Đục Thủy Tinh Thể (còn gọi là đục thể thủy tinh): điều trị ra sao?

Bài viết về đục thủy tinh thể (thể thủy tinh, hay cườm khô, cườm đá) giúp cung cấp thông tin y khoa đáng tin cậy, do đội ngũ bác sĩ Bệnh viện FV – Bệnh viện đa khoa quốc tế (thuộc Tập đoàn Y tế Thomson) biên soạn.

XEM VIDEO CLIP VỀ MỨC ĐỘ NGUY HIỂM CỦA ĐỤC THỦY TINH THỂ

ĐỤC THỂ THỦY TINH (đục thủy tinh thể) LÀ GÌ?

Đục thể thủy tinh hay còn gọi là đục thủy tinh thể (cườm khô, cườm đá) là tình trạng mà phần thể thủy tinh trong suốt của mắt bị mờ đục làm ngăn cản các tia sáng đi vào mắt và làm giảm thị lực.

Đục thể thủy tinh không phải là một khối u hay sự tăng trưởng bất thường trong mắt như người ta thường lo ngại. Đây thường là một phần của quá trình lão hóa do những thay đổi thể chất xảy ra trong thể thủy tinh. Bệnh đục thể thủy tinh thường xảy ra ở người cao tuổi nhưng cũng có thể xảy ra do bị tổn thương, bẩm sinh hoặc do bệnh tật như đái tháo đường.

CÁC TRIỆU CHỨNG?

Dấu hiệu đầu tiên thường là mờ mắt mà không thể điều chỉnh bằng kính. Tình trạng mờ hoặc đục của thể thủy tinh hầu như luôn xuất hiện từ mép ngoài rồi lan dần vào bên trong thể thủy tinh khi bệnh tiến triển và gây ra tình trạng giảm thị lực.

Các triệu chứng khác có thể bao gồm nhìn một thành hai hình hoặc nhiều hình, tầm nhìn kém khi nhìn ánh sáng chói, nhìn thấy một điểm đen lớn trước mắt hoặc quầng sáng xung quanh nguồn sáng.

Bệnh-đục-thủy-tinh-thể-hay-còn-gọi-là-đục-thể-thủy-tinh
Bệnh đục thủy tinh thể hay còn gọi là đục thể thủy tinh

PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ ĐỤC THỦY TINH THỂ LÀ GÌ?

Hiện tại, ngoài phẫu thuật thì không có phương pháp điều trị hiệu quả nào được công nhận cho bệnh đục thể thủy tinh khi bệnh đã trở nên nghiêm trọng. Tùy thuộc vào nhu cầu của bệnh nhân và chỉ cần bệnh nhân vẫn còn hài lòng với thị lực của mình thì việc phẫu thuật là không cần thiết.

Tuy nhiên, bác sĩ phẫu thuật vẫn sẽ tư vấn cho bệnh nhân về việc phẫu thuật lấy thể thủy tinh khi tình trạng thị lực kém gây cản trở đến các sinh hoạt hàng ngày.

Phương pháp vi phẫu thuật đục thể thủy tinh (còn gọi là phẫu thuật PHACO) thường rất thành công và hơn 90% số bệnh nhân có thể phục hồi tốt thị lực.

Sau khi phẫu thuật lấy đi thể thủy tinh bị mờ đục, bệnh nhân sẽ được thay thể thủy tinh nhân tạo để tiếp tục thực hiện chức năng hội tụ ánh sáng lên võng mạc. Việc này sẽ được thực hiện bằng một trong ba phương pháp – mang kính gọng, kính áp tròng hoặc đặt kính nội nhãn hình đĩa, bằng nhựa vào trong mắt.

ĐẶT KÍNH NỘI NHÃN 

Phương pháp phẫu thuật đặt thể thủy tinh nhân tạo (kính nội nhãn IOL) vào trong nhãn cầu đã được áp dụng hơn 30 năm qua và mang lại kết quả tuyệt vời, đặc biệt với các bệnh nhân trên 45 tuổi. Tuy nhiên đôi khi vẫn có các biến chứng như như tăng nhãn áp (cườm nước) và bị viêm (viêm mống mắt).

Thị lực cũng có thể giảm dần trong vài tháng hoặc vài năm sau khi phẫu thuật do tình trạng dầy lên của bao thủy tinh, vốn được giữ lại sau mổ. Tình trạng có thể được cải thiện bằng phẫu thuật mở bao thủy tinh ở mắt hoặc điều trị bằng tia laser YAG.

THAY THỂ THỦY TINH NHÂN TẠO

Nếu bệnh nhân có các yêu cầu hay vấn đề đặc biệt, bác sỹ nhãn khoa sẽ thảo luận phương pháp điều trị thích hợp với bệnh nhân trong quá trình thăm khám.

Trên đây là bài viết về đục thủy tinh thế và cách điều trị, do đội ngũ bác sĩ Khoa Mắt và Phẫu thuật khúc xạ Bệnh viện FV biên soạn và giới thiệu như một kênh tham khảo uy tín cho bạn. Để tư vấn thêm về chủ đề này, vui lòng liên hệ (028) 54 11 33 33 để được tư vấn chi tiết và đặt lịch hẹn với bác sĩ chuyên khoa.