Với các bệnh nhân mắc chứng trầm cảm nặng, kháng thuốc, phương pháp kích thích từ xuyên sọ lặp lại (rTMS) cho hiệu quả cao trong điều trị, không cần phẫu thuật đặt điện cực vào não, không gây mê an thần và sốc điện.
Điều trị trầm cảm không đúng cách có thể dẫn đến kháng thuốc
ThS.BSCKI Lê Hoàng Ngọc Trâm – Khoa Tâm thần kinh – Bệnh viện FV cho biết, hầu hết người bệnh trầm cảm không biết mình bị trầm cảm. Họ đến khám vì bị mất ngủ thường xuyên, người mệt mỏi, chán ăn hoặc ăn mất kiểm soát, bồn chồn, tim đập nhanh. Trước các biểu hiện ban đầu mơ hồ, khó nhận biết, bản thân bệnh nhân và những người thân bên cạnh thường bỏ qua hoặc coi nhẹ triệu chứng. Vì vậy, trầm cảm thường có chuyển biến vô cùng phức tạp vào thời điểm được phát hiện và chẩn đoán.
Bệnh nhân trầm cảm thường dễ bỏ qua các dấu hiệu bệnh ở giai đoạn đầu.
Tới giai đoạn nặng, người bệnh ngại nói chuyện, hạn chế tiếp xúc với nhiều người xung quanh, cử chỉ chậm chạp, chán nản, không có hứng thú với bất kỳ điều gì; luôn bi quan trong mọi việc, cảm thấy mọi thứ sẽ tồi tệ; tự ti về năng lực bản thân, cảm thấy mình vô dụng, sợ hãi. Nghiêm trọng hơn, nhiều người bệnh chia sẻ từng ít nhất một lần có ý nghĩ về tự tử hoặc từng tự tử bất thành.
Những bệnh nhân trầm cảm cũng gặp khó khăn trong việc làm theo hướng dẫn của bác sĩ và tìm cách đối phó với các thách thức mà bệnh tật gây ra cho bản thân. Điều này khiến họ không tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.
Theo bác sĩ Trâm, nhiều bệnh nhân có xu hướng lạm dụng thuốc vì muốn dứt điểm nhanh các rối loạn lo âu hoặc bỏ thuốc giữa chừng sau một thời gian điều trị có hiệu quả, khiến bệnh không thuyên giảm mà còn trầm trọng hơn.
Bên cạnh đó, tác dụng phụ của thuốc trầm cảm như chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy kéo dài, khiến nhiều bệnh nhân tự ý ngừng thuốc đột ngột, gián đoạn điều trị. Do đó, kháng thuốc là hệ lụy thường thấy ở rất nhiều bệnh nhân trầm cảm nặng.
rTMS: Liệu pháp điều trị trầm cảm kháng thuốc
Theo bác sĩ Trâm, trước đây trị liệu bằng xung điện (ECT) là giải pháp được áp dụng cho nhóm người mắc bệnh trầm cảm nặng, bao gồm kháng thuốc, rối loạn lưỡng cực và các bệnh lý tâm thần khác. Với liệu pháp ECT này, một dòng điện nhỏ được đưa đến não để gây ra cơn động kinh khoảng vài phút. Tuy nhiên, một số người bệnh sợ hãi và từ chối điều trị khi chứng kiến sốc điện, nên cần sử dụng thuốc gây mê và an thần khi thực hiện liệu pháp này. Bên cạnh đó, ECT có thể gây ra các phản ứng phụ tiêu cực như co giật, mất trí nhớ tạm thời hoặc lâu dài, có thể làm tăng đường huyết và huyết áp, rối loạn nhịp tim và đau đầu.
