt, tôi chỉ muốn nhảy lầu chết, nhưng sợ người ta dị nghị tưởng chị em trong nhà hắt hủi, chứ không ai hiểu bệnh của mình. Ai có bị điếc, bị đau như xé tai, xé thịt như tôi mới hiểu, sống không bằng chết nữa.”
Chết không được, sống cũng không xong, bà Lan nghĩ đời mình xem như chấm hết và cố gắng cam chịu tập làm quen sống trong cảnh câm lặng đến cuối đời. Nhưng trang đời mới của bà Lan được mở ra khi bà gặp bác sĩ Nguyễn Quảng Đại – Trưởng khoa Tai Mũi Họng – Bệnh viện FV.
Cuộc tái tạo âm thanh trọn vẹn
Ngoài ba ca mổ thất bại kể trên, bà Lan còn đi khám bệnh khắp nơi và ở đâu bác sĩ cũng lắc đầu. Bạn bè khuyên bà Lan đi Úc, Singapore cấy ghép ốc tai điện tử. Nhưng cơ duyên đã cho bà gặp bác sĩ Nguyễn Quảng Đại và bà được cấy ghép ốc tai điện tử mà chẳng phải mất tiền ra nước ngoài như nhiều người chỉ dẫn.
Bác sĩ Đại kể: “Bệnh nhân đã được phẫu thuật nhiều lần nên các cấu trúc giải phẫu đã bị biến đổi hoàn toàn. Bình thường, cấu trúc tai gồm tai ngoài, tai giữa và tai trong. Ở tai trong, có một bộ phận được gọi là ốc tai, nơi tập trung các tế bào thần kinh tiếp nhận và xử lý âm thanh, giúp tai nghe được. Trường hợp của bà Lan, chẳng những bị hư ốc tai, mà sau ba lần mổ, cấu trúc giải phẫu tai bị xáo trộn trở thành một hốc rỗng không còn tai ngoài, màng nhĩ, hay tai giữa. Vì vậy, bà Lan không thể gắn máy trợ thính hay phẫu thuật cấy ghép ốc tai điện tử như thông thường, mà phải trải qua hai công đoạn: “dọn dẹp” thật sạch hố mổ, rồi mới tiến hành cấy ghép ốc tai. Hiện nay, cấy ghép ốc tai điện tử là kỹ thuật chữa mất thính lực hiệu quả và tối ưu, đặc biệt là với những trường hợp bị điếc nặng, điếc sâu, điếc nhiều năm như bà Lan. Một ca cấy ghép ốc tai bình thường chỉ mất khoảng 1 giờ đồng hồ là xong, nhưng riêng với ca của bà Lan, tôi phải mất đến 4 giờ đồng hồ mới hoàn tất.”
Bà Lan tâm sự: “Tôi biết trường hợp mình rất khó, nhưng bác sĩ Đại nói làm được thì tôi rất tin tưởng. Người quen sợ tôi một lần nữa phải thất vọng nếu ca mổ thất bại nên cương quyết ngăn không cho tôi mổ. Nhưng tôi và gia đình đặt trọn niềm tin vào tay nghề của bác sĩ Đại.”
Và niềm tin của bà Lan đã được đền đáp! Khi tỉnh lại sau ca mổ, bà còn không biết mình đã mổ chưa, vì không cảm thấy đau nhức, khó chịu như những lần trước. Đặc biệt, bà Lan kể lại: “Như có một phép màu, tôi không còn bị âm thanh ù xé tai hành hạ, không còn bị chóng mặt hay tim đập loạn xạ, hồi hộp và chân bước loạng choạng nữa.”
Sau mổ ba ngày, bà Lan xuất viện và đến ngày thứ năm là bà đã đi siêu thị trong niềm vui khó tả sau mấy năm trời chẳng dám đi đâu. Bà thấy mình như được tái sinh thành người khác: khỏe mạnh và yêu đời như xưa. Đến tháng thứ ba, đúng như lộ trình bác sĩ Nguyễn Quảng Đại đã phác thảo: bà Lan bắt đầu cảm nhận được âm thanh với niềm vui vỡ òa và chưa đầy một năm sau đó, bà đã nghe và giao tiếp bình thường với mọi người, thậm chí bà còn có thể nghe được điện thoại. Bà Lan đã trở lại cuộc sống thường nhật: đi chợ, nấu ăn, chăm sóc các cháu, xem tivi… mà bà cứ ngỡ như một giấc mơ.