ĐỘI AN TOÀN MÔI TRƯỜNG FV – KẾT NỐI MẠNG LƯỚI AN TOÀN TỪ NHỮNG MẮC XÍCH NHỎ

Chỉ với 3 thành viên để thực hiện một khối lượng công việc khá rộng về chuyên môn tại Bệnh viện FV, có thể nói Nhóm An toàn Môi trường đã phải rất chăm chỉ để đảm bảo hoàn thành yêu cầu công việc. Nhưng bằng sự trẻ trung, năng động, am hiểu công việc và dưới sự dẫn dắt đầy kinh nghiệm từ ông Monojit Mitra (Giám đốc Kỹ thuật & Trang thiết bị Y tế), đóng góp của Nhóm là “chất keo” thiết yếu trong việc kết nối quy trình an toàn chặt chẽ tại FV.

Cẩn trọng trong từng việc nhỏ

Tuy lực lượng không hùng hậu, nhưng phạm vi công việc họ đảm nhận thì tương đối rộng và cần phải tiếp cận cả bằng “phương pháp cứng” (kỹ thuật), lẫn “phương pháp mềm” (thông qua đào tạo, tập huấn). Dù bằng cách thức nào, thì tính cẩn trọng luôn là yêu cầu hàng đầu, vì chỉ cần một chút chủ quan trong công việc, đều có thể dẫn đến những tác động không nhỏ về sau.

Kiểm tra trang thiết bị, dụng cụ ứng phó sự cố khẩn cấp đòi hỏi cao tính cẩn trọng

Như thường lệ, mỗi ngày bạn Phạm Tấn Phát (Trưởng nhóm An toàn Môi trường) kiểm tra các hạng mục công việc và tiến hành thực hiện. Phát nói: “Các công việc đều được lên kế hoạch theo năm, theo quý, rồi chia nhỏ dần theo tháng và trong tuần. Theo quy mô phát triển của FV, phạm vi công việc của nhóm rất rộng và đan xen vào toàn bộ hoạt động của bệnh viện”. Về phạm vi công việc, nhóm an toàn môi trường sẽ phụ trách về quản lý, kiểm tra, giám sát và hướng dẫn về 4 hạng mục: An toàn cháy nổ; quản lý vật liệu và chất thải nguy hại; quản lý môi trường và an toàn vệ sinh lao động.

Đối với mỗi công việc sẽ có 3 nhóm công việc chính mà các thành viên nhóm an toàn môi trường sẽ thực hiện bao gồm:

  • Kiểm tra, giám sát về tình trạng hiện hữu tại các khoa phòng, công trình
  • Đào tạo và hướng dẫn các khoa phòng, công trình định kỳ
  • Đo đạc và hướng dẫn về an toàn môi trường trong môi trường làm việc và khuôn viên tại FV (bao gồm nhiều yếu tố cấu thành như không khí, âm thanh, ánh sáng, chất thải (khí và lỏng), nguồn nước và công thái học – Ergonomic,…).

Bạn Võ Thành Long đang giám sát hoạt động vận hành của hệ thống xử lý nước thải

Hôm nay Phát có lịch kiểm tra nhiều hạng mục an toàn tại Khoa Y học Hạt nhân. Các vật tư quen thuộc như bình rửa mắt, bình chữa cháy cầm tay,…đều được kiểm tra định kỳ mỗi tháng để đảm bảo các yêu cầu an toàn trong hoạt động hàng ngày. Trong đó, bình chữa cháy, dụng cụ phản kháng đầu tiên khi xảy ra cháy nổ, là quan trọng nhất. Chỉ tính riêng bình chữa cháy, toàn FV đã có hơn 300 bình các loại.

Đảm bảo an toàn PCCC là một trong những ưu tiên hàng đầu của Nhóm An toàn Môi trường

Tại một số khu vực (như Khoa Y học Hạt nhân và Khoa Xét nghiệm & Ngân hàng Máu, Khoa cấp cứu), bệnh viện có trang bị “phòng tắm khẩn cấp và vòi rửa mắt khẩn cấp”, một khu vực nhỏ dùng khi nhân viên bị văng, bắn vật liệu nguy hại, chất thải vào người. nêu trên. Phát giải thích rằng: “Công việc của chúng tôi là đảm bảo khi được sử dụng, các thiết bị đều vận hành hoàn hảo và đạt chuẩn an toàn”. Chính vì thế, mức độ, mực nước và khu vực xung quanh phòng tắm được đội của anh ấy thường xuyên kiểm tra kỹ lưỡng.

Các bộ spill kit luôn được kiểm tra hàng tháng bởi nhân viên tại khoa phòng và được giám sát chéo từ Nhóm An toàn Môi trường

Mỗi ngày, nhóm cũng cần kiểm tra hiện trạng và chức năng vận hành của một số vật dụng an toàn khác theo kế hoạch như: bình rửa mắt, tủ chống cháy, đèn thoát hiểm, đèn chiếu sáng khẩn cấp trong thang và lối thoát hiểm, các thùng phân loại chất thải, mẫu nước, nước thải, khí thải, không khí xung quanh, vi sinh không khí tại các khu vực khác nhau,… Tương tự như việc thăm khám bệnh nhân của các bác sĩ, tất cả trang thiết bị, dung cụ đều cần sự cẩn trọng khi kiểm tra.

Học hỏi để cải tiến an toàn là một niềm vui

Kế hoạch công việc có hôm cần sự tham gia của cả 3 thành viên trong Nhóm, có lúc mỗi người một việc, điều này cũng là nét đặc trưng trong công việc của họ. Chẳng hạn như chiều nay, trong lúc Phát kiểm tra các lối thoát hiểm an toàn tại một khu vực, thì 2 thành viên còn lại đang có buổi tái đào tạo và tổ chức diễn tập ứng phó sự cố tràn, đổ vật liệu nguy hại (CODE YELLOW); diễn tập ứng phó sự cố cháy, nổ – (CODE RED) tại hai khu vực khác nhau.

Thành viên mới nhất của nhóm, bạn Trần Bảo Trân (Chuyên viên An toàn vệ sinh lao động) vừa kết thúc buổi đào tạo kiến thức an toàn môi trường. Trân chia sẻ: “Vẫn là công việc hướng dẫn về an toàn lao động như trước đây mình từng làm, nhưng ở hoạt động bệnh viện thì có thêm nhiều điều mới và rất đáng học hỏi”. Trân cũng cho biết mình thích cách làm việc, ứng dụng điều mới và có cơ hội được vận dụng kiến thức chuyên môn vào các công việc tại Bệnh Viện FV. Tuy nhiên “điều mới” thì sẽ đối mặt với khó khăn về thông tin, tài liệu hướng dẫn. May mắn là Nhóm có được sự hướng dẫn và hỗ trợ từ các thành viên khác tại Phòng Kỹ thuật & Trang Thiết bị Y tế, đặc biệt là từ sếp, ông Monojit Mitra.

Bạn Bảo Trân đang hướng dẫn các bước xử lý tràn, đổ hóa chất cho nhân viên

Nói về hoạt động của nhóm trong giai đoạn xây dựng tòa nhà H, thành viên còn lại trong Nhóm, bạn Võ Thành Long (Chuyên viên An toàn Môi trường) chia sẻ: “sẽ có nhiều yêu cầu khắt khe hơn trong việc kiểm soát các hoạt động đảm bảo an toàn – môi trường của các nhà thầu. Do đó, nhóm sẽ luôn theo dõi, kiểm tra, giám sát và cập nhật các quy định, chính sách để hỗ trợ họ”.

Đào tạo an toàn cho các nhà thầu thi công xây dựng, lắp đặt tại Bệnh viện FV

Hiện nay, Nhóm An toàn Môi trường đang áp dụng các tiêu chuẩn an toàn và môi trường được pháp luật Việt Nam quy định, cũng như bộ tiêu chuẩn JCI mà FV vẫn luôn theo sát. Bên cạnh đó, Phòng Kỹ thuật & trang thiết bị Y tế cũng xem xét các tình huống thực tế, kinh nghiệm từ các cơ sở y tế tương đồng, nhằm đề xuất một quy chuẩn của FV.  Sự an toàn của toàn bệnh viện được tất cả các phòng ban cùng xây dựng. Và Nhóm An toàn Môi trường, đóng vai trò “mắt xích” kết nối tất cả điểm an toàn đó lại với nhau. Điều đó thật đặc biệt.

Các thành viên của nhóm đều có kinh nghiệm và chuyên môn về loại công việc họ đang thực hiện hàng ngày. Những thách thức khi làm việc trong môi trường chăm sóc sức khỏe và đặc biệt hơn là trong một bệnh viện được 3 lần công nhận JCI là rất nhiều. Tuy nhiên, dưới sự hướng dẫn của người đứng đầu bộ phận, cũng như sự hợp tác và phối hợp từ tất cả nhân viên của bệnh viện, nhóm tin rằng sẽ hoàn thành tốt tất cả dự án sắp tới.