Điều trị trầm cảm bằng liệu pháp rTMS tại Bệnh viện FV
Hiện nay, với sự tiến bộ của khoa học, liệu pháp kích thích từ xuyên sọ qua da lặp lại (rTMS) có thể thay thế ECT trong điều trị trầm cảm, mang lại hiệu quả cao.
rTMS sử dụng các xung từ tính sóng ngắn xuyên qua xương sọ kích thích các tế bào nhằm thay đổi chức năng điện thần kinh của vùng não từ bên ngoài, không cần xâm lấn. Các xung từ ngắn, cường độ mạnh được lặp đi lặp lại để kích hoạt các vùng não ít hoạt động trở nên linh hoạt nhờ chất truyền dẫn thần kinh được tái tạo nhiều hơn. Mục đích của liệu pháp này là chuyển đổi từ một não bộ mất cân bằng sang tình trạng bình thường.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân vẫn tỉnh táo và có thể trở lại làm việc bình thường sau đó. Bệnh nhân trong tư thế thoải mái trên ghế tựa và có thể đeo tai nghe suốt cả phiên để thư giãn. Một phiên điều trị khoảng từ 5 phút đến 60 phút. Một đợt điều trị thông thường kéo dài khoảng 4-6 tuần.
Ưu điểm lớn nhất của rTMS là không xâm lấn, không cần phẫu thuật để đặt các điện cực vào não bộ, không gây các cơn co giật nên không cần gây mê hoặc dùng đến thuốc an thần. Gần 70-80% bệnh nhân điều trị trầm cảm tại FV hồi phục tốt sau chu kỳ đầu tiên áp dụng liệu pháp rTMS.
ThS.BSCKI Lê Hoàng Ngọc Trâm tư vấn điều trị trầm cảm bằng liệu pháp rTMS
Không chỉ có trầm cảm, bệnh nhân mắc các bệnh về tâm lý, tâm thần, thần kinh như sa sút trí tuệ (Alzheimer), co thắt cơ sau đột quỵ, Parkinson, đau thần kinh kháng trị như đau sau Zona, đau dây thần kinh tam thoa, đau đầu migraine, rối loạn ám ảnh cưỡng chế… cũng đã được áp dụng điều trị bằng rTMS ở nhiều nơi trên thế giới và dần được công nhận.
Tuy nhiên, rTMS chống chỉ định với bệnh động kinh hoặc co giật, có cấy ghép kim loại hoặc thiết bị điện tử trong người, các trường hợp nghiện ma túy. Các tác dụng phụ thường ít gặp và không đáng kể như: khó chịu vùng da đầu, cảm thấy đầu lâng lâng.
Từ năm 2018, rTMS đã được Bệnh viện FV ứng dụng trong điều trị chứng trầm cảm nặng. Đạt chứng nhận chất lượng y tế quốc tế JCI, FV là một trong số ít những bệnh viện tại Việt Nam được trang bị máy kích thích từ xuyên sọ lặp lại rTMS thế hệ mới. Đội ngũ y bác sĩ cũng được tập huấn, hướng dẫn trực tiếp từ các chuyên gia của Đan Mạch, Thụy Sỹ và Pháp, trong việc ứng dụng rTMS vào điều trị trầm cảm tại FV.
Điều trị trầm cảm tại Bệnh viện FV được kết hợp với liệu pháp tâm lý hành vi.
Bệnh nhân điều trị các bệnh về tâm lý tại Bệnh viện FV bằng liệu pháp rTMS còn được áp dụng liệu pháp tâm lý hành vi. Đây cũng là thế mạnh của FV khi có thể hội chẩn liên chuyên khoa tại chỗ và tức thì. Từ đó, các phương pháp điều trị được chỉ định kịp thời với liệu trình cá nhân hóa cụ thể. Bệnh nhân sẽ được hỗ trợ tâm lý, trò chuyện, giúp người bệnh giải tỏa sự lo âu, hiểu được tình trạng bệnh của mình, từ đó phối hợp điều trị tốt hơn.
Có thể gọi vào số (028) 54 11 33 33 để được tư vấn điều trị trầm cảm tại Bệnh viện FV.