Nhập viện trong tình trạng sốc nhiễm trùng do vỡ ruột thừa, cô bé 5 tuổi người Hàn Quốc rơi vào tình trạng nguy kịch. Các bác sĩ Bệnh viện FV đã dốc sức để cứu sống em.
Bé J.M.M 5 tuổi người Hàn Quốc, theo cha mẹ sang Việt Nam đã được 2 năm. Đầu tháng 1/2016, cô bé thường than đau bụng và bỏ bữa ăn. Đưa con đến bác sĩ gia đình khám, mẹ của bé (cô H.S.H, 24 tuổi) được bác sĩ cho biết M.M bị viêm ruột nhẹ và phải dùng thuốc tại nhà. Hai ngày sau, tình trạng của bé cũng không thuyên giảm. Cô S.H đưa con vào bệnh viện kiểm tra. Kết quả các xét nghiệm cho thấy bé bị viêm ruột thừa. Các bác sĩ đề nghị phẫu thuật để cắt bỏ.
Nghe đến hai chữ phẫu thuật, người mẹ trẻ vô cùng lo lắng, nhất là lúc cô chỉ có một mình nơi đất khách quê người vì chồng đi công tác xa. Tham khảo ý kiến của chồng, bạn bè cũng như các bác sĩ quen biết, cô S.H cương quyết đem con về nhà tự điều trị, đợi chồng về quyết định.
Vỡ ruột thừa dẫn đến sốc nhiễm trùng
Sáu ngày sau, tình trạng của bé trở nặng, bé không ăn được, thường xuyên ói và sốt cao. Cha của bé, anh, L.H.M, 30 tuổi, đi công tác về và lập tức đưa con vào bệnh viện. Tình trạng của bé đã nặng hơn trước rất nhiều. Các bác sĩ quyết định: “Vì toàn bộ màng bụng, lớp lót bên trong ổ bụng, và vùng chậu của bé đã bị nhiễm trùng nên chỉ có mổ hở, rạch rộng bụng, xử lý nhiễm trùng, rửa ổ bụng mới có thể cứu sống bé. Nếu để lâu hơn bé sẽ tử vong”. Phẫu thuật đồng nghĩa với việc suốt cuộc đời còn lại em sẽ phải chịu một vết sẹo dài dọc theo bụng, cũng như không thể chơi những môn thể thao vận động mạnh.
Không muốn con gái nhỏ phải mang những di chứng sau ca mổ, anh H.M liên lạc với nhiều bệnh viện để tìm cách điều trị khác. Anh đưa con gái đến Bệnh viện FV, sau khi xem xét tình trạng của bé M.M, bác sĩ Lê Đức Tuấn, Khoa Ngoại tổng quát, cho biết: “Tôi có thể mổ nội soi cho con anh. Như thế bé sẽ không bị sẹo dài và vẫn có thể sinh hoạt bình thường sau ca mổ.” Nghe vậy, anh H.M lập tức ký đơn đồng ý.
Bác sĩ Đức Tuấn cho biết thêm: “Bé bị vỡ ruột thừa lâu ngày khiến phân tràn khắp ổ bụng và gây viêm nhiễm. Thông thường, các bác sĩ sẽ yêu cầu mổ hở vì phương pháp này giúp phẫu thuật viên dễ dàng xác định vị trí ruột thừa bị vỡ và xử lý làm sạch ổ bụng. Tuy nhiên, ngoài việc bé mang sẹo, không thể vận động mạnh về sau, di chứng hậu phẫu có thể khiến bé có nguy cơ bị dính ruột, thoát vị thành bụng suốt đời. Trước nhu cầu của gia đình cũng như vì tương lai của bé, tôi đã hội chẩn liên chuyên khoa với các bác sĩ và quyết định mổ nội soi cho bé. Mổ nội soi mất nhiều thời gian và yêu cầu bác sĩ phải làm rất cẩn thận để rửa sạch mọi ngóc ngách ổ bụng cũng như xử lý phần ruột thừa vỡ. Không chỉ thế, bác sĩ phải có tay nghề cao để xác định vị trí ruột cần cắt bỏ. Tôi đã giải thích cẩn thận cho cha mẹ bé M.M và rất cảm ơn vì đã tin tưởng, đồng ý”.
Mổ nội soi để lau rửa ổ bụng và xử lý ruột vỡ
Bác sĩ Lê Đức Tuấn đã dùng Hệ thống mổ nội soi ổ bụng hiện đại để phẫu thuật cho bé M.M. Hệ thống này cho hình ảnh full HD và bao gồm cả máy bơm hút và rửa ổ bụng giúp bác sĩ kiểm soát áp suất nước để có thể lau rửa ổ bụng triệt để hơn cách thủ công trước đây (treo bình nước và truyền nước vào ổ bụng, áp suất thấp thì nâng cao, nhanh thì hạ xuống). Vì ruột bé bị vỡ lâu ngày nên rất khó xác định qua máy nội soi. Bác sĩ đã rất cẩn thận dùng kinh nghiệm của mình để kiểm tra mọi vị trí và phát hiện ra đoạn cần cắt và lấy ruột thừa qua túi chuyên dụng mà không chạm vào vết mổ nên tránh được nguy cơ nhiễm trùng.
Ba ngày sau ca mổ, bé M.M xuất viện trong tình trạng khỏe mạnh và không phải mang vết sẹo dài nào trên cơ thể. Cha mẹ em rất vui, anh H.M cho biết: “Trước đây tôi thật sự rất ngại khi điều trị bệnh cho người nhà và bản thân ở Việt Nam cũng như một nước xa lạ nào đó. Tôi thường chọn cách về Hàn Quốc để điều trị. Nhưng nay, tôi đã có thể hoàn toàn an tâm giao sức khỏe của cả gia đình cho các bác sĩ tại Việt Nam nói chung và Bệnh viện FV nói riêng…”