Tại sao chế độ ăn uống lại quan trọng với tiểu đường thai kỳ?
Hầu hết phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ đều có thể kiểm soát đường huyết của mình chỉ bằng cách đơn giản là thay đổi chế độ ăn uống kết hợp với việc tập luyện thể chất. Việc tuân thủ đúng kế hoạch ăn uống có thể giúp bạn kiểm soát tiểu đường thai kỳ, nuôi dưỡng thai nhi đang phát triển và giúp bạn cảm thấy khỏe mạnh.
Đối với một số phụ nữ, chế độ ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất vẫn không đủ để kiểm soát đường huyết. Nếu đường huyết vẫn ở mức cao, bạn có thể phải dùng insulin theo chỉ định của bác sĩ.
Vì vậy, chuyên gia dinh dưỡng sẽ giúp bạn thiết lập một kế hoạch ăn uống lành mạnh.
Làm thế nào để đáp ứng các nhu cầu về dinh dưỡng?
Bạn cần đáp ứng các nhu cầu về năng lượng và các chất dinh dưỡng (bao gồm chất tinh bột, chất đạm, chất béo, chất xơ) phù hợp với bệnh tiểu đường thai kỳ như sau:
Chỉ số khối cơ thể (BMI)kg/m2 | Năng lượng ước tính dựa vàoCân nặng Trước khi Mang Thai (PPW) kcal/kg/ngày |
Thiếu cân (<19.8) | 36-40 |
Cân nặng bình thường (19.8-26) | 30 |
Thừa cân (26.1-29) | 24 |
Béo phì (>29) | 12-18 |
Song thai | Bổ sung thêm 500 kcal/ngày vào các khuyến nghị trên |
* Theo tài liệu Hướng dẫn Y khoa cho Thai kỳ đã được Viện Hàn Lâm Khoa học Quốc gia thông qua
- Chất đạm: 12 – 20% tổng năng lượng ăn vào
- Chất bột đường: 50 – 55% tổng năng lượng ăn vào
- Chất béo: 25 – < 30% tổng năng lượng ăn vào
- Chất xơ: 20 – 35g/ngày.
Làm thế nào để có đủ tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết trong thực phẩm nhưng không làm tăng đường huyết?
Bạn nên có chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng, trong đó phải bao gồm 4 nhóm thực phẩm: chất tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất theo các khuyến nghị sau
NHÓM TINH BỘT
Tinh bột là nguồn năng lượng được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm. Hầu hết tinh bột đều thủy phân thành đường (glucose). Bạn cần ăn tinh bột để có sức khỏe tốt và giúp thai nhi khỏe mạnh. Tuy nhiên, ăn nhiều tinh bột quá mức sẽ làm tăng đường huyết.
Bạn nên ăn vừa đủ các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp và ít làm tăng đường huyết, như:
- Gạo lứt còn vỏ cám
- Bún tươi
- Gạo tấm
- Các loại đậu nguyên hạt
- Ngũ cốc nguyên cám
- Bánh mì nâu, v.v.
Bạn nên hạn chế các thực phẩm làm tăng đường huyết, như:
- Gạo trắng, bánh mì trắng, khoai tây, v.v.
- Tránh dùng các loại nước giải khát, nước trái cây, nước có đường, v.v.
- Hạn chế các món tráng miệng như kem, bánh nướng, bánh ngọt, bánh quy và v.v.
Đọc nhãn cẩn thận và kiểm tra tổng lượng tinh bột trong mỗi khẩu phần.
NHÓM CHẤT ĐẠM
- Cá, thịt nạc, các loại đậu, trứng, sữa đều là các thực phẩm giàu chất đạm.
NHÓM CHẤT BÉO
- Hãy thận trọng với chất béo, đặc biệt là khi bạn đang tăng cân quá mức.
- Nên sử dụng thịt nạc giàu đạm như thịt gia cầm, thịt bò, thịt heo và cá. Hạn chế thịt hộp, thịt xông khói, xúc xích, mỡ động vật, da, nội tạng, bơ, margarine, sốt mayonnaise, kem phô mai, v.v.
- Nên ăn các loại hạt có dầu, sử dụng dầu thực vật để nấu ăn.
NHÓM RAU CỦ
Nên ăn ít nhất 500 – 600g rau xanh mỗi ngày. Nên ăn rau trước các bữa ăn chính để hạn chế tình trạng tăng đường huyết sau khi ăn, vì rau là nguồn cung cấp chất xơ và giúp ngăn ngừa hấp thu chất tinh bột ăn sau đó.
