Bệnh nhân L.Q.T (75 tuổi, ngụ ở Bình Dương) bị nhồi máu cơ tim nặng, nghẽn mạch vành dẫn đến thủng tim.
“Bác sĩ cho biết với trường hợp như bố tôi tỷ lệ sống chỉ có 2%, nhưng bác sĩ FV bảo “còn nước còn tát”. Lúc đó anh em chúng tôi tập trung chờ đợi trong thấp thỏm, đã “chuẩn bị tâm lý” cho tình huống xấu nhất”, con trai cả ông T. kể lại.
Biến chứng nhồi máu cơ tim nặng gây thủng tim
Bác sĩ Hồ Minh Tuấn, Trưởng khoa Tim Mạch Bệnh viện FV cho biết, bệnh nhân L.Q.T nhập viện vào 1g sáng ngày 18/3 trong tình trạng bất tỉnh. Trong quá trình khám lâm sàng, các bác sĩ đã tiến hành đo điện tim và siêu âm tim và thực hiện các xét nghiệm liên quan. Từ đó cho thấy ông nhập viện muộn ở ngày thứ 7-8 sau cơn nhồi máu cơ tim, dẫn đến phù phổi, suy tim. Cơn nhồi máu cơ tim đã gây biến chứng thủng vách tim. Đây là trường hợp hiếm gặp với tỷ lệ 0,2% trên thế giới, tức trong 500-700 ca nhồi máu cơ tim mới có một ca như trên. Với những trường hợp này tỷ lệ tử vong dao động từ 94-98%, có nghiên cứu báo cáo tỷ lệ tử vong lên đến 99%.
“Bình thường vách liên thất tim ngăn luồng máu giữa hai bên tách biệt. Khi nó bị thủng, áp lực máu từ tâm thất trái mạnh đẩy sang tâm thất phải, tâm thất phải đẩy máu ngược lên phổi gây phù phổi cấp, suy tim, từ đó dẫn đến nguy cơ tử vong”, bác sĩ Tuấn phân tích.
Ê-kíp của bác sĩ Tuấn đang thực hiện thủ thuật đặt stent lưu thông dòng máu cho bệnh nhân
Theo người nhà bệnh nhân, thời gian gần đây cụ ông có biểu hiện mệt mỏi, đau ngực, khó thở. Trước thời điểm nhập viện một tiếng, ông bị đau tức ngực dữ dội, khó thở nặng. Sau đó, ông được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện FV.
Khi đó, cả gia đình ông T. đã “chuẩn bị tâm lý” cho tình huống xấu nhất.
Cân não giành lại sự sống cho bệnh nhân
Do bệnh nhân cao tuổi, bị thủng tim phù phổi nặng kèm theo nhiều bệnh nền như tiểu đường, tăng huyết áp nên việc can thiệp tim mạch sẽ có nguy cơ rủi ro cao. Tuy nhiên với tinh thần dù chỉ còn 2% cơ hội sống thì vẫn còn hy vọng để cố gắng, ê-kíp bác sĩ Bệnh viện FV ngay lập tức lên phương án điều trị cho ông T.
Theo bác sĩ Hồ Minh Tuấn, với trường hợp này, bước đầu tiên cần phải xử lý vấn đề nhồi máu cơ tim cho bệnh nhân. Ê-kíp tiến hành đặt stent để lưu thông dòng máu, giúp cơ tim sống lại. Quá trình này diễn ra rất nhanh trong khoảng 5-7 phút vì nếu càng chậm cơ tim càng mau chết.
Khi bị nhồi máu cơ tim, mạch máu tim bị nghẽn, bác sĩ sử dụng các ống thông nhỏ luồn qua mạch máu ở tay theo đường động mạch ngoại biên. Sau khi xác định tổn thương, các bác sĩ tái thông đoạn hẹp bằng các stent để đảm bảo lưu thông tốt cho mạch máu tim.
Sau 12 ngày, máu lưu thông ổn định, cụ ông được vá lỗ thủng ở tim. Đây là một kỹ thuật khó, đòi hỏi tay nghề, kinh nghiệm bác sĩ và các trang thiết bị hỗ trợ hiện đại.
“Nếu trước đây để bít lỗ thủng tim phải mổ tim hở, trong những năm gần đây phương pháp thông tim can thiệp giúp sửa chữa lỗ thủng thông qua các ống thông đi từ động mạch và tĩnh mạch. Bác sĩ đo kích thước lỗ thủng và sử dụng các dụng cụ có hình dạng tương tự “chiếc dù”, sau khi vào bên trong sẽ được mở ra để bít lỗ thủng”, bác sĩ Tuấn giải thích.
