Ung thư đại trực tràng là loại ung thư phố biến, gây tử vong đứng thứ 4 trong các ung thư tại Việt Nam. Theo Trung tâm điều trị ung thư Hy Vọng bệnh viện FV, việc tầm soát sẽ giúp phát hiện được ung thư đại trực tràng ở giai đoạn tiền ung thư hoặc phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, thậm chí kể cả khi chưa có triệu chứng, nhờ vậy khả năng chữa khỏi cao.
Ba lần lên bàn mổ vì khối u đại tràng
Anh NVL (TP.HCM) thường cảm thấy nóng ran vùng bụng dưới, các cơn đau ngày càng tăng. Anh đi khám, được bác sĩ cho dung thuốc trị đau dạ dày nhưng không khỏi. Vào tháng 8.2010, anh phát hiện bụng dưới có gì đó cỡ bằng quả trứng gà lồi lên một cách bất thường, ấn vào không đau. Rồi anh bị sốt cao nhiều ngày liền. Khi nhập viện, bác sĩ chẩn đoán anh bị viêm ruột. Ca phẫu thuật được tiến hành, cắt bỏ phần ruột viêm của anh, đưa một đoạn ruột già ra ngoài thành bụng để làm hậu môn nhân tạo.
Sau ca mổ, anh NVL liên tục sốt cao, bụng trướng to và cơn đau ngày một dữ dội. 9 ngày sau cuộc phẫu thuật đầu tiên, anh lại phải nhập viện, lần này anh được chẩn đoán có khối bướu ở chỗ nối đại tràng xích ma với trực tràng. Các bác sĩ đã cắt khối bướu cho anh, sau đó tiến hành hóa trị khi sức khoẻ anh khá hơn. Tuy nhiên, những cơn đau dữ dội vẫn không ngừng hành hạ anh. Hoang mang lo sợ, anh NVL tìm đến Trung tâm điều trị ung thư Hy Vọng, Bệnh viện FV.
Các xét nghiệm tại Trung tâm Hy Vọng cho thấy vẫn còn khối bướu lớn đường kính tới 8cm, nằm ở chỗ nối đại tràng và trực tràng, xâm lấn bàng quang, ăn lan ra niệu quản bên phải, gây ứ nước ở thận. Cuộc hội chẩn liên chuyên khoa tại Trung Tâm Hy Vọng đã đưa ra chiến lược điều trị trị tối ưu nhất cho anh. Trước tiên anh được đặt thông niệu quản để giải quyết hiện tượng chèn ép niệu quản và bảo vệ thận, sau đó anh được xạ trị kết hợp hóa trị đồng thời vào khối bướu.
Hai tháng sau xạ trị, khối bướu gần như biến mất. Điều này đã tiếp thêm sức mạnh cho anh lần thứ ba lên bàn mổ. Tỉnh dậy trong phòng hồi sức, việc đầu tiên của anh là đưa tay tìm túi đựng phân. Niềm vui vỡ òa khi anh không còn thấy “nó” và khối bướu được cắt bỏ thành công!
Sau 5 năm, sức khoẻ anh hiện rất ổn định. Anh cảm thấy mình thật may mắn khi đã tìm tối Trung tâm Hy Vọng, nhờ đó thoát khỏi tử thân.
Dễ bỏ qua dấu hiệu sớm của ung thư đại trực tràng
Bác sĩ Võ Kim Điền – Trung tâm Điều trị Ung thư Hy Vọng, Bệnh viện FV cho biết, có thể phối hợp nhiều phương thức khác nhau để điều trị ung thư đại trực tràng như xạ trị, hóa trị, phẫu thuật; trong đó phẫu thuật là phương pháp điều trị triệt căn. Phương pháp hóa xạ trị trước khi mổ giúp thu nhỏ kích thước khối u, hạn chế phải mổ rộng hơn. “Tại Trung tâm Hy Vọng, chúng tôi áp dụng phác đồ điều trị theo từng bước, từ chẩn đoán, tổ chức hội chẩn với các bác sĩ chuyên khoa đầu ngành ung thư, tiêu hóa, phẫu thuật… để đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.” Bác sĩ Điền cho biết. Và Trung tâm Hy Vọng là nơi giúp cho BN phẫu thuật ung thư trực tràng không phải làm hậu môn nhân tạo.
Người mắc bệnh ung thư đại trực tràng thường phát hiện ở giai đoạn trễ do chủ quan. Các dấu hiệu của ung thư đại trực tràng như đau bụng kéo dài, đi ngoài phân dính máu, ợ hơi, chướng bụng… tương tự như các bệnh lý tiêu hoá khác, do vậy thường bị bỏ qua. Khi BN thấy đau đớn mới đi khám thì bệnh đã trở nặng, việc điều trị phức tạp hơn mà cơ hội chữa khỏi thấp.
Dù chưa rõ nguyên nhân chính xác song có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư đại trực tràng như: bị Polyp đại tràng (u nhú), chế độ dinh dưỡng không lành mạnh (thiên về chất béo, đồ chiên, nướng, thiếu chất xơ…), mắc các bệnh viêm nhiễm đường ruột lâu năm, di truyền, thói quen lạm dụng thuốc lá, đồ uống có cồn…. Những người thuộc nhóm nguy cơ nên tầm soát định kỳ để phát hiện sớm, giúp điều trị triệt để. “Trong nhiều trường hợp, tầm soát có thể giúp phòng ngừa ung thư đại trực tràng nhờ phát hiện và cắt bỏ được những polyp qua nội soi trước khi chúng phát triển thành ung thư.” Bác sĩ Điền đưa ra lời khuyên.
Nguồn: Y Linh