Một góc nhìn từ chuyên gia dinh dưỡng Bệnh viện FV tại Hội nghị thường niên Tai Mũi Họng 2025, giúp mở ra hướng điều trị hiệu quả và bền vững hơn cho người mắc bệnh lý tai mũi họng mạn tính.

Khi triệu chứng không biến mất dù đã điều trị đúng cách
Tại Hội nghị Khoa học Thường niên Tai Mũi Họng 2025 vừa qua, bài báo cáo của ThS.BS.CKII. Nguyễn Viết Quỳnh Thư – Trưởng khoa Dinh dưỡng & Tiết chế, Bệnh viện FV – đã đặt ra một vấn đề còn ít được quan tâm trong thực hành lâm sàng: dị ứng thực phẩm là nguyên nhân tiềm ẩn nhưng có thể làm trầm trọng thêm nhiều bệnh lý Tai Mũi Họng mạn tính như viêm xoang, viêm mũi dị ứng, viêm tai giữa hay polyp mũi.
Bác sĩ Thư dẫn chứng từ nhiều ca bệnh cho thấy bệnh nhân dù được điều trị nội khoa hoặc thậm chí đã phẫu thuật nhưng vẫn tái phát liên tục. Chỉ đến khi được làm test dị ứng thực phẩm và loại trừ những tác nhân như sữa bò, trứng, lúa mì hay hải sản,… khỏi khẩu phần ăn, các triệu chứng mới bắt đầu cải thiện rõ rệt. “Có những bệnh nhân viêm xoang mạn kéo dài cả năm trời, nội soi lúc nào cũng thấy phù nề, tiết dịch. Sau khi loại sữa và gluten khỏi chế độ ăn, 12 tuần sau tái khám, niêm mạc mũi cải thiện đáng kể, không cần dùng thêm kháng sinh hay corticoid nữa” bác sĩ chia sẻ.

Báo cáo cũng cho thấy các bệnh lý khác như viêm tai giữa tràn dịch ở trẻ em, bệnh Meniere, hay viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan, đều có liên hệ chặt chẽ với dị ứng thực phẩm – một yếu tố thường bị bỏ sót trong quá trình chẩn đoán và điều trị. Đáng chú ý, chế độ ăn Địa Trung Hải – một mô hình dinh dưỡng cân bằng, ít thực phẩm chế biến và ít dị nguyên – đã chứng minh hiệu quả trong việc giảm tái phát viêm xoang ở trẻ nhỏ.
Phát hiện sớm và cá nhân hóa điều trị
Không dừng lại ở việc nhận diện nguyên nhân, bác sĩ Quỳnh Thư còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết kế chiến lược điều trị theo hướng cá nhân hóa. Tại Bệnh viện FV, các xét nghiệm IgE đặc hiệu qua máu, kết hợp với nhật ký thực phẩm và phương pháp loại trừ, đã giúp xác định chính xác những thực phẩm cần tránh, đồng thời đảm bảo chế độ ăn của bệnh nhân vẫn đủ dinh dưỡng.
“Chúng tôi cân chỉnh và xây dựng lại chế độ ăn thay thế, đảm bảo bệnh nhân – đặc biệt là trẻ em – không bị thiếu hụt dinh dưỡng. Quan trọng là phải thông tin đến người bệnh, giúp họ biết cách chọn lựa thực phẩm, chủ động kiểm soát triệu chứng và sống an toàn với dị ứng” bác sĩ nói.
Những kiến thức chuyên môn từ báo cáo của bác sĩ Quỳnh Thư đã tạo ra dấu ấn tích cực tại Hội nghị thường niên Tai Mũi Họng 2025 trong thực hành điều trị, không chỉ với bác sĩ chuyên ngành Tai Mũi Họng, mà còn với các chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ nhi và nội khoa tổng quát.
Quan trọng hơn, thông điệp lớn nhất dành cho người bệnh chính là: khi điều trị bằng thuốc không mang lại kết quả như mong đợi, hãy nghĩ đến dị ứng thực phẩm – có thể chính là “nguyên nhân bị bỏ quên” trong quá trình phục hồi sức khỏe của bạn.

Hội nghị Khoa học Thường niên Tai Mũi Họng 2025 diễn ra từ ngày 21–23/3 tại Đà Nẵng, quy tụ hơn 600 cử tọa trực tiếp, hơn 1.000 cử tọa trực tuyến và trên 20.000 lượt truy cập. Với chủ đề “Cập nhật chẩn đoán – điều trị Tai Mũi Họng, Phẫu thuật Đầu Cổ, Nhi khoa và Thính học”, sự kiện là diễn đàn kết nối chuyên môn uy tín, cập nhật các tiến bộ y khoa và chia sẻ kinh nghiệm điều trị thực tiễn. Nhiều bài báo cáo mang tính ứng dụng cao được trình bày, trong đó có chuyên đề về dị ứng thực phẩm trong bệnh lý Tai Mũi Họng do Bệnh viện FV thực hiện, góp phần mở rộng hướng điều trị hiệu quả hơn cho người bệnh. |