Bác sĩ Tuấn và ê-kip vá lỗ thủng tim của bệnh nhân
Sau 1 giờ đồng hồ cân não, với sự phối hợp nhịp nhàng các chuyên khoa, cùng nhiều trang thiết bị hỗ trợ, quá trình vá lỗ thủng diễn ra thành công, sức khỏe bệnh nhân ổn định.
Theo bác sĩ Tuấn so với trường hợp thủng tim bẩm sinh, thì việc vá lỗ thủng cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim biến chứng sẽ có nhiều khó khăn hơn. Bởi nếu trường hợp bẩm sinh, lỗ thủng ổn định có hình dạng rõ, trong khi với bệnh nhân nhồi máu cơ tim, do thiếu máu cơ tim nên vùng rìa không chắc chắn và hình dạng không rõ ràng nên việc vá lỗ thủng khó hơn, đòi hỏi tay nghề, kinh nghiệm, phương tiện trang thiết bị tiên tiến.
Hiện tình trạng sức khỏe bệnh nhân ổn định, nằm ngủ không còn khó thở, có thể ăn uống, đi lại bình thường. Hình ảnh sức bóp cơ tim tốt tăng từ 30% lên 50%, bệnh nhân được xuất viện ngày 3/4/2023.
“Sau mổ, sức khỏe tôi tốt lên rất nhiều, không còn đau đớn hay khó thở nữa. Trong quá trình điều trị tại đây tôi được các y bác sĩ quan tâm, động viên rất nhiều. Tôi cảm thấy may mắn khi được bệnh viện cứu sống, trước đó đau đến mức tưởng chừng không qua khỏi”, cụ ông hồ hởi chia sẻ.
Cụ ông hồi phục sức khỏe sau 2 tuần điều trị tại Bệnh viện FV
Nguy cơ tử vong nếu bệnh nhân đến bệnh viện trễ hơn 10-20 phút
Bác sĩ Tuấn cho biết, khi bị nhồi máu cơ tim, mạch máu nuôi tim bị nghẽn lại, vùng cơ tim không có máu nuôi thì giai đoạn đầu bóp yếu hoặc không bóp. Do đó, nếu bệnh nhân tới bệnh viện muộn, vùng cơ tim bị hoại tử, gây tử vong. Trường hợp của cụ ông nếu nhập viện trễ 10 -20 phút thì nguy cơ tử vong rất cao.
Ngoài ra, bệnh nhân có tiền sử tiểu đường, tăng huyết áp, hút thuốc lá. Đây là những yếu tố tăng nguy cơ hẹp mạch vành gây ra các biến chứng tim mạch, cần kiểm soát tốt để tránh nguy cơ tái lại.
“Đối với người bệnh có yếu tố nguy cơ nhồi máu cơ tim, khi có triệu chứng nghi ngờ, phải đến bệnh viện chuyên khoa thăm khám sớm, tránh biến chứng cơ học như thủng tim, có thể gây tử vong. Các triệu chứng cần chú ý bao gồm tức ngực, khó thở, ngất, choáng váng…”, bác sĩ Tuấn khuyến cáo.
Phòng cathlab hiện đại tại Bệnh viện FV để điều trị các bệnh lý tim mạch
Bệnh viện FV đã đầu tư một Trung tâm tim mạch hiện đại và đồng bộ, áp dụng phương thức điều trị toàn diện cho bệnh nhân, nhờ vậy có thể thực hiện được các ca cấp cứu tim mạch phức tạp và hy hữu.
Cũng theo bác sĩ Tuấn, theo quy định quốc tế, từ khi bệnh nhân mạch vành và nhồi máu cơ tim được đưa vào viện cấp cứu đến khi kết thúc ca phẫu thuật phải dưới 90 phút. Tại Bệnh viện FV, nhờ xây dựng và triển khai nhuần nhuyễn quy trình cấp cứu tim mạch, thời gian bệnh nhân từ lúc có mặt tại phòng cấp cứu đến khi được đưa vào phòng Cathlab chỉ hơn 10 phút, và thời gian đặt stent diễn ra chưa đầy 25 phút. Nhờ tận dụng từng giây phút vàng trong cấp cứu, Bệnh viện FV đã thực hiện được các ca cấp cứu tim mạch hiếm gặp, thậm chí cứu sống được nhiều bệnh nhân trong tình trạng ngưng tim, phù phổi.
Cần tư vấn chi tiết về các bệnh lý tim mạch, bạn đọc có thể liên hệ ĐT: (028) 54 11 33 33.