ĐAU TIM, ĐAU BỤNG DO RỐI LOẠN LO ÂU

Một số bệnh nhân lên cơn đau tim đột ngột, hoặc bị đau bụng dữ dội, phải nhập viện điều trị, đã bất ngờ khi bác sĩ chỉ ra căn nguyên gây bệnh là do rối loạn lo âu.

Rối loạn lo âu thường biểu hiện dưới các dấu hiệu liên quan bệnh tim mạch hay tiêu hóa… Tuy vậy, nhiều người chỉ tập trung điều trị triệu chứng, không nhận ra nguyên nhân chính bắt nguồn từ các vấn đề sức khỏe tâm thần.

Đau bụng dữ dội do lo âu quá mức

Đến tái khám chứng đau thượng vị tại Khoa tiêu hóa Bệnh viện FV, chị NTH (30 tuổi, Q.7, Tp.HCM) kêu la vật vã trên ghế chờ vì cơn đau bụng hành hạ. Tuy vậy, sau khi làm các xét nghiệm cho bệnh nhân, bác sĩ Vũ Duy Hiển nhận thấy đường tiêu hóa của chị H. lần này cũng như trước đó không có gì quá bất thường. Nghi ngờ nguyên nhân bệnh bắt nguồn từ chứng rối loạn lo âu, anh khuyên bệnh nhân khám thêm bên chuyên khoa tâm lý, tâm thần. Song chị H. lập tức từ chối, cho rằng mình không có vấn đề gì về tâm lý.

Sau 2 tuần, chị H. tái khám vẫn với tình trạng đau bụng dữ dội. Kết quả khám cũng như hai lần trước đó, hệ tiêu hóa không có tổn thương nghiêm trọng. Bác sĩ Hiển quyết định dành thời gian lựa lời phân tích cho chị H.: những lo lắng, áp lực tâm lý là một trong những nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa. Sau hơn 30 phút trò chuyện với bác sĩ, chị H. đồng ý qua khám thử về sức khỏe tâm thần ở Đơn vị tâm thần thuộc khoa Nội Bệnh viện FV.

Tại đây, kết quả khám cho thấy chị bị chứng rối loạn lo âu lan tỏa, ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa và giấc ngủ. Chị H. được kê thuốc điều trị chứng rối loạn lo âu. Ngay sau đó chị đã có giấc ngủ tốt hơn và chứng đau thượng vị được cải thiện dần và hết đau.

Rối loạn lo âu có thể dẫn đến các vấn đề tiêu hoá
Rối loạn lo âu có thể dẫn đến các vấn đề tiêu hoá

Thực tế, Khoa Tiêu hóa và Gan mật, Bệnh viện FV từng tiếp nhận không ít bệnh nhân bị rối loạn lo âu, bệnh biểu hiện dưới những triệu chứng như rối loạn tiêu hóa, thay đổi khẩu vị, tăng hoặc sụt cân. Khá phổ biến là hội chứng ruột kích thích có nguyên nhân từ rối loạn lo âu: thường cứ 10 ca hội chứng ruột kích thích thì có tới 3 ca nguyên nhân bắt nguồn từ rối loạn lo âu.

Tuy vậy, đa số những bệnh nhân này không tin là mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Việc từ chối điều trị căn nguyên gây bệnh sẽ khiến cho bệnh tái đi tái lại và ngày một trầm trọng hơn.

“Trái tim tan vỡ” do căng thẳng quá mức

Không chỉ ảnh hưởng tới cơ quan tiêu hóa, rối loạn lo âu cũng tác động tiêu cực đến hệ tim mạch. Bác sĩ Hoàng Quang Minh, Khoa Tim mạch, Bệnh viện FV cho biết, gần đây  FV tiếp nhận không ít bệnh nhân đến khám với biểu hiện hồi hộp, đau nhói ở ngực, hụt hơi, đuối sức song khi đo điện tim, siêu âm tim để kiểm tra van tim, cơ tim, chức năng tim lại cho kết quả bình thường. Trong các trường hợp đó, bác sĩ tim mạch sẽ khuyên bệnh nhân khám thêm bên khoa Nội – tâm thần kinh và kết quả cho thấy họ bị các vấn đề về lo lắng quá mức làm ảnh hưởng cho tim mạch.

“Thực tế, nguồn gốc của những cơn đau nhói tim, những cơn hụt hơi có thể là do rối loạn lo âu. Rối loạn lo âu có triệu chứng ở bất kể cơ quan nào trong cơ thể mà tim là nơi các triệu chứng xảy ra dễ nhận biết nhất. Khi lo âu, cơ thể sẽ kích thích hệ thống nội tiết tố (hormone) và làm cho tim thay đổi về mặt vận động”, bác sĩ Minh cho biết thêm.

Hội chứng rối loạn lo âu nếu không được kiểm soát có thể bùng phát thành cơn suy tim cấp. Bác sĩ Minh cho biết gần đây có trường hợp một bệnh nhân nữ trẻ đến thăm khám với triệu chứng mệt mỏi, đau nhói ở ngực. Bệnh nhân được người nhà đưa đi nhập viện cấp cứu vì các cơn mệt xuất hiện liên tục và mỗi lúc một nặng hơn. Kết quả xét nghiệm cho thấy men tim tăng, tim của bệnh nhân bị tổn thương thật sự, nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị ngưng tim và tử vong.

Theo bác sĩ Minh, bệnh nhân mắc hội chứng Takotsubo hay còn gọi là “trái tim tan vỡ” – một hội chứng hiếm gặp, xảy đến khi người bệnh trải qua những sự cố căng thẳng cảm xúc hoặc bị các áp lực tinh thần quá mức khiến tim có thể bị tổn thương và dẫn tới suy tim cấp.

