Với mong muốn mang đến phương pháp chẩn đoán và điều trị hiện đại, Bệnh viện FV triển khai ứng dụng Kỹ thuật siêu âm nội soi phế quản giúp chẩn đoán hạch trong lồng ngực và đánh giá chính xác giai đoạn ung thư phổi từ đó tìm ra hướng điều trị thích hợp và hiệu quả. FV là một trong số ít bệnh viện tại Việt Nam triển khai ứng dụng và thực hiện kỹ thuật này tại khoa Nội Phổi do Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ trực tiếp thực hiện.
Nội soi phế quản siêu âm (Endobroncho Ultrasound – EBUS) là kỹ thuật nội soi phế quản được kết hợp thêm siêu âm để quan sát, đánh giá các tổn thương cạnh phế quản như khối u cạnh khí quản, hạch rốn phổi, hạch trung thất hoặc các tổn thương phổi ngoại vi – nơi mà nội soi thông thường khó có thể tiếp cận được. Nội soi phế quản siêu âm có 2 dạng đầu dò là đầu dò siêu âm xuyên tâm (Radial probe EBUS-RP-EBUS) dành cho các tổn thương phổi ở ngoại vi và đầu dò siêu âm lồi (Convex probe EBUS-CP-EBUS) dành cho hạch rốn phổi, hạch trung thất hoặc khối u cạnh khí quản.
Kỹ thuật nội soi phế quản siêu âm (EBUS) giúp chẩn đoán hạch trong lồng ngực và đánh giá chính xác giai đoạn ung thư phổi
Nội soi phế quản siêu âm kèm sinh thiết phổi xuyên phế quản (EBUS-TBLB, transbronchial lung biopsy) sẽ giúp bác sĩ sinh thiết lấy mẫu bệnh phẩm từ các nốt mờ nhỏ hoặc khối u ở phần xa của phổi khi kỹ thuật nội soi phế quản thông thường không sinh thiết được. Kỹ thuật này cũng được sử dụng cho các bệnh nhân có nguy cơ cao khi sinh thiết phổi xuyên thành ngực hoặc bệnh nhân không thể phẫu thuật được.
EBUS-TBLB được thực hiện bằng cách dùng một loại “ống soi” nhỏ gọn và mềm, đưa qua miệng để vào đường dẫn khí giúp bác sĩ nhìn thấy bên trong phổi và thực hiện thủ thuật. Trong thủ thuật này, đầu dò siêu âm xuyên tâm được dùng để giúp bác sĩ xác định chính xác nhánh phế quản dẫn đến khối u và bảo đảm kềm sinh thiết tiếp cận được khối u ở phần xa của phổi. Khi nội soi, một kềm sinh thiết rất nhỏ dùng để lấy mẫu mô cơ thể bằng cách chọc xuyên qua phế quản để đến mô khối u lân cận.
Bệnh viện FV triển khai ứng dụng và thực hiện kỹ thuật EBUS tại khoa Nội Phổi do Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ trực tiếp thực hiện.
Nội soi phế quản siêu âm kèm chọc hút hạch xuyên phế quản (EBUS-TBNA, transbronchial needle aspiration) giúp bác sĩ lấy mẫu mô mà không cần phẫu thuật. Trong thủ thuật này, đầu dò siêu âm lồi được dùng để giúp bác sĩ xác định chính xác vị trí và kích thước của hạch trung thất hoặc rốn phổi và bảo đảm kim sinh thiết chọc đúng vào hạch bệnh lý cần khảo sát. Phương pháp này được dùng để lấy mẫu mô hạch từ một vùng cơ thể gọi là trung thất, là một phần của lồng ngực, chứa tim, tuyến ức, thực quản, khí quản và các dây thần kinh, các hạch bạch huyết khó tiếp cận. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp:
- Xác định nguyên nhân các hạch bạch huyết phì đại trong trung thất và/hoặc rốn phổi
- Bệnh lao hoặc sarcoidosis
- Chẩn đoán xác định di căn hạch trung thất và/ hoặc rốn phổi từ ung thư phổi và ngoài phổi
- Xác định chính xác giai đoạn ung thư phổi để có thể quyết định phương pháp điều trị phù hợp
Phương pháp nội soi phế quản siêu âm hiện là kỹ thuật được đánh giá cao giúp phát hiện các bệnh lý đường hô hấp một cách chính xác để từ đó có hướng điều trị kịp thời và đầy đủ. Hầu hết thủ thuật không gây biến chứng và được đánh giá là một thủ thuật an toàn, hiếm gây tổn thương đến phổi.
Đặt hẹn với TS. BS Nguyễn Văn Thọ tại khoa Nội – Bệnh viện FV: (028) 54 11 33 33, máy nhánh 1526