Khoa Cấp cứu hoạt động 24/24 mỗi ngày, tất cả các ngày trong năm. Với sự hỗ trợ kịp thời của khoa Xét nghiệm, khoa Chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ Nhi, bác sĩ Sản khoa, bác sĩ Gây mê hồi sức và các bác sĩ Phẫu thuật luôn túc trực suốt ngày đêm. Các bác sĩ và điều dưỡng trực cấp cứu tiếp nhận và điều trị kịp thời, giành lại sự sống cho bệnh nhân trong những tình huống nguy kịch nhất.
Ca mổ khẩn cấp của bác sĩ Lê Đức Tuấn – khoa Ngoại Tổng quát – Bệnh viện FV – cứu sống một nữ sinh viên trong tình trạng nguy kịch thực sự gợi lên cảm xúc cho biết bao nhiêu người về tấm lòng y đức của người thầy thuốc.
Những quyết định sống còn
Bị xe tải hất văng sau giờ tan học, một nữ sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng Tp.HCM được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện FV. Bác sĩ Trình Văn Hải – Trưởng khoa Cấp cứu – cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, choáng chấn thương, toàn thân xây xát, gãy tay, và vùng đùi cũng có dấu hiệu bị gãy xương. Đội ngũ bác sĩ trực cấp cứu khẩn trương thực hiện các quy trình chống sốc và cấp cứu cần thiết. cac xet nghiệm tiền phẩu cũng duoc triển khai tức thì.
Bác sĩ Lê Đức Tuấn, trực ngoại tổng quát hôm đó, có mặt ngay khi nhận được thông báo về ca chấn thương nặng và phức tạp. Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy bệnh nhân bị đa chấn thương nặng có xuất huyết trong ổ bụng
Hội chẩn nhanh với bác sĩ Lê Trọng Phát – Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình và bác sĩ Vincent Blondeau – Nguyên Trưởng khoa Ngoại Tổng quát, bác sĩ Tuấn quyết định đưa bệnh nhân lên thẳng phòng Mổ mà không chờ gia đình bệnh nhân đến làm các giấy tờ chấp thuận phẫu thuật theo quy định vì tính mạng bệnh nhân đang bị đe dọa nghiêm trọng, nếu không được phẫu thuật kip thời. Đây là một quyết định khó khăn và dũng cảm của bác sĩ Tuấn và ê-kip trực hôm đó do bệnh nhân bị chấn thương rất nặng và phức tạp, không loại trừ được nguy cơ bệnh nhân tử vong trên bàn mổ. Ngay khi phần mổ của bác sĩ Tuấn kết thúc, bác sĩ Phát lập tức bắt tay vào xử lý những phần xương bị gãy cho cô gái trẻ. Ca mổ kéo dài hơn 6 tiếng đã thành công. Bệnh nhân sau đó đã dần hồi phục và rất xúc động vì “được sinh ra lần nữa”.
Anh T.M.V., 38 tuổi, ngụ tại Q7, Tp.HCM, được người nhà đưa đến khoa Cấp cứu – Bệnh viện FV trong tình trạng bụng bị một con dao Thái Lan đâm ngập lưỡi, mất máu nhiều, bệnh nhân còn tỉnh táo nhưng da và niêm mạc nhợt nhạt, huyết áp tụt, mạch nhanh. Anh V. được đưa thẳng vào phòng hồi sức và phác đồ chống sốc mất máu được triển khai ngay tức thì.
Bác sĩ Phan Văn Thái, khoa Ngoại Tổng quát, đang trong ca trực được mời xuống khoa Cấp cứu hội chẩn nhanh. Kết quả siêu âm khẩn cho thấy lưỡi dao đã đâm vào gan bệnh nhân gây rách gan và xuất huyêt nội trầm trọng. Bác sĩ Thái chỉ định mổ gấp để “vá” gan và cầm máu ngay thì mới có cơ hội cứu sống bệnh nhân.
Được ưu tiên làm tất cả các xét nghiệm cũng như thủ tục nhập viện, bệnh nhân V. được đưa vào phòng Mổ chỉ khoảng 20 phút sau đó. Vốn rất có kinh nghiệm xử lý các biến cố ở gan nên với trường hợp bệnh nhân V., sau khi rạch một đường ngay sát vết dao đâm, bác sĩ Thái đã bình tĩnh vừa cầm máu vừa từ từ rút dao ra khỏi gan bệnh nhân, tránh tình trạng dao rút nhanh khiến máu chảy ồ ạt.
Bệnh nhân V. được truyền 4 đơn vị máu trong suốt ca mổ kéo dài 5 giờ đồng hồ. Hai mảnh gan bị dao cắt gần đứt rời đã được khâu vá cẩn thận giữ lại được tính mạng cho bệnh nhân V.
Một dịch vụ toàn diện
Cấp cứu y khoa là một lĩnh vực rộng, phức tạp và đa dạng. Do đó, nhằm hỗ trợ bệnh nhân kịp thời trong bất kỳ tình huống nào, khoa Cấp cứu – Bệnh viện FV luôn có một đội ngũ các bác sĩ và điều dưỡng chuyên khoa phối hợp với đội ngũ bác sĩ ở các chuyên khoa khác cùng áp dụng quy trình cấp cứu đạt tiêu chuẩn quốc tế JCI được xây dựng trên 5 nguyên tắc sau:
- Đánh giá bệnh nhân ngay tại phòng phân lọc bệnh
- Bệnh nhân gặp tình trạng nghiêm trọng nhất được ưu tiên khám trước
- Kiểm soát đau không chậm trễ theo thang độ đo mức độ đau
- Bệnh nhân đến khám không phải đợi quá 1 tiếng đồng hồ
- Bệnh nhân có thể được điều trị tại khoa Cấp cứu trong thời gian tối đa là 4 tiếng đồng hồ. Sau đó, bệnh nhân sẽ được xuất viện hoặc nhập viện để điều trị chuyên sâu
Cùng với việc cập nhật và áp dụng các quy trình tiên tiến trên thế giới tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện FV không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực để khẳng định, bệnh nhân hoàn toàn có thể yên tâm khi chọn dịch vụ cấp cứu tại FV.
Dự án xây dựng và nâng cấp khoa Cấp cứu của Bệnh viện FV là một trong những dự án lớn với mục đích cải thiện chất lượng dịch vụ, mang đến cho bệnh nhân sự chăm sóc tốt nhất trong một môi trường an toàn nhất.
Khoa Cấp cứu – Bệnh viện FV có đầy đủ các phòng chức năng như phòng phân lọc bệnh, phòng cách ly bệnh lây nhiễm với áp lực âm, phòng khử nhiễm cho bệnh nhân nhiễm hóa chất, phòng tiểu phẫu và phòng hồi sức cho bệnh nhân nặng… Các phòng điều trị tại đây đều được trang bị các phương tiện khám, chăm sóc, theo dõi và điều trị đầy đủ như hệ thống oxy âm tường, hệ thống theo dõi, máy hút đàm nhớt, máy thở di động có thể sử dụng trên xe cấp cứu, máy sốc điện…
Công tác vệ sinh và kiểm soát nhiễm khuẩn được xem là ưu tiên hàng đầu tại khoa Cấp cứu. Các quy trình về kiểm soát nhiễm khuẩn được tuân thủ nghiêm ngặt tại đây như: bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm sẽ được cách ly ngay trong lúc phân lọc bệnh, drap trải giường phải thay ngay sau khi bệnh nhân rời khỏi phòng, các bác sĩ tuân thủ nghiêm túc việc rửa tay trước và sau khi khám bệnh.
Khoa Cấp cứu được trang bị một máy siêu âm tổng quát FAST dùng để chẩn đoán các trường hợp chấn thương kín vùng bụng và ngực.
Các phương tiện và thuốc men sử dụng trong khoa Cấp cứu và trên xe cấp cứu đều được quản lý theo đúng tiêu chuẩn JCI: được kiểm tra hàng ngày, ghi chép tình trạng hoạt động, chất lượng, số lượng nhằm đảm bảo tất cả luôn sẵn sàng cho các tình huống khẩn cấp.