Rối loạn lo âu có thể dẫn đến các cơn đau tim, tim đập nhanh
Rối loạn lo âu có thể dẫn đến các cơn đau tim, tim đập nhanh

Rối loạn lo âu cần được nhìn nhận và kiểm soát sớm

Rối loạn lo âu là một dạng căng thẳng về mặt cảm xúc, với nhiều mức độ khác nhau, nhiều dạng khác nhau như rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn lo âu xã hội, rối loạn hoảng loạn,…  Đặc điểm chung của các loại rối loạn lo âu là có một sự lo lắng vô cớ không phù hợp với hoàn cảnh, tình huống, khiến cho người bệnh phải chịu đựng các triệu chứng cơ thể, hoặc những hậu quả ảnh hưởng đến tâm lý, xã hội và chức năng làm việc.

Theo BS. Đào Thị Thu Hương, Khoa Tâm thần, Bệnh viện FV, khi bị lo lắng, sợ hãi quá mức, người mắc chứng rối loạn lo âu sẽ gặp vấn đề về giấc ngủ, khó đi vào giấc ngủ bởi vì họ thường có những suy nghĩ miên man không dứt ra được. Họ bị mất tập trung, dễ bị đau đầu, căng thẳng, dễ cáu kỉnh, hồi hộp, chân tay đổ mồ hôi, đau bụng, đau cổ vai gáy, tiêu chảy, táo bón,… Đặc biệt với chứng rối loạn lo âu hoảng loạn, có những cơn người bệnh cảm tưởng như sắp chết, không thể kiểm soát được cơ thể, phải ngay lập tức vào cấp cứu.

BS Đào Thị Thu Hương, Khoa Tâm thần, Bệnh viện FV tư vấn cho bệnh nhân
BS Đào Thị Thu Hương, Khoa Tâm thần, Bệnh viện FV tư vấn cho bệnh nhân

Cũng chính vì không nhận biết được mình bị rối loạn lo âu và người bệnh cũng thường có tâm lý phủ nhận mình gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần, nhiều bệnh nhân đã phải gặp nhiều bác sĩ đến từ các chuyên khoa khác nhau, thậm chí tới nhiều bệnh viện khác nhau, tốn nhiều thời gian và tiền bạc đồng thời chất lượng sống, chất lượng làm việc bị giảm sút nghiêm trọng.

Chứng rối loạn lo âu không được kiểm soát kịp thời còn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe bệnh nhân có bệnh nền. “Những bệnh lý về tâm thần sẽ ảnh hưởng đến những bệnh lý về cơ thể, và ngược lại. Chẳng hạn người tiểu đường, tăng huyết áp, hen suyễn hoặc các bệnh nội tiết khác,… khi bị căng thẳng kéo dài thì các bệnh mạn tính cũng không được kiểm soát ổn định, dẫn tới thường xuyên phải chỉnh liều thuốc, kéo theo các hệ quả khác của bệnh lý này”, bác sĩ Thu Hương phân tích.

Điều trị rối loạn lo âu: có thể kết hợp giữa thuốc và điều trị tâm lý

Tại bệnh viện FV, bệnh nhân nghi ngờ mắc chứng rối loạn lo âu được giới thiệu thăm khám về tâm lý hoặc tâm thần kinh tại khoa Nội. Bệnh nhân được thực hiện các khảo sát, các lượng giá chuyên sâu để đánh giá đúng bệnh trong thời gian ngắn nhất. Chuyên gia tâm lý Bùi Thị Quỳnh Anh, Khoa tâm lý Lâm sàng bệnh viện FV chia sẻ: “Việc điều trị rối loạn lo âu tại FV tùy từng trường hợp, có thể dùng thuốc hoặc bằng liệu pháp tâm lý hoặc phối hợp cả hai”.

Chuyên gia tâm lý Bùi Thị Quỳnh Anh cho biết, có thể điều trị rối loạn lo âu bằng thuốc hoặc điều trị tâm lý, hoặc kết hợp cả hai
Chuyên gia tâm lý Bùi Thị Quỳnh Anh cho biết, có thể điều trị rối loạn lo âu bằng thuốc hoặc điều trị tâm lý, hoặc kết hợp cả hai

Rối loạn lo âu cần được điều trị trong thời gian dài, do đó cần sự động viên không chỉ là từ bản thân người bệnh mà còn từ gia đình và bác sĩ. Ngoài ra, các rối loạn tâm thần thường bị ảnh hưởng từ yếu tố xã hội nên cũng cần quan tâm xem liệu họ có đang phải chịu sự căng thẳng nào hay không để thể can thiệp hỗ trợ tâm lý tức thời kết hợp với nhiều phương pháp khác. Hiện có một số phương pháp mới được áp dụng tại FV trong quá trình điều trị rối loạn tâm thần nếu như dùng thuốc hoặc trị liệu tâm lý không hiệu quả, ví dụ kích thích từ xuyên sọ.

Bạn đọc có nhu cầu khám và tư vấn các vấn đề rối loạn lo âu có thể liên hệ Khoa Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện FV qua số điện thoại: (028) 54 11 33 33.

Do áp lực của đời sống hiện đại, các vấn đề rối loạn lo âu có xu hướng gia tăng. Theo một thông khảo sát công bố năm 2021, khoảng 4% dân số mắc phải chứng rối loạn lo âu, tương đương với 301 triệu người. Theo thống kê của Bộ Y tế công bố tháng 8/2023, mỗi năm gần 15 triệu người Việt Nam mắc các chứng rối loạn tâm thần, đứng đầu là trầm cảm, rối loạn lo âu – chiếm 5,4% dân số.