NHÓM TRÁI CÂY
Nên chọn loại trái cây ít ngọt và có chỉ số đường huyết thấp: khoảng 200g/ngày (như dưa gang, bơ, dâu, thanh long, bưởi, cam ta, quýt ta, lê, táo, sơ ri, kiwi xanh, nho ta, v.v). Trái cây được dùng như món tráng miệng sau bữa ăn, trung bình một suất trái cây cho mỗi bữa ăn là từ 50-100g tùy theo loại trái cây ngọt nhiều hay ngọt ít, mỗi ngày có thể ăn 2 – 3 suất. Nên ăn cả xác (chất xơ) của trái cây để tận dụng nguồn chất xơ, tránh chỉ ép lấy nước uống. Lưu ý đối với phụ nữ mang thai, đường huyết thường có xu hướng tăng vào buổi sáng do đó nên ăn trái cây vào buổi trưa và/hoặc buổi chiều, và tránh ăn vào buổi sáng.
NHÓM SỮA VÀ CÁC SẢN PHẨM TỪ SỮA
- Đây là nguồn cung cấp năng lượng, chất đạm, canxi và một số vi chất khác.
- Nên sử dụng sữa tách béo/ít béo, không đường và giàu canxi, sữa đậu nành không đường, sữa chua không đường, phô mai, v.v.
- Nếu phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ ăn uống kém, suy dinh dưỡng hoặc ít lên cân, có thể cân nhắc việc bổ sung dinh dưỡng bằng sữa chuyên biệt có chỉ số đường huyết thấp dành cho bệnh nhân tiểu đường (theo chỉ định của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng).
- Nên tránh sử dụng các sản phẩm sữa dành cho phụ nữ mang thai vì chúng có thể làm tăng đường huyết.
Những điều cần lưu ý khác về chế độ dinh dưỡng là gì?
- Ăn các bữa ăn nhỏ, phân chia bữa ăn chính và bữa ăn nhẹ đều đặn. Ăn cách khoảng 2 đến 3 giờ. Chia đều lượng tinh bột trong suốt cả ngày để giúp duy trì đường huyết ổn định.
- Trong mỗi bữa ăn chính và bữa ăn nhẹ, nên bao gồm một số chất đạm lành mạnh vì các chất này cũng giúp kiểm soát đường huyết của bạn. Ngoài ra, chất đạm còn giúp bạn cảm thấy dễ chịu và đầy năng lượng trong suốt cả ngày.
- Trong các bữa ăn nhẹ, bạn có thể chọn các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như sữa tiệt trùng không đường, sữa chua không đường, sữa đậu nành không đường, trứng, phô mai, cuốn rau với tôm, thịt, v.v.
- Khi bị tiểu đường thai kỳ, đường huyết của bạn có xu hướng tăng vào buổi sáng. Để tránh xảy ra điều này, bạn nên ăn ít tinh bột vào bữa sáng hơn bữa trưa hoặc bữa tối trong kế hoạch ăn uống. Ví dụ như, kế hoạch của bạn cần nêu rõ trong bữa sáng sẽ bao gồm một khẩu phần sữa, một khẩu phần chứa tinh bột và một số chất đạm. Bạn nên ăn một bữa sáng rất nhỏ và một bữa ăn nhẹ tương tự vào giữa buổi sáng khoảng 2 giờ sau đó.
- Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều muối như mì ăn liền, súp đóng hộp, khoai tây chiên, thức ăn đông lạnh và thực phẩm đóng gói.
- Không xay và hầm quá nhừ tinh bột (ví dụ: ăn cháo) vì dễ làm tăng đường huyết.
- Uống đủ nước (6-8 ly một ngày).
- Việc ăn uống điều độ đúng giờ cũng rất quan trọng đối với phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ.
KẾT LUẬN
Kế hoạch của bạn sẽ cần:
- Tránh các thực phẩm chứa nhiều đường
- Ăn các bữa ăn nhỏ, thường xuyên hơn
- Ăn số lượng tinh bột trong các bữa ăn chính và bữa ăn nhẹ theo khuyến nghị
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc gì về chế độ ăn và dinh dưỡng, vui lòng liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
BẢNG CHỈ SỐ ĐƯỜNG HUYẾT (GI) CỦA MỘT SỐ THỰC PHẨM
Ví dụ cho thực đơn 2200 kcal (Chất đạm: 20%, Chất béo: 29%, Chất tinh bột: 51%)