ĐIỀU TRỊ UNG THƯ GAN BẰNG PHƯƠNG PHÁP CAN THIỆP NỘI MẠCH CHO CỤ ÔNG U90

Bị ung thư gan giai đoạn B và không thể mổ, một cụ ông 89 tuổi vừa được Bệnh viện FV điều trị bằng phương pháp nút mạch TACE. Ngay lần đầu thực hiện thủ thuật, kích thước khối u đã bị tiêu biến hơn 90%.

Khám sức khỏe, bàng hoàng khi phát hiện khối u gan 3cm

Trong lần đưa vợ đi khám bệnh tại Bệnh viện, chú T.N.T (89 tuổi) tiện thể tầm soát sức khỏe, ông bàng hoàng khi kết quả cho thấy ông có khối u ác tính ở gan, kích thước khoảng 3cm.

Trường hợp của chú T được đưa ra bàn luận tại Hội Đồng Ung Bướu đa chuyên khoa (Tumour Board) định kỳ của bệnh viện FV, đây là cuộc hội chẩn hàng tuần để thảo luận các ca ung thư có sự góp mặt của các chuyên gia Ung bướu, nội khoa, phẫu thuật, chẩn đoán hình ảnh và can thiệp mạch máu, để có thể đưa ra hướng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Sau đánh giá và phân tích tình trạng bệnh của chú T, nhận thấy khối u của chú T không phù hợp với phẫu thuật, Hội đồng Ung Bướu đa chuyên khoa đề nghị điều trị U gan của chú T bằng kỹ thuật nút mạch hóa chất động mạch gan (TACE). Đây là phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu dành cho các trường hợp ung thư biểu mô tế bào gan không có chỉ định phẫu thuật.

Hình minh họa thủ thuật bơm hóa chất tắc nút mạch gan TACE
Hình minh họa thủ thuật bơm hóa chất tắc nút mạch gan TACE

Bác sĩ Huỳnh Hữu Danh – BS can thiệp hình ảnh của bệnh viện FV, BS chính trong ê kíp thực hiện thủ thuật TACE cho ông T cho biết: “Quy trình thực hiện kỹ thuật nút mạch gan TACE cho chú T. khá phức tạp vì chú có suy thận, nên khi làm cần phải điều chỉnh thuốc cản quang và thuốc hóa trị vừa đủ để có thể thực hiện thủ thuật, mà vẫn phải đảm bảo vấn đề suy thận không bị nặng hơn”.

Hơn 90% khối u tiêu biến sau 1 tháng thực hiện thủ thuật TACE

Thủ thuật TACE được thực hiện bởi Ê kíp can thiệp hình ảnh của bệnh viện FV. Thông qua một vết tiêm nhỏ ở động mạch đùi phải của bệnh nhân, BS can thiệp đưa ống thông vào hệ thống động mạch của bệnh nhân. Sau đó, BS can thiệp sẽ bơm thuốc cản quang để tạo bản đồ mạch máu của bệnh nhân nhờ vào máy DSA. Nhờ có được bản đồ mạch máu, BS can thiệp đưa ống thông và vi ống thông tới vị trí nhánh mạch đang cấp máu cho khối u gan, bơm vào hỗn hợp hóa chất điều trị ung thư và vật liệu gây tắc mạch để ngăn nguồn cấp máu nuôi khối u.

TACE Là thủ thuật can thiệp tối thiểu, không phẫu thuật, không gây mê, chỉ cần gây tê tại chỗ, nhờ vậy bệnh nhân hồi phục rất nhanh sau thủ thuật TACE.

Là thủ thuật can thiệp tối thiểu nên bệnh nhân không có cảm giác đau đớn trong suốt quá trình can thiệp

BS Danh cùng Ê kíp DSA đang thực hiện thủ thuật cho bệnh nhân
BS Danh cùng Ê kíp DSA đang thực hiện thủ thuật cho bệnh nhân

Sức khỏe của bệnh nhân ổn định sau thủ thuật. “Sau khi tắc mạch, chú T. bệnh hồi phục nhanh , không biến chứng, đặc biệt không bị biến chuyển thành suy thận cấp, đó là một thành công lớn của cả ê kíp”, bác sĩ Danh cho biết.

“Để thực hiện thủ thuật thành công đó là nhờ sự phối hợp ăn ý và chuyên nghiệp của cả Ê Kip bệnh viện FV, từ các BS ung bướu, BS ngoại tổng quát, BS tiêu hóa, BS Chẩn đoán hình ảnh và ê kip Cathlab. Mình thực sự cảm thấy rất may mắn khi được làm việc cùng một ê kip rất chuyên nghiệp” BS Danh cho biết thêm.

Một tháng sau khi thực hiện thủ thuật, chú T được chụp MRI lại kiểm tra. Kết quả MRI được các BS Chẩn đoán hình ảnh nhận định khối u đã tiêu hủy hơn 90%

“Bệnh nhân sẽ phải thực hiện ít nhất 1 lần TACE nữa để kiểm soát hoàn toàn khối u và tránh tái phát”, bác sĩ Danh đánh giá.

Đón nhận kết quả tái khám, chú T. và các thành viên gia đình vui mừng vì bệnh tình đã được kiểm soát tốt hơn kỳ vọng. “Tôi thấy chất lượng Bệnh viện FV rất tốt, từ đội ngũ y bác sĩ cho tới những y tá, kĩ thuật viên, họ rất nhiệt tình, giỏi chuyên môn. Tôi gửi gắm niềm tin vào các bác sĩ của FV, đặc biệt là bác sĩ Danh, một bác sĩ trẻ tài năng”, chú T. cảm kích nói.

Bệnh nhân tái khám với BS Danh sau 1 tháng kể từ lần nút mạch gan TACE thứ nhất
Bệnh nhân tái khám với BS Danh sau 1 tháng kể từ lần nút mạch gan TACE thứ nhất

Đây là một trong nhiều trường hợp khẳng định FV luôn có nhiều phương án điều trị khác nhau, mang tính cá nhân hóa cho cho từng bệnh nhân trong điều trị bệnh lý nói chung và với các bệnh về ung thư nói riêng.

Ung thư gan là ung thư đứng đầu tại Việt Nam, trong đó 90% số ca ung thư gan là ung thư biểu mô tế bào gan (HCC). Theo thống kê của Tổ chức ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2022, Việt Nam ghi nhận 180.480 ca mắc ung thư mới với 120.184 trường hợp tử vong, chiếm 66.7%.

“Ung thư gan không có triệu chứng rõ ràng nên thường chỉ được phát hiện khi bệnh nhân đi tầm soát. Bệnh nhân ung thư gan ở Châu Á thường xuất hiện trên những người bị xơ gan, viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C, do đó nhóm này cần đi tầm soát định kỳ hằng năm để phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm. Trường hợp không tầm soát phát hiện bệnh sớm, khối u phát triển có triệu chứng đau vùng gan hoặc vùng hạ sườn phải, khi đó việc điều trị sẽ phức tạp hơn”, bác sĩ Phạm Đình Khương – Khoa Chẩn đoán Hình ảnh và Điện Quang Can Thiệp, Bệnh viện FV khuyến cáo.

Để biết thêm thông tin về phương pháp nút mạch TACE điều trị ung thư gan, bạn đọc có thể liên hệ Khoa Chẩn Đoán Hình Ảnh và Điện Quang Can Thiệp Bệnh viện FV qua số: (028) 54 11 33 33 – Máy nhánh 1201, 2222