FV Đưa Vào Sử Dụng Máy Xạ Hình Spect/CT Thế Hệ Mới

Nhằm nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị trong lĩnh vực Y học hạt nhân (Nuclear Medicine), Bệnh viện FV đã đưa vào sử dụng hệ thống máy chụp Xạ hình kết hợp (Hybrid system) SPECT/CT tiên tiến nhất hiện nay. Đây là hệ thống thiết bị 2 trong 1, kết hợp bởi máy chụp Xạ hình cắt lớp bằng tia Gamma (SPECT) và máy chụp Cắt lớp điện toán (CT). Hệ thống này cho phép bác sĩ chủ động chụp phẳng hoặc chụp cắt lớp để có hình ảnh tổng thể (2 chiều hoặc 3 chiều) cùng với hiệu chỉnh sự suy giảm phóng xạ, phát họa chi tiết về bệnh lý toàn thân hoặc một khu vực của cơ thể.

Thiết bị SPECT/CT: Một bước tiến mới trong công nghệ Y học hạt nhân

Hiện nay, Bệnh viện FV là một trong số ít các bệnh viện trên cả nước sở hữu hệ thống máy SPECT/CT, áp dụng kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, không gây đau và hầu như không gây ra dị ứng hoặc các tác dụng phụ khác.

PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG CỦA THIẾT BỊ SPECT/CT

Trước khi chụp xạ hình, thông thường bệnh nhân sẽ được tiêm vào mạch máu một hỗn hợp phóng xạ (99mTc) gắn với một dược chất (chuyên biệt cho từng cơ quan cần khảo sát). Tùy theo tình huống, chất phóng xạ có thể đưa vào cơ thể bằng cách uống, hít khí dung hoặc tiêm dưới da. 99mTc là một đồng vị phóng xạ nhân tạo có chu kỳ bán hủy ngắn (6 giờ). Ngoài ra, bệnh nhân có thể uống 131 Iod, cũng là đồng vị phóng xạ nhân tạo có chu kỳ bán hủy ngắn (8 ngày).

Các hợp chất này phát ra bức xạ Gamma. Hai đầu dò (Detector) sẽ thu nhận bức xạ này cùng lúc phát ra từ cơ thể bệnh nhân và tái tạo thành hình ảnh thông qua các phần mềm chuyên biệt.

Bệnh nhân được nhân viên điều khiển thiết bị hướng dẫn nằm trên bàn trong tầm quét của hệ thống máy SPECT/CT, tùy theo vị trí và yêu cầu của các bác sĩ. Thời gian chụp sẽ từ 15 phút đến 45 phút, hoặc có thể lâu hơn tùy theo tính chất phức tạp của vị trí tổn thương (cũng có khi phải chụp nhiều lần và thời gian chờ sẽ kéo dài). Chụp xong, bệnh nhân có thể được lưu lại trong một thời gian ngắn hoặc có thể ra về ngay.

Sau khi xử lý ảnh, kết quả sẽ thể hiện các tổn thương trên cơ thể dưới dạng hình ảnh giải phẫu và chức năng. Bác sĩ Y học hạt nhân sẽ trao đổi kết quả với bác sĩ gửi bệnh trong những trường hợp phức tạp. Sau đó, hình ảnh và báo cáo kết quả sẽ được trao tận tay bệnh nhân hoặc gửi trực tiếp cho bác sĩ gửi bệnh.

Một vài lưu ý:

  • Trước khi chụp xạ hình, người bệnh phải chắc chắn không mang thai. Nếu không chắc chắn, người bệnh cần báo ngay cho nhân viên hoặc bác sĩ (có thể xét nghiệm máu để xác định chắc chắn không có thai).
  • Phụ nữ đang cho con bú cần ngưng cho bú mẹ trong vòng 12 tiếng – 24 tiếng.
  • Không có chống chỉ định đối với trẻ em.
  • Thông thường, người bệnh cần uống nhiều nước trước khi được tiêm dược chất phóng xạ.
  • Cần đặt hẹn trước để được hướng dẫn cụ thể.

MỘT SỐ CHỈ ĐỊNH CHỤP SPECT/CT

Bệnh Tim mạch:
– Đánh giá tình trạng thiếu máu cơ tim và chức năng của tâm thất trái trên bệnh nhân đã có bệnh mạch vành trước đó hoặc các bệnh nhân đau ngực có yếu tố nguy cơ, v.v… để phát hiện bệnh mạch vành.

Ung bướu:
– Chụp xạ hình xương toàn thân để tìm các tổn thương di căn và đánh giá tiến triển của di căn ung thư trong quá trình diễn biến của bệnh.
– Xạ hình toàn thân với 131 Iod:

  • Sau phẩu thuật cắt bỏ tuyến giáp
  • Trước khi quyết định điều trì bằng 131 Iod và sau khi điều trị 131 Iod
  • Theo dõi đáp ứng điều trị trong ung thư tuyến giáp thể biệt hóa.

– Chụp xạ hình hạch gác (trong ung thư vú giai đoạn sớm, ung thư hắc tố Melanoma và một số ung thư khác ở vùng đầu, mặt và cổ, v.v…) giúp đánh giá giai đoạn và lên kế hoạch chữa trị.

Nội tiết:
– Chẩn đoán các bệnh lý tuyến giáp (bao gồm: cường giáp, u giáp độc, bướu giáp nhân, ung thư giáp v.v…).
– Phát hiện khối u tủy thượng thận, u nguyên bào thần kinh, tuyến phó giáp (cận giáp),…

Khoa Thận niệu:
– Xạ hình thận (tĩnh):

  • Giúp đánh giá tổn thương vỏ thận và chức năng còn lại của từng thận, góp phần quyết định điều trị bảo tồn, phẫu thuật cắt bỏ thận hoặc cắt bỏ một phần.
  • Tìm vị trí của thận lạc chỗ.

– Xạ hình thận (động):

  • Giúp đánh giá chức năng riêng biệt mỗi thận đồng thời chẩn đoán phân biệt các trường hợp ứ nước thận do tắc nghẽn hoặc không do tắc nghẽn.
  • Chẩn đoán cao huyết áp do hẹp động mạch thận một bên.
  • Đánh giá chức năng thận trước khi hiến thận và sau ghép thận.

Xạ hình tinh hoàn giúp chẩn đoán phân biệt viêm và xoắn tinh hoàn.

Chấn thương chỉnh hình:
– Chẩn đoán nhiễm trùng hoặc lỏng khớp giả.
– Hỗ trợ chẩn đoán các trường hợp đau xương khớp, những nghi ngờ viêm xương – tủy xương mà các phương tiện khác không xác định rõ nguyên nhân.

Khoa ICU/Cấp cứu:
– Chụp xạ hình phổi thông khí và tưới máu: Chẩn đoán xác định hoặc loại trừ thuyên tắc động mạch phổi.

Các trường hợp khác:
– Xạ hình xác định túi thừa Meckel, xạ hình tuyến nước bọt…

Với hệ thống SPECT/CT, các bác sĩ Bệnh viện FV có thêm công cụ hỗ trợ chẩn đoán và theo dõi bệnh lý. Bệnh nhân cũng được hưởng lợi từ hệ thống này nhờ khả năng cung cấp hình ảnh đánh giá chức năng và vị trí giải phẫu của tổn thương có độ chính xác cao hơn so với các thiết bị thế hệ trước.