Dẫn lưu áp xe qua da

DẪN LƯU ÁP XE QUA DA LÀ GÌ?

Áp xe là một ổ tụ dịch nhiễm trùng bên trong cơ thể. Thông thường, bệnh nhân bị áp xe sẽ có biểu hiện sốt, ớn lạnh và đau. Sau khi siêu âm hoặc chụp cắt lớp (CT) và được chẩn đoán là có áp xe, bác sĩ điều trị và bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ tiến hành đánh giá để quyết định thực hiện dẫn lưu qua da (hoặc chọc hút dịch để lấy mẫu và phân tích) nhằm giúp điều trị áp xe.

Khi dẫn lưu áp xe qua da, bác sĩ đưa một cây kim nhỏ vào để hút hoặc dẫn lưu dịch nhiễm trùng (áp xe) từ cơ thể dưới hướng dẫn của hình ảnh. Thông thường, ống dẫn lưu được giữ nguyên tại chỗ một vài ngày để phòng ngừa tái phát. Thỉnh thoảng, nếu áp xe nằm ở vị trí không thể điều trị bằng phương pháp dẫn lưu qua da thìcần phải phẫu thuật mở rộng hơn để thực hiện dẫn lưu tại phòng mổ.

DẪN LƯU ÁP XE QUA DA THƯỜNG ÁP DỤNG TRONG CÁC TRƯỜNG HỢP NÀO?

Dẫn lưu áp xe qua da thường được áp dụng để lấy hết dịch nhiễm trùng từ cơ thể, đa phần thường gặp ở vùng bụng và vùng chậu. Áp xe có thể bắt nguồn từ cuộc phẫu thuật trước đó hoặc do nhiễm trùng thứ phát như viêm túi thừa. Dẫn lưu áp xe qua da có thể được áp dụng cho vùng ngực hoặc vùng khác của cơ thể tuy ít gặp hơn.

BỆNH NHÂN NÊN CHUẨN BỊ NHƯ THẾ NÀO?

Các bệnh nhân được chỉ định dẫn lưu áp xe qua da thường thuộc hai nhóm sau:

  • Bệnh nhân đang nằm viện, thường trong giai đoạn hồi phục sau khi phẫu thuật
  • Bệnh nhân chưa nằm viện và có các triệu chứng như mô tả ở trên. Trong các trường hợp này, Bệnh nhân có thể nhập viện trước ngày thực hiện thủ thuật.

Bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ tất cả các loại thuốc đang sử dụng cũng như dị ứng nếu có, đặc biệt với các loại thuốc gây tê tại chỗ, gây mê toàn thân hay chất tương phản. Bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân ngưng sử dụng thuốc aspirin, thuốc kháng viêm không steroid hoặc thuốc làm loãng máu trong một thời gian nhất định trước khi thực hiện thủ thuật.

Bệnh nhân sẽ được yêu cầu điền Bảng câu hỏi và Giấy chấp thuận trước khi khảo sát

Bệnh nhân nữ phải luôn thông báo cho bác sĩ hoặc kỹ thuật viên hình ảnh nếu có khả năng đang mang thai. Các khảo sát chẩn đoán hình ảnh sẽ không được thực hiện trong thời kỳ mang thai để giúp thai nhi không bị phơi nhiễm với bức xạ. Nếu khảo sát chẩn đoán hình ảnh là cần thiết, phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu tối đa phơi nhiễm bức xạ cho thai nhi.

Bệnh nhân có thể được hướng dẫn nhịn ăn hoặc uống một vài giờ trước khi thực hiện thủ thuật.

Bệnh nhân sẽ mặc áo choàng trong quá trình thực hiện thủ thuật.

Bệnh nhân cần lên kế hoạch nằm viện sau khi thực hiện thủ thuật.

THỦ THUẬT ĐƯỢC THỰC HIỆN NHƯ THẾ NÀO?

Các thủ thuật ít xâm lấn dưới hướng dẫn của hình ảnh (siêu âm hoặc chụp cắt lớp) như dẫn lưu áp xe qua da thường sẽ do bác sĩ chẩn đoán hình ảnh thực hiện, người được đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật này.

Bệnh nhân sẽ được chỉnh sửa tư thế trên bàn điều trị.

Bác sĩ sẽ gây tê tại vị trí dẫn lưu bằng thuốc gây tê tại chỗ

Vị trí đặt ống thông trên cơ thể sẽ được vô trùng và phủ một tấm khăn phẫu thuật vô trùng.

Bác sĩ sẽ rạch một đường rất nhỏ trên da tại vị trí đâm kim.

Dưới hướng dẫn của hình ảnh, một ống thông (ống nhựa rỗng, mỏng và dài) được đặt qua da và điều chỉnh để đi vào vị trí áp xe giúp dẫn lưu dịch nhiễm trùng.

Quy trình này thường hoàn tất trong vòng 20 phút đến 1 giờ.

Ống thông sẽ được khâu cố định vào da và có thể được nối với túi dẫn lưu bên ngoài cơ thể nếu cần. Ống thông sẽ được giữ lại cho đến khi dịch ngưng chảy và tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân chấm dứt. Việc dẫn lưu áp xe có thể mất vài ngày.

Các mẫu dịch áp xe có thể được thu thập để gửi đi phân tích.

BỆNH NHÂN SẼ GẶP VẤN ĐỀ GÌ TRONG VÀ SAU KHI THỰC HIỆN THỦ THUẬT?

Bệnh nhân sẽ có cảm giác châm chích nhẹ khi đặt đường truyền tĩnh mạch và khi tiêm thuốc gây tê tại chỗ.

Bệnh nhân có thể cảm thấy sức ép nhẹ khi đặt ống thông vào nhưng tình trạng này không quá khó chịu.

Thông thường, bệnh nhân thực hiện dẫn lưu áp xe qua da sẽ nằm viện một vài ngày. Việc theo dõi thêm thường được thực hiện trong điều trị ngoại trú và bệnh nhân sẽ gặp bác sĩ điều trị định kỳ để đảm bảo quá trình lành bệnh đang diễn tiến theo đúng kế hoạch. Khi bệnh nhân đã hồi phục và bác sĩ hài lòng với kết quả lành bệnh thì sẽ rút ống thông.

AI SẼ LÀ NGƯỜI BÁO KẾT QUẢ VÀ BỆNH NHÂN SẼ NHẬN KẾT QUẢ BẰNG CÁCH NÀO?

Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh có thể thông báo cho bệnh nhân biết thủ thuật có thành công về mặt kỹ thuật hay không sau khi hoàn tất.

Trong trường hợp lấy mẫu, bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ tiến hành quan sát mẫu bệnh phẩm đã thu thập để đưa ra chẩn đoán.

CÁC LỢI ÍCH SO VỚI NGUY CƠ CỦA THỦ THUẬT LÀ GÌ?

Lợi ích

Không cần phẫu thuật mở – chỉ cần một đường rạch nhỏ trên da mà không cần khâu lại.
Thủ thuật ít xâm lấn và thời gian hồi phục thường nhanh hơn so với dẫn lưu bằng phẫu thuật mở.

Nguy cơ

Bất kỳ thủ thuật xâm lấn nào cũng đều có nguy cơ nhiễm trùng. Nguy cơ nhiễm trùng cần điều trị kháng sinh là thấp hơn 1/1000 trường hợp.

Nếu có tiêm chất tương phản thì nguy cơ dị ứng rất thấp.

Cơ quan lân cận nơi dẫn lưu áp xe qua da có thể bị tổn thương tuy rất hiếm gặp.

Thỉnh thoảng có thể xảy ra tình trạng chảy máu. Tuy nhiên, tình trạng này có thể được điều trị bằng các kỹ thuật ít xâm lấn nếu cần.

Khi ống thông được đặt trong thời gian dẫn lưu áp xe qua da bị tắc nghẽn hoặc di lệch thì cần điều chỉnh hoặc thay ống thông mới. Ngoài ra, nếu ổ tụ dịch quá lớn hoặc phức tạp thì có thể phải đặt nhiều ống dẫn lưu áp xe.

Bệnh nhân làm gì để đặt lịch hẹn Dẫn lưu áp xe qua da?

Để biết thêm thông tin và đặt hẹn, vui lòng liên hệ Khoa Chẩn đoán hình ảnh qua số (08) 54 11 34 00