Ngày An toàn Bệnh nhân Thế giới (WPSD) là một chiến dịch chính thức của WHO nhằm thúc đẩy tất cả các bên liên quan gồm các chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có ảnh hưởng vào hệ thống chăm sóc sức khỏe sẽ cùng làm việc, để cải thiện sự an toàn và giảm tác hại do sai sót y tế cho bệnh nhân. WPSD được thành lập bởi Đại hội đồng Y tế Thế giới vào năm 2019, chọn ngày 17 tháng 9 hằng năm để nâng cao hiểu biết toàn cầu, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào chiến dịch. Theo đó, trong nhiều năm liên tục, Bệnh viện FV đã cố gắng hưởng ứng chiến dịch này bằng nhiều hình thức khác nhau, với mục tiêu chung là tăng nhận thức của cộng đồng về an toàn bệnh nhân.
Trước tình hình dịch bệnh tại Tp.HCM đang diễn biến rất phức tạp, cộng với việc toàn Bệnh viện FV vẫn đang phục vụ nơi tuyến đầu chống dịch, nên bệnh viện không thể tổ chức một sự kiện để hưởng ứng Ngày An toàn Bệnh nhân Thế giới như thông lệ hằng năm. Tuy nhiên, FV vẫn tiếp tục đồng hành cùng chiến dịch, thông qua Tuần lễ An toàn Bệnh nhân từ ngày 15 – 22/9/2021. Trong tuần lễ sự kiện, FV sẽ cố gắng thông tin đến bệnh nhân/thân nhân, nhân viên và cộng đồng xung quanh, về thông điệp ý nghĩa của sự kiện năm nay.
Ngày An toàn Bệnh nhân Thế giới năm nay, WHO đã đưa ra chủ đề “Chăm sóc an toàn cho mẹ và trẻ sơ sinh trong thời dịch bệnh”, nhằm kêu gọi cộng đồng thế giới hãy hành động vì sự an toàn của mẹ và trẻ sơ sinh, đặc biệt là với bối cảnh đại dịch COVID-19 như hiện nay. Trong những thách thức rất lớn từ trận đại dịch hơn 2 năm qua, WHO hy vọng các chính phủ, cơ quan, doanh nghiệp y tế sẽ cố gắng tổ chức các hoạt động kết hợp trên nền tảng trực tuyến nhằm đưa thông điệp sự kiện đến với nhiều người hơn.
Thống kê cho thấy, mỗi ngày trên thế giới có khoảng 810 sản phụ thiệt mạng do nhiều nguyên nhân (loại có thể phòng tránh được) liên quan đến việc mang thai và sinh con. Ngoài ra, cứ mỗi 24 giờ thì có khoảng 6700 trẻ sơ sinh tử vong, chiếm 47% tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 5 tuổi. Con số còn lớn hơn khi mỗi năm có khoảng 2 triệu trẻ sơ sinh chết lưu, trong đó có hơn 40% xảy ra ngay trong quá trình chuyển dạ.
Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp nguy hiểm ở mẹ và trẻ sơ sinh có thể phòng tránh được, nhờ vào việc cung cấp dịch vụ chăm sóc an toàn và chất lượng, nhân viên y tế được đào tạo lành nghề và họ cần được làm việc trong môi trường có đầy đủ hỗ trợ. Các yếu tố này chỉ có thể đạt được thông qua sự nỗ lực của tất cả các bên liên quan, bao gồm chính phủ, các tổ chức y tế và toàn xã hội, với mục tiêu cải thiện toàn diện hệ thống y tế và giúp cộng đồng có nhận thức tốt hơn về an toàn bệnh nhân.
Trong thời điểm dịch COVID-19 vẫn đang bùng phát mạnh tại hơn 120 quốc gia trên toàn thế giới, cũng như tại Việt Nam, những rủi ro và tác hại đến các sản phụ và trẻ sơ sinh còn lớn hơn bao giờ hết. Hiện nay, các dịch vụ y tế thiết yếu đều bị gián đoạn ít nhiều do đại dịch, dẫn đến nhiều tình huống chăm sóc không còn được an toàn như thông thường. Chính vì vậy, chiến dịch Ngày An toàn Bệnh nhân Thế giới năm nay được WHO xác định là có tầm quan trọng đặc biệt. Do vậy, FV đang cố gắng hoạt động song song, ngoài điều trị COVID-19, vẫn tiếp tục hỗ trợ chăm sóc cho các sản phụ, các bé sơ sinh, cũng như rất nhiều bệnh nhân nội trú khác. Bệnh viện vẫn luôn đặt người bệnh là trung tâm của mọi hoạt động của mình và an toàn bệnh nhân luôn là ưu tiên hàng đầu tại FV.