Trong các trường hợp tái hẹp mạch vành, thách thức lớn nhất của bác sĩ là không đánh giá được đầy đủ những tổn thương phức tạp trong lòng mạch để thực hiện chính xác phương án điều trị, kết quả điều trị do đó có thể bị ảnh hưởng. Nhưng khi có sự can thiệp của công nghệ chụp cắt lớp quang học OCT, từng ngóc ngách trong lòng mạch sẽ được thể hiện rõ nét, việc điều trị mạch vành, đặc biệt là các ca tái hẹp, cho kết quả rất cao.
OCT vì thế được đánh giá là trợ thủ hữu ích cho bác sĩ tim mạch, mở ra cơ hội cứu sống được nhiều bệnh nhân tái hẹp động mạch vành cấp tính.
Đặt stent cho bệnh nhân bị tái hẹp mạch vành với sự “hướng dẫn” của công nghệ OCT
Ông N., bệnh nhân người Đức được người nhà đưa đến cấp cứu tại bệnh viện FV trong tháng 11.2023 với triệu chứng đau tức ngực và khó thở. Sau khi làm các xét nghiệm cho bệnh nhân, các bác sĩ khoa Tim kết luận ông N. bị tái hẹp mạch vành bên phải. Cách đây 5 năm ông từng được đặt stent can thiệp mạch vành tại Đức, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, các khối xơ vữa mới tạo thành làm hẹp lòng mạch, ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng và hoạt động của tim. Bệnh nhân có thể gặp các biến chứng nghiêm trọng như rối loạn nhịp tim, suy tim, nhồi máu cơ tim,… nếu không được điều trị kịp thời.
Để tìm hiểu về tổn thương của mạch vành cho ông N. trước khi đưa ra phương án điều trị, các bác sĩ quyết định sử dụng hệ thống chụp cắt lớp quang học mạch vành (OCT) vừa mới được triển khai tại Bệnh viện FV.
OCT mạch vành là một kỹ thuật chụp hình ảnh hiện đại. Các bác sĩ sẽ đưa vào lòng mạch vành một thiết bị ghi hình siêu nhỏ có phát tia hồng ngoại bước sóng ngắn để ghi nhận hình ảnh trong lòng mạch. Các hình ảnh này rất rõ nét, cho phép nhìn thấy rõ các cấu trúc trong lòng mạch, như các lớp của mạch máu, các vết loét, rách, huyết khối… Từ đó, bác sĩ có thể xác định chính xác vị trí cần đặt stent, chọn stent có kích thước phù hợp, giảm nguy cơ tái hẹp.
Từ kết quả chụp hình ảnh chính xác và rất chi tiết trên, ekip của TS.BS. Hồ Minh Tuấn đưa ra phương án điều trị tái nong mạch vành cho bệnh nhân: tiến hành cắt bỏ các mảng xơ vữa cho bệnh nhân N. bằng bóng có dao cắt và cắt mảng xơ vôi bằng đầu dò kim cương, sau đó nong lòng mạch lớn ra rồi đặt vào một stent mới. Trước khi kết thúc thủ thuật, bác sĩ kiểm tra lại stent vừa đặt bằng phương pháp OCT để chắc chắn thiết bị nằm đúng vị trí và độ mở tối ưu của stent. Bệnh nhân sau đó đã hồi phục sức khỏe và được xuất viện.
Công nghệ OCT hỗ trợ điều trị hiệu quả cho bệnh nhân tái hẹp mạch vành
Bệnh động mạch vành là bệnh do các mảng xơ vữa tích tụ trên thành động mạch, theo thời gian, lòng mạch bị thu hẹp lại. Sự hẹp dần tiến triển từ mức nhẹ, rồi trở nặng và đôi khi dẫn đến tắc nghẽn hoàn toàn. Bệnh này có thể gây ra tình trạng thiếu máu cơ tim thầm lặng, đau thắt ngực, hội chứng mạch vành cấp (đau thắt ngực không ổn định , nhồi máu cơ tim), và đột tử do tim. Theo thống kê của viện Tim mạch quốc gia, tỉ lệ bệnh nhân mắc bệnh mạch vành tăng dần mỗi năm, tỉ lệ tử vong do bệnh này chiếm 11-36%.
Đặt stent để điều trị mạch vành thông thường được thực hiện nhờ kỹ thuật chụp DSA mạch máu, mạch vành tim có cản quang. Tuy nhiên kỹ thuật này có sự hạn chế về độ rõ nét với những tổn thương khó thấy, nên phải dùng tia X nhiều lần, như vậy có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Ngoài ra còn có kỹ thuật IVUS – hay còn gọi là siêu âm trong lòng mạch, dùng sóng siêu âm với độ xuyên thấu cao, có thể thấy hình ảnh xơ vữa trong lòng mạch. Nhưng hình ảnh của kỹ thuật IVUS có độ phân giải không cao nên thường được ứng dụng ở các mạch máu lớn. Với hai kỹ thuật trên, các bác sĩ sẽ không thể đánh giá chính xác những tổn thương phức tạp, dẫn đến kết quả điều trị cũng bị ảnh hưởng.
“Ước tính có khoảng 25-30% trường hợp chẩn đoán hẹp động mạch vành và can thiệp đặt stent không tối ưu khi chưa có kỹ thuật OCT. Kỹ thuật cắt lớp quang học động mạch vành OCT ra đời đã khắc phục được những vấn đề này và mở ra cơ hội điều trị tốt cho những bệnh nhân bị tái hẹp mạch vành cũng như các bệnh tim mạch khác”, TS.BS. Hồ Minh Tuấn – Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện FV cho hay.
Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy kỹ thuật OCT giúp cho bác sĩ điều trị tốt trong những trường hợp bệnh nhân tái hẹp mạch vành. “Thứ nhất, kỹ thuật OCT được sử dụng để tìm ra nguyên nhân vì sao bệnh nhân bị tái hẹp mạch vành, sau đó kiểm tra xem đặt stent đã tối ưu chưa. Thứ hai, những trường hợp tổn thương mạch vành chia nhiều nhánh thì kỹ thuật OCT cho thấy rất rõ những tổn thương này, từ đó bác sĩ đưa ra phương án điều trị đúng. Tổn thương chia nhánh người ta gọi là tổn thương phức tạp, cần kỹ thuật OCT để phân tích điều trị chính xác”, Trưởng khoa Tim mạch của bệnh viện FV nhận định.
OCT mạch vành hiện được giới chuyên môn đánh giá rất cao trong can thiệp điều trị bệnh tim mạch, giúp tăng hiệu quả điều trị và an toàn cho bệnh nhân. Tuy nhiên, để vận hành kỹ thuật này, các bệnh viện cần có đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên được đào tạo chuyên sâu, cũng như phòng cathlab được trang bị hiện đại.
Để biết thêm thông tin về kỹ thuật chụp cắt lớp quang học mạch vành (OCT), bạn đọc có thể liên hệ số điện thoại (028) 54 11 33 33.