Chăm sóc giảm nhẹ là một phương pháp giúp giảm các triệu chứng đau do ung thư hoặc do các liệu trình điều trị ung thư gây ra, có tác động tích cực giúp nâng cao chất lượng sống trong những năm tháng cuối đời của bệnh nhân. Đây là sự kết hợp nhiều biện pháp bao gồm điều trị giảm đau cũng như giải quyết những vấn đề tâm lý và thực thể khác mà bệnh nhân và gia đình đang phải gánh chịu.
Những cơn đau cùng cực đã khiến tinh thần cũng như sức khỏe của cô N. mắc ung thư đường mật trong gan và di căn sau phúc mạc bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tháng 03/2021, cô đến Bệnh viện FV trong tình trạng suy dinh dưỡng và bị hành hạ bởi những cơn đau nặng, dai dẳng với câu hỏi “Vì sao mình phải chịu đựng đau đớn đến như vậy?”. Cùng với đó là tình trạng mất ngủ, lo âu, trầm cảm kéo dài.
Bệnh nhân được chỉ định khám với bác sĩ Nguyễn Nam Bình – Trung tâm Điều trị Đau, Bệnh viện FV. Sau khi tìm hiểu bệnh sử và khám lâm sàng kĩ lưỡng, bác sĩ Nam Bình nhận thấy bệnh nhân cần sử dụng Morphin để giảm đau. Tuy nhiên, cả bệnh nhân và gia đình đều e ngại việc sử dụng Morphin do sợ tác dụng phụ của thuốc vì lo rằng dùng “thuốc phiện” lâu dài sẽ gây nghiện. Khi hiểu được sự lo lắng này, bác sĩ Nam Bình đã giải thích cặn kẽ cho cô và gia đình hiểu rằng: việc sử dụng thuốc đúng phác đồ, đúng liều lượng dựa trên việc đánh giá mức độ đau một cách chính xác bằng thang điểm đánh giá đau quốc tế (BPI) là rất an toàn, hiệu quả và sẽ không có tác dụng phụ hoặc gây nghiện xảy ra. Lúc này, cả gia đình mới hiểu và đồng thuận để bệnh nhân bắt đầu bước vào điều trị.
Song song với việc sử dụng thuốc giảm đau trong quá trình điều trị, bệnh nhân ung thư cần phải được chăm sóc nâng đỡ tinh thần bằng các liệu pháp tâm lý. Bác sĩ Nam Bình cũng đã quan sát và nhận thấy những biểu hiện căng thẳng cũng như trầm cảm ở bệnh nhân nên đã cố gắng tiếp cận để tìm cách giúp đỡ. Qua quá trình thăm khám và chia sẻ, bác sĩ đã giải thích và thuyết phục bệnh nhân rằng việc căng thẳng và trầm cảm sẽ làm tăng mức độ đau và mong muốn hỗ trợ cô N. bằng thuốc chống trầm cảm và an thần để tâm trạng được cải thiện, đồng thời làm tăng hiệu quả giảm đau và giảm liều Morphin. Bệnh nhân đồng ý hợp tác và chỉ sau một vài ngày, tình trạng đau, tinh thần và tâm trạng của cô đã cải thiện một cách vô cùng tích cực. Từ đây, cô có thêm niềm tin vào liệu pháp điều trị mà bác sĩ Nam Bình đưa ra. Không chỉ hỗ trợ bệnh nhân bằng thuốc, bác sĩ Nam Bình còn chọn âm nhạc trị liệu là những bản nhạc thiền với giai điệu nhẹ nhàng, tích cực và dễ chịu, nhờ đó cô N. dễ ngủ hơn và có cảm giác bình yên hơn.
Tuy nhiên, không lâu sau thì bệnh tình của cô lại trở nặng do nhiễm trùng cổng bơm thuốc và khối u di căn. Lúc này, cơn đau của cô tăng lên và khó kiểm soát bằng điều trị nội khoa. Bác sĩ Nam Bình đã quyết định đổi thuốc từ đường uống sang phương thức truyền giảm đau liên tục dưới da thông qua một bộ truyền kiểm soát giảm đau dùng một lần (PCA PUMP). Đây là một thiết bị y tế dạng bơm truyền được thiết kế đặc biệt cho phép bệnh nhân di chuyển và sinh hoạt thoải mái trong khi một lượng thuốc cố định được đưa liên tục dưới da. Liều lượng thuốc đã được bác sĩ Nam Bình tính toán dựa vào các yếu tố trước đó. Nhờ vậy, bệnh nhân quên đi cơn đau của mình và không cần canh thời gian uống thuốc nên thoải mái sinh hoạt như bình thường.
Có rất nhiều loại Pump với những kích thước, tốc độ truyền và cách sử dụng khác nhau được bác sĩ chọn lựa riêng cho từng trường hợp bệnh. Đối với bệnh nhân N., bác sĩ chọn cho cô loại Pump có thể tích 250 ml, sử dụng trong vòng 5 ngày. Sau 5 ngày, thân nhân có thể đến bệnh viện để được cung cấp một Pump mới sau khi bệnh nhân thăm khám với bác sĩ qua điện thoại thông qua dịch vụ Khám bệnh từ xa của FV (Telemedecine) về tình trạng bệnh.
Đến nay đã qua 3 tháng điều trị, chất lượng sống của cô N. đã được cải thiện đáng kể, cô đã có thể tận hưởng những khoảnh khắc sống hạnh phúc bên người thân và gia đình. Đây thực sự là một món quà lớn dành cho bác sĩ trực tiếp điều trị cho cô. Quá trình chăm sóc giảm nhẹ cho những bệnh nhân ung thư là một quá trình tương tác, phối hợp và chia sẻ giữa bác sĩ, người bệnh và cả thân nhân để bệnh nhân có thể có được khoảng thời gian cuối đời yên ả và người thân cũng giảm bớt sự hụt hẫng, đau buồn.
Theo bác sĩ Nguyễn Nam Bình, Trung tâm điều trị Đau Bệnh viện FV, bệnh nhân ung thư cần được giảm đau thích hợp để thoát khỏi những cơn đau dai dẳng. Mắc phải ung thư giai đoạn muộn là một thách thức đầy đau buồn đối với bất kì ai. Tuy nhiên, nhờ những tiến bộ trong điều trị đau được cập nhật từ các nước tiên tiến, bệnh nhân không cần phải chịu đựng những đau đớn không cần thiết. Những cơn đau này có thể được giảm nhẹ bằng rất nhiều phương pháp khác nhau từ nội khoa đến ứng dụng các thủ thuật can thiệp hiện đại như: phong bế đám rối thần kinh, giảm đau ngoài màng cứng, cấy bơm truyền thuốc liên tục nội tủy… Với dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ tại khoa Đau Bệnh viện FV, người bệnh sẽ được kiểm soát cơn đau và điều trị để có thể được thoải mái sống vui khi đang mắc ung thư ở bất cứ giai đoạn nào.
Bác sĩ Nguyễn Nam Bình tốt nghiệp Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM năm 2006 và nhận bằng Chuyên khoa I ngành Gây mê Hồi sức năm 2016 cũng tại ngôi trường này. Ngoài ra, bác sĩ Nam Bình còn tham gia các khóa đào tạo nâng cao để bổ trợ cho chuyên ngành của mình như: Gây mê hồi sức, Siêu âm tim, Siêu âm cơ xương khớp cơ bản, Tối ưu hóa sử dụng opioid trên thực hành lâm sàng, Đau do ung thư,…Hiện nay, trong lĩnh vực điều trị đau do ung thư, bác sĩ Nam Bình đang làm việc cùng bác sĩ Louis Brasseur, một chuyên gia điều trị đau người Pháp, người có nhiều kinh nghiệm điều trị trong lĩnh vực chăm sóc giảm nhẹ mang lại niềm vui cho bệnh nhân và thân nhân.
FV là bệnh viện đa chuyên khoa với đội ngũ bác sĩ tay nghề cao, giàu kinh nghiệm, với trang thiết bị được đầu tư hiện đại và đồng bộ giữa các chuyên khoa. Các mạch bệnh điều trị tại FV đều được hội chẩn và hợp tác điều trị giữa các chuyên khoa, dưới sự giám sát của Hội đồng Cố vấn Y khoa Bệnh viện FV. Mục đích là đưa ra phương pháp điều trị thích hợp nhất, giúp bệnh nhân tiết kiệm thời gian và chi phí. Đơn cử như bệnh nhân ung thư sẽ được hội chẩn và hợp tác điều trị giữa các Chuyện khoa và/ hoặc Trung tâm Điều trị Ung thư Hy Vọng và khoa quản lý Đau khi cần thiết can thiệp các phương pháp kiểm soát đau do ung thư và nâng đỡ tinh thần người bệnh.