Không dung nạp Lactose là gì?
Nhiều người sau khi uống sữa hay sử dụng các thực phẩm từ sữa sẽ có triệu chứng đau bụng, khó tiêu, thậm chí là bị tiêu chảy. Điều này xảy ra khi cơ thể không có khả năng dung nạp Lactose vì không sản sinh đủ lactase (một loại men tự nhiên do đường ruột tạo ra, giúp tiêu hóa lactose). Khi không có đủ lactase, lượng lactose ăn vào sẽ không được tiêu hóa và ứ đọng lại ở ruột, gây đầy hơi và làm rối loạn hệ tiêu hóa. Việt Nam thuộc khu vực có tỉ lệ rối loạn dung nạp Lactose cao (>80%).
Không dung nạp lactose có thể dẫn đến cơ thể không hấp thu đủ dưỡng chất cần thiết như canxi, vitamin D và các dưỡng chất khác có trong sữa hoặc các thực phẩm được chế biến từ sữa. Việc không hấp thu đủ canxi và vitamin D có thể khiến trẻ em bị thấp còi và nguy cơ bị loãng xương khiến xương trở nên yếu ớt, dễ bị gãy và khó hồi phục ở người trưởng thành. Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc chứng không dung nạp lactose bao gồm: Tuổi Cao, Trẻ sinh non, Bệnh Crohn, Bệnh Celiac, tác dụng phụ của xạ trị, biến chứng tiêu hóa do hoá trị,…
Nếu được chẩn đoán và phát hiện sớm chứng không dung nạp lactose, người bệnh có thể thay đổi chế độ ăn uống để đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể, đồng thời kiểm soát được các triệu chứng của bệnh để cải thiện chất lượng sống.
Chứng Quá phát vi khuẩn Ruột non (SIBO)
Đây là tình trạng bệnh lý do sự phát triển quá mức hệ vi khuẩn ruột non gây nên. Tỉ lệ mắc chiếm khoảng 10-15% ở người trên 65 tuổi. Sự mất cân bằng vi khuẩn trong ruột này khiến người bệnh thường bị các rối loạn tiêu hóa như đau bụng, dạ dày, chướng hơi, đầy bụng, tiêu chảy…
Người bệnh mắc chứng không dung nạp lactose sẽ có triệu chứng đầy hơi và rối loạn hệ tiêu hóa.
Nguyên nhân gây ra SIBO thường là: Nhu động ruột chậm bất thường, giảm axit dạ dày, cấu trúc ruột non bất thường, hệ miễn dịch suy yếu và do biến chứng của các bệnh lý khác như: Xơ gan, bệnh Crohn, Celiac, suy giáp, HIV, đái tháo đường, hội chứng ruột kích thích IBS, xơ cứng bì,… Đối tượng có nguy cơ cao mắc SIBO như: Tuổi cao, sử dụng nhiều thuốc PPI điều trị viêm dạ dày, phẫu thuật các cơ quan tiêu hóa, dùng kháng sinh, nghiện rượu,…
Thực hiện Xét nghiệm hơi thở Hydrogen (Hydrogen Breath Test) như thế nào?
Bác sĩ Dinh dưỡng FV sẽ chỉ định xét nghiệm hơi thở hydrogen nếu nghi ngờ bệnh nhân mắc chứng không dung nạp lactose và quá phát vi khuẩn ruột non (SIBO) khi có các dấu hiệu: Đau hoặc khó chịu bụng dưới, đau bụng trên, buồn nôn, đầy bụng, tiêu chảy, đầy hơi, sôi bụng và có các triệu chứng giống IBS,… So với các xét nghiệm trước kia gây xâm lấn và mất nhiều chi phí như: Xét nghiệm gen, Sinh thiết, Test dung nạp glucose (xét nghiệm máu), lấy mẫu sinh thiết từ ruột non… thì phương pháp xét nghiệm hơi thở hydrogen lại đơn giản, ít xâm lấn và nhanh chóng hơn rất nhiều (chỉ mất từ hai đến ba giờ).
Đơn vị Dinh dưỡng & Tiết chế Bệnh viện FV là nơi duy nhất tại TP.HCM sử dụng công nghệ Xét nghiệm hơi thở Hydrogen bằng máy Hydrogenius tiên tiến giúp phát hiện các Rối loạn không dung nạp Lactose và Chứng quá phát vi khuẩn ruột non (SIBO). Khi áp dụng xét nghiệm này, việc chẩn đoán các bệnh nhân có những vấn đề rối loạn tiêu hóa như trên sẽ được chính xác hơn, giúp phát hiện bệnh sớm, nhằm đưa ra phác đồ điều trị có hiệu quả tích cực.
Xét nghiệm hơi thở Hydrogen bằng máy Hydrogenius.
Ngoài ra, đội ngũ bác sĩ Đơn vị Dinh dưỡng & Tiết chế FV cũng sẽ dành thời gian tư vấn và đưa ra các giải pháp điều trị dinh dưỡng phù hợp với từng thể trạng người bệnh. Việc duy trì chế độ dinh dưỡng tốt, bổ sung vitamin D, canxi cho đến việc tính toán lượng lactose được phép tiêu thụ trong ngày là bao nhiêu cũng sẽ được bác sĩ giải thích cặn kẽ.
Để đặt hẹn khám cùng bác sĩ Nguyễn Viết Quỳnh Thư, Trưởng Đơn vị Dinh dưỡng và Tiết chế Bệnh viện FV, vui lòng liên hệ: (028) 54 11 33 33 – Máy nhánh